Tăng cường bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất nông nghiệp

08:06, 12/06/2012

Những năm qua, việc thâm canh tăng vụ đã dẫn đến tình trạng sâu bệnh phát triển mạnh, chất đất bị bạc màu, nông dân phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và phân bón vượt mức cho phép. Hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm còn manh mún, nằm xen kẽ trong khu dân cư và chưa được áp dụng triệt để các biện pháp bảo vệ môi trường (BVMT). Nuôi thủy sản phần lớn chưa áp dụng các biện pháp kỹ thuật bảo đảm an toàn vệ sinh, chưa có nhiều công trình xử lý nước thải…

Nhân viên của đại lý thuốc bảo vệ thực vật ở xã Hải Anh (Hải Hậu) hướng dẫn khách hàng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc bảo vệ môi trường.
Nhân viên của đại lý thuốc bảo vệ thực vật ở xã Hải Anh (Hải Hậu) hướng dẫn khách hàng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc bảo vệ môi trường.

Để hạn chế ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, những năm gần đây, các cấp, các ngành và các địa phương trong tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều chương trình phòng chống ô nhiễm môi trường; thường xuyên tổ chức các chương trình truyền thông về các quy định của Bộ NN và PTNT về quản lý thuốc BVTV, phân bón, chăn nuôi thú y và quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn và phòng tránh ô nhiễm, hướng dẫn xây dựng báo cáo đánh giá tác động môi trường trong nuôi trồng thủy sản ven biển... Qua đó, giúp đội ngũ cán bộ quản lý, các nhà khoa học và những người tham gia sản xuất nông nghiệp hiểu rõ và nâng cao ý thức, trách nhiệm BVMT các hệ sinh thái trên cạn và dưới nước. Từ nhiều năm nay, việc sử dụng thuốc BVTV của bà con nông dân thường phụ thuộc vào sự hướng dẫn của các đại lý buôn bán vật tư nông nghiệp, ngành nông nghiệp đã tăng cường phối hợp với các ngành chức năng siết chặt quản lý hoạt động cung cấp và hướng dẫn sử dụng vật tư nông nghiệp cho bà con nông dân. Trong chăn nuôi, ở các huyện, thành phố đều đã có các hộ tham gia chương trình chăn nuôi gà an toàn sinh học, nuôi lợn hướng nạc sinh sản, sử dụng hầm bi-ô-ga, áp dụng phương pháp đệm lót sinh thái, thực hiện thu gom, xử lý nguồn nước thải, phun thuốc phòng trừ dịch bệnh, tiêm chủng, rắc vôi bột, dọn rửa chuồng trại… Tại xã Nam Mỹ (Nam Trực), 50 hộ dân đã tham gia “Mô hình quản lý rầy hại lúa theo hướng hiệu quả - bền vững” do Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở NN và PTNT) trên diện tích 5ha. Các hộ nông dân tham gia mô hình đã áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh lúa và quản lý dịch hại theo chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) và hệ thống thâm canh lúa tổng hợp (SRI) như: vệ sinh đồng ruộng, xử lý hạt giống, gieo mạ thưa, cấy mạ non, sử dụng phân bón hữu cơ, bón phân đủ lượng, cân đối, điều tiết nước hợp lý… “Mô hình quản lý rầy hại lúa theo hướng hiệu quả - bền vững” áp dụng biện pháp tổng hợp, thâm canh lúa cải tiến, quản lý rầy ngay từ đầu vụ giúp cây lúa khoẻ, đẻ nhánh tập trung, nhiều bông, năng suất tăng từ 10 đến 15% so với phương pháp cấy truyền thống, tiết kiệm được 55,6kg phân đạm/ha, lượng thuốc BVTV giảm cả ở số lượng và số lần phun. Mô hình này không chỉ đem lại sự cân bằng sinh thái trên đồng ruộng mà còn giúp bảo vệ hệ sinh thái nông nghiệp và sức khoẻ cộng đồng. Tại các HTX dịch vụ nông nghiệp Cốc Thành (Vụ Bản) và Nghĩa Châu (Nghĩa Hưng) đã xây dựng mô hình thu gom rác thải sinh hoạt gắn với thu gom bao bì các loại thuốc BVTV đã sử dụng, từng bước góp phần xóa bỏ thói quen xả thải phế phẩm nông nghiệp bừa bãi. Tại khối doanh nghiệp sản xuất, chế biến các mặt hàng nông sản cũng được tỉnh quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện và khuyến khích thực hiện các biện pháp BVMT trong sản xuất. Cụ thể như các chương trình hỗ trợ quản lý chất lượng sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu, các bộ tiêu chuẩn quản lý chất lượng sản phẩm tiên tiến… đã giúp các doanh nghiệp, địa phương xây dựng được các thương hiệu thực phẩm sạch, gắn với hoạt động sản xuất bảo đảm môi trường như: Ngao sạch Giao Thủy, thương hiệu rau củ sạch của Cty Thành Quân (Hải Hậu), sản phẩm sứa an toàn thực phẩm của Cty TNHH Thịnh Long, Cty CP Chế biến hải sản Nam Định. Nhờ đó các đơn vị đều tiếp cận được khách hàng mới, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như doanh thu và lợi nhuận. Trong hoạt động chế biến nông sản thực phẩm, Cty TNHH Luveco (TP Nam Định) đã chủ động áp dụng và cải tiến hệ thống chất lượng theo hướng bảo đảm an toàn vệ sinh môi trường. Cty xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008 và áp dụng hệ thống kiểm soát rủi ro HACCP, giúp Cty phòng ngừa cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhờ đó, các sản phẩm nông sản xuất khẩu của Cty như: dưa chuột, cà chua, nấm, ngô ngọt… được nhiều nước ở châu Âu, châu Mỹ… ưa chuộng.

Về chương trình BVMT lâu dài, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ các hệ sinh thái; hỗ trợ kỹ thuật cần được ưu tiên thực hiện thông qua hoạt động khoa học công nghệ và công tác khuyến nông, khuyến ngư; chú ý đến vấn đề môi trường từ khi thực hiện quy hoạch, sản xuất (trồng trọt, chăn nuôi), đến khâu bảo quản, chế biến sản phẩm. Quy hoạch vùng sản xuất an toàn môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm từ khâu chọn địa điểm, hoàn thiện hệ thống hạ tầng phục vụ vùng sản xuất an toàn, đến khâu áp dụng các biện pháp quản lý quá trình sản xuất…

Bài và ảnh: Thúy Vy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com