Nghĩ về sách giáo khoa

08:06, 29/06/2012

Theo thông tin rộng rãi trên công luận, sẽ có việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) từ sau năm 2015. Đây chỉ là một điểm trong Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020 theo định hướng "phát triển năng lực học sinh, đảm bảo tính thống nhất trên toàn quốc và phù hợp với đặc trưng của mỗi địa phương, chú trọng giáo dục đạo đức và các giá trị truyền thống, giáo dục kỹ năng sống, giáo dục lao động, hướng nghiệp cho học sinh”.

Nhìn xâu chuỗi những cái sẽ được đổi mới sau nhiều lần đã đổi mới, rõ ràng ai cũng có nhận xét về SGK - một công cụ giảng dạy đã mang nhiều tai tiếng trong nhiều năm qua. Đến nay, một trong những điều đáng phàn nàn về tính bất cập trong ngành giáo dục là về SGK. Mục tiêu có tính định hướng của giáo dục đã quá rõ ràng nhưng công cụ để thực hiện nó lại không thể khắc phục được những nhược điểm không được phép tồn tại. Hầu như cuốn nào trong hệ thống SGK cũng có những chỗ sai đôi khi nghiêm trọng về kiến thức và phương pháp. SGK địa lý ở ba cấp tiểu học, THCS và THPT khi viết về diện tích Việt Nam đã cho 3 con số khác nhau! Sách nào sai hay cả sách cả ở 3 cấp đều không chuẩn? Ngay cả sách Atlas địa lý mới nhất còn bỏ sót tỉnh Hậu Giang ở Nam Bộ. Và không có cuốn SGK nào dùng được vài năm, trái lại năm nào cũng phải chỉnh sửa, in ấn. Điều này gây thắc mắc về khả năng của các tác giả và không thể không gây tốn kém cho học sinh, gây lãng phí ngân sách tức mang tiền mồ hôi nước mắt của dân tiêu một cách vô tội vạ. Một ví dụ khá điển hình là "Cây Lêu” mà thực ra "Cây Nêu” trong nhan đề một bài trong SGK. Hay một ví dụ khác, SGK cho học sinh lớp 3 coi ảnh trụ sở một phường ở Hà Nội rồi yêu cầu các em so sánh với trụ sở phường nơi mình cư trú. Đó là yêu cầu bất khả thi với học sinh lứa tuổi này bởi chưa có việc gì để các em phải tới trụ sở phường cả. Dẫn chứng vừa nêu liên hệ đến trình độ, khả năng nắm bắt tâm sinh lý học sinh của tác giả cuốn sách.

Tuy nhiên, vấn đề hiện tại không phải là tìm ra nhược điểm của SGK nữa, mà là tìm một phương hướng giải quyết vấn đề này. Trước thời đổi mới, do điều kiện lịch sử lúc đó nên việc biên sọan, ấn hành và phân phối SGK được giao trọn cho NXB Giáo dục. SGK khi ấy được coi là tài sản của các trường và học sinh mượn miễn phí. Nhưng nay, giáo dục đã chuyển dần theo hướng xã hội hóa nhiều loại trường, cơ chế thị trường (học sinh phải đóng học phí và nhiều khoản phí khác) và đang hội nhập quốc tế thì thực tế SGK đã thành một mặt hàng làm ra để bán có thu lợi nhuận. Đã là một mặt hàng bán ra thì sao lại dành độc quyền cho một NXB? Lời đáp của câu hỏi này cũng là sự nhắc nhở rằng Ban biên soạn của NXB này có phần đã không làm tốt nhiệm vụ của mình thể hiện qua những khuyết điểm của SGK bao lâu nay và ai cũng thấy.

Quả thật là chủ trương xã hội hóa giáo dục cho phép nghĩ đến những bộ SGK mà tác giả là các thầy cô giáo đang đứng lớp tại các trường trong toàn quốc trên cơ sở chương trình của Bộ GD và ĐT. Nên chăng có thể cho phép các thầy cô dạy ở các trường trung học (nhiều người đã có bằng cấp sau đại học và có thâm niên giảng dạy) có thể viết SGK với sự kiểm duyệt nội dung của cơ quan chức năng. Nên chăng để các tác giả SGK tự lo NXB như với những sách, truyện đang làm hiện nay? Có nhiều bộ SGK, học sinh (hay giáo viên dạy bộ môn) sẽ có nhiều cơ hội chọn lựa một cách tối ưu thay vì chỉ duy nhất một bộ như hiện nay?

Trí tuệ và kỹ năng viết sách của một nhóm tác giả thuộc NXB Giáo dục tất nhiên đã được chọn lọc, nhưng chắc chắn chưa phải là ưu việt so với việc phát huy trí tuệ và kỹ năng của cả giới giáo chức trong toàn quốc. Vấn đề nội dung và tính hiệu quả sử dụng SGK thiết nghĩ có thể bắt đầu từ câu: Ai soạn ra nó?

Theo: daidoanket.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com