Những năm qua, ngành Toà án nhân dân (TAND) tỉnh đã tăng cường công tác xét xử lưu động các vụ án để tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật trong nhân dân. Hằng năm, TAND tỉnh chỉ đạo TAND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch tổ chức các phiên toà xét xử lưu động các vụ án hình sự trên địa bàn và khu vực nơi xảy ra vụ án. Các vụ án xét xử lưu động đều là những vụ án có tính điển hình về tội danh, hành vi phạm tội, gây dư luận xấu được nhân dân địa phương quan tâm hoặc các vụ án tranh chấp dân sự mang tính chất phức tạp, đông người tham gia tố tụng, quan hệ tranh chấp gần gũi với đời sống nhân dân như: tranh chấp quyền sử dụng đất, tranh chấp hợp đồng vay tài sản, hoặc các vụ án giết người, cố ý gây thương tích, cướp tài sản, mua bán trái phép chất ma tuý, mại dâm… Địa điểm mở phiên tòa thường là nơi xảy ra vụ án, hoặc nơi bị cáo thường trú, tạm trú tăng cường tính giáo dục, răn đe. Thực tế các vụ án được đưa ra xét xử lưu động trong thời gian qua đều thu hút hàng trăm đến hàng nghìn người đến dự. Ngày 30-5-2012, tại phường Cửa Bắc (TP Nam Định) TAND Thành phố Nam Định đã tổ chức phiên tòa xét xử lưu động 3 vụ án hình sự gồm: “trộm cắp tài sản”; “tàng trữ trái phép chất ma túy” và “mua bán trái phép chất ma túy”. Tại phiên tòa, trước sự có mặt của hàng trăm người, thông qua nội dung cáo trạng của đại diện Viện KSND, qua phần tranh tụng, luận tội của các luật sư, Hội đồng xét xử đã lồng ghép tuyên truyền về Bộ luật Hình sự, Luật Phòng chống ma túy… trong nhân dân.
TAND tỉnh tổ chức xét xử lưu động vụ án Tống Thị Hằng phạm tội “tàng trữ, mua bán trái phép chất ma tuý” tại thôn Dinh Tần, xã Yên Bằng (Ý Yên). |
Từ năm 2011 đến nay, ngành TAND tỉnh đã phối hợp với cơ quan Công an, Viện KSND và các cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp tổ chức xét xử lưu động 76 vụ án hình sự tại địa bàn gây án. Các huyện, thành phố tổ chức được nhiều phiên tòa xét xử lưu động như TAND Thành phố Nam Định, TAND huyện Giao Thủy, TAND huyện Ý Yên, TAND huyện Nghĩa Hưng… Trước khi các vụ án được đưa ra xét xử lưu động, TAND các cấp đều giao nhiệm vụ cho thẩm phán nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, lựa chọn những thẩm phán có kỹ năng xử lý các tình huống phát sinh tại nơi xử án. Đồng thời, thông báo rộng rãi để nhân dân biết theo dõi phiên tòa. Tại cấp huyện, khi xét xử các phiên tòa lưu động TAND huyện đều phối hợp với Đài truyền thanh huyện tổ chức truyền thanh trực tiếp tới từng địa bàn thôn xóm, khu phố để nhân dân thuận tiện theo dõi, qua đó đã nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến mọi tầng lớp nhân dân. Đồng chí Phạm Tiến Dũng, Chánh án TAND huyện Mỹ Lộc cho rằng: Thông qua công tác xét xử lưu động đã góp phần tuyên truyền pháp luật đến mọi tầng lớp nhân dân, từ đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và phòng ngừa hành vi phạm tội tương tự. Qua các phiên toà lưu động, đã giúp bị cáo và nhân dân hiểu sâu hơn bản chất của sự việc, tính nguy hiểm của hành vi phạm tội, góp phần hạn chế sự gia tăng của tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trên địa bàn.
Thực tế đã khẳng định thông qua công tác xét xử các phiên tòa lưu động đã góp phần nâng cao nhận thức pháp luật trong cộng đồng dân cư, góp phần hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật. Từ các phiên toà xét xử lưu động, người dân có điều kiện nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại các phiên tòa xét xử lưu động, cần tăng cường công tác phối hợp trong việc tổ chức xét xử giữa cơ quan toà án với chính quyền địa phương, đồng thời giải quyết khó khăn về kinh phí phục vụ cho việc tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động./.
Bài và ảnh: Trần Văn Trọng