Lựa chọn đồ chơi cho trẻ em?

08:06, 22/06/2012

Thị trường đồ chơi cho trẻ em ngày càng xuất hiện nhiều loại đồ chơi với kiểu dáng, mẫu mã đa dạng. Dạo một vòng các chợ, các cửa hàng bày bán đồ chơi trẻ em, hầu hết là đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc, giá chỉ vài nghìn đến vài chục nghìn đồng như những chiếc ô tô mô hình loại nhỏ, bộ siêu nhân, các loại búp bê, đồ chơi bằng nhựa, sứ... có những món đồ chơi có giá vài trăm ngàn đồng hay tiền triệu như: bộ xếp hình, ô tô có bộ điều khiển, máy bay, tàu hỏa... Các bộ đồ chơi có đủ loại màu sắc sặc sỡ, hấp dẫn trẻ em.

Chọn mua đồ chơi tại Trung tâm thương mại Micom Plaza (TP Nam Định).
Chọn mua đồ chơi tại Trung tâm thương mại Micom Plaza (TP Nam Định).

Chị Trang ở phố Hàng Thao (TP Nam Định) mua bộ đồ chơi nhà bếp xuất xứ Trung Quốc cho con gái ở cửa hàng trên phố Lê Hồng Phong với giá 55 nghìn đồng. Khi được hỏi tại sao không mua cho con những đồ chơi an toàn, có tem hợp chuẩn, chị Trang cho rằng, trẻ chơi chóng chán nên chọn mua đồ chơi ít tiền, miễn là đẹp và trẻ thích là được, còn đồ chơi có dán tem hợp chuẩn đảm bảo an toàn nhưng không phù hợp với túi tiền của người lao động như gia đình chị. Qua quan sát ở các cửa hàng bán đồ chơi cho trẻ em phần lớn có xuất xứ từ Trung Quốc hoặc không rõ nguồn gốc, nhiều đồ chơi mang tính bạo lực như dao, kiếm, súng bắn đạn, súng bắn tên, súng bắn laze… Đồ chơi được thay đổi mẫu mã thường xuyên, với đủ các chủng loại phong phú, đặc biệt có những loại đồ chơi là hình những nhân vật vừa xuất hiện trên phim hoạt hình đã được bày bán, thu hút rất nhiều trẻ nhỏ. Nhiều phụ huynh cho rằng, một bộ đồ chơi Trung Quốc có giá chỉ bằng một nửa, thậm chí bằng 1/10 so với các sản phẩm cùng loại đã được kiểm định nên phần lớn người mua chọn sản phẩm rẻ hơn. Còn đồ chơi của doanh nghiệp trong nước sản xuất đảm bảo chất lượng nhưng mẫu mã đơn điệu, không hấp dẫn trẻ em. Điều đáng nói là đã có nhiều thông tin cảnh báo về tính độc hại của các đồ chơi xuất xứ từ Trung Quốc song nhiều phụ huynh hoặc không quan tâm hoặc chưa rõ tính độc hại của chúng. Trên thực tế, đã có nhiều trường hợp trẻ bị ngộ độc từ đồ chơi. Mới đây, cháu Trần Phương Anh, 3 tuổi ở ngõ 114 Mạc Thị Bưởi (TP Nam Định) chơi đất nặn đã bị dị ứng toàn thân do đất dùng phẩm màu độc hại. Nhiều trường hợp trẻ bị điếc tạm thời vì chơi các loại đồ chơi phát ra âm thanh quá lớn hoặc bị nhiễm độc đường hô hấp do hít phải mùi sơn, mùi nhựa từ các loại đồ chơi có màu sắc sặc sỡ. Phổ biến nhất là trẻ bị dị vật xâm nhập vào đường thở do hít, nuốt phải đồ chơi… có kích cỡ nhỏ, dẫn đến những trường hợp đáng tiếc xảy ra như nghẹt đường hô hấp, hỏng mắt, giảm thị lực… Theo quy định, sau ngày 15-9-2012 tất cả đồ chơi trẻ em không dán tem kiểm định chất lượng (CR) sẽ bị tịch thu, nhưng trên thực tế hiện nay vẫn còn hơn 90% sản phẩm lưu thông trên thị trường chưa có tem hợp chuẩn.

Ngoài mục đích giải trí, đồ chơi trẻ em còn có tác dụng giáo dục nhân cách, thẩm mỹ cho trẻ. Vì vậy, mỗi gia đình cần chung sức chăm lo cho trẻ em, trong đó có việc chọn lựa đồ chơi phù hợp với sở thích, lứa tuổi để trẻ được vui chơi an toàn./.

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com