Người xưa có câu “buôn thất nghiệp, lãi quan viên” để chỉ những quán hàng buôn bán vặt, đầu tư vốn ít nhưng lợi nhuận lại không nhỏ. Trên thực tế đã có không ít câu chuyện về những thúng xôi, gánh chè, cháo “vỉa hè” nhỏ bé, đơn sơ nhưng lại là nguồn thu đảm bảo “cơm áo gạo tiền” cho cả gia đình. Các quán hàng vặt vốn ít nhưng để “lãi quan viên”, những người buôn bán phải “lấy công làm lãi”, chấp nhận vất vả cực nhọc, dầm mưa dãi nắng, thức khuya dậy sớm để bù đắp lại sự ít vốn của mình, đặc biệt phải giữ chữ tín trong kinh doanh để khách đã đến là nhớ nhà hàng thì mới giữ được khách. Đó chính là đạo đức kinh doanh!
Ngày nay, khi mà hoạt động kinh doanh thương mại ngày càng phát triển, những tưởng buôn bán lặt vặt sẽ chỉ để kiếm chút lãi mọn nhưng không, chuyện “buôn thất nghiệp, lãi quan viên” vẫn rất phổ biến. Tuy nhiên, điều đáng nói là chuyện một bộ phận người kinh doanh lợi dụng sự lỏng lẻo trong công tác quản lý của cơ quan chức năng, sự thiếu hiểu biết cũng như tâm lý chủ quan của người tiêu dùng, phớt lờ vấn đề đạo đức kinh doanh, tìm mọi cách để có chi phí đầu vào thấp nhất, lợi nhuận cao nhất. Gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng thường xuyên thông tin về “những quán trà đá thu nhập tiền triệu mỗi ngày”, "hàng bún cá thu lãi vài chục triệu đồng mỗi tháng". Mới đây nhất là tin về những cốc chè tự chọn bán đầy vỉa hè chỉ với giá 10 nghìn đồng, mà nguyên liệu để làm ra những cốc chè này đến người bán hàng cũng không rõ và họ chỉ làm để bán chứ không cho người nhà sử dụng vì “nguy hiểm”(?!)… Như vậy, rõ ràng họ sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, không bảo đảm VSATTP với giá nhập hàng rất thấp. Ở Thành phố Nam Định, nhiều người truyền tai nhau thông tin một số quán nước ở các “phố ăn sáng” có loại nước trà mà đã uống một lần, lần sau không thể không quay lại uống vì trong loại trà được sử dụng đã tẩm ướp chất “đặc biệt” (?) để giữ khách. Thông tin này khiến mọi người liên tưởng đến tình trạng sản xuất “trà bẩn” đã được báo chí đưa tin mới đây. Có một thực tế là những quán cóc này thường không bị cơ quan chức năng kiểm tra về vấn đề ATVSTP. Nhiều quán ăn có trưng giấy chứng nhận đảm bảo ATVSTP với nhiều bản phô tô dán trên tường để làm yên lòng thực khách, nhưng những giấy này do UBND phường cấp, có thể hiểu việc chứng nhận này chỉ dựa trên những đánh giá cảm quan. Bởi, với điều kiện năng lực về con người, thiết bị của cơ quan này thì việc đánh giá một cách đầy đủ như chất lượng nguyên liệu, loại nguyên liệu được sử dụng có đúng quy định, chỉ tiêu chất lượng hay không… chắc chắn vượt quá khả năng. Việc ngăn chặn hoạt động kinh doanh buôn bán chất độc hại, chất cấm, không rõ nguồn gốc, xuất xứ cho những người kinh doanh, chế biến thực phẩm chưa được thực hiện triệt để. Công tác đấu tranh chủ yếu nặng về tuyên truyền nhắc nhở chung chung, không đi đôi với các biện pháp chế tài quyết liệt, cũng như các biện pháp ngăn chặn nguồn hàng từ gốc dẫn đến tình trạng vi phạm nghiêm trọng các quy định về ATVSTP vẫn phổ biến. Người tiêu dùng, thực khách hằng ngày bị “đầu độc” do thiếu hiểu biết, hoặc chủ quan trước các mối nguy này. Các cơ quan chức năng cần nêu cao trách nhiệm với xã hội, với người dân, thực hiện quyết liệt hơn nữa các biện pháp ngăn chặn nguồn thực phẩm độc hại, không an toàn. Cần quan tâm đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, sản xuất các loại thiết bị thử (test) nhanh kiểm tra độ an toàn của thực phẩm giúp người tiêu dùng có thể tự bảo vệ mình, đấu tranh nói “không” với thực phẩm không an toàn, thay đổi thói quen sinh hoạt, tiêu dùng một cách an toàn hơn./.
Vân Anh