Hiện tại, cả 35 xã, thị trấn của huyện Hải Hậu đều tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015. Một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới là giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập. Vì vậy, việc phát triển làng nghề, nghề mới đang được huyện Hải Hậu tập trung chỉ đạo.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Hải Hậu có 5 làng nghề bảo đảm tiêu chí theo Thông tư số 116/TT-BNN ngày 18-12-2006 của Bộ NN và PTNT gồm: Làng dệt lưới cước và cán kéo sợi PE khu 9, 10 Thị trấn Thịnh Long; làng dệt chiếu Phương Đức, xã Hải Bắc; làng dệt chiếu An Đạo, xã Hải An; làng sản xuất đồ gỗ dân dụng xóm 8, xã Hải Trung; làng mây tre đan và chế biến sản xuất gỗ dân dụng xóm 35, xã Hải Minh. Các làng nghề trên địa bàn huyện phần lớn mới được hình thành và phát triển. Việc tổ chức sản xuất trong làng nghề chủ yếu theo hình thức hộ gia đình, tổ hợp, doanh nghiệp tư nhân với các sản phẩm tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Việc đào tạo nghề và truyền nghề chủ yếu theo phương pháp vừa học vừa làm tại gia đình; số lượng thợ làng nghề và nghệ nhân chưa nhiều. Trong những năm qua các làng nghề của huyện đã tạo việc làm thường xuyên cho hàng nghìn lao động, có thu nhập ổn định, góp phần vào sự tăng trưởng sản xuất công nghiệp và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp… Tuy vậy, các làng nghề còn mang tính tự phát, chưa có quy hoạch; trình độ lao động chưa đồng đều, sản phẩm chưa có sức cạnh tranh cao trên thị trường; tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề chưa được quan tâm đúng mức… Để khắc phục các hạn chế trên và xây dựng các làng nghề phát triển bền vững, huyện Hải Hậu tập trung phát triển làng nghề, nghề mới trên cơ sở các làng nghề, các nghề đã có và tích cực đưa nghề mới về; phấn đấu đến năm 2015 mỗi xã, thị trấn có ít nhất một làng nghề.
Đào tạo nghề mộc cho người lao động tại Trung tâm Dạy nghề huyện Hải Hậu. |
Trên địa bàn huyện, Cty CP May Sông Hồng đã đầu tư nhà máy may công nghiệp tại xã Hải Phương trên diện tích 62 nghìn m2 với 4 xưởng sản xuất, tổng mức đầu tư trên 300 tỷ đồng. Hiện nay, đã có 2 xưởng đi vào sản xuất tạo việc làm cho trên 1.000 lao động trong huyện. Từ lợi thế nghề may chỉ phải học trong 3 tháng, vừa học vừa gắn với sản xuất và có thu nhập ổn định nên hiện nay nghề may đã có ở nhiều xã trong huyện như Hải Đông, Hải Long, Hải Xuân, Hải Vân, Hải Ninh, Hải Quang, Hải Đường, Hải Giang… Ở xã Hải Đường, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển Công nghiệp I (Cục Công nghiệp địa phương - Bộ Công thương) phối hợp với Trung tâm dạy nghề huyện Hải Hậu, Trường Trung cấp nghề số 20 (Bộ Quốc phòng) dạy nghề cho 50 lao động. Sau đó Cty CP Đầu tư Hải Đường đã đầu tư xây dựng nhà xưởng lắp đặt máy móc… Đến nay, nhà máy luôn duy trì ổn định việc làm cho 400 lao động. Doanh thu 5 tháng đầu năm của Cty đạt 6 tỷ đồng, người lao động có thu nhập trên 2,5 triệu đồng/người/tháng. Nghề may dễ phát triển tại các xã vì hầu hết các xã đều có lực lượng lao động biết nghề may, từ cơ sở sản xuất cho đến thiết bị máy móc đầu tư bước đầu không cần vốn lớn. Từ các làng nghề chế biến và sản xuất đồ gỗ dân dụng tại xã Hải Minh, Hải Trung, huyện chỉ đạo các xã Hải Phúc, Hải Anh, Hải Vân, Hải Đông, Hải Tây… xây dựng các làng nghề sản xuất đồ gỗ. Đối với các nghề đan bẹ chuối, thảm cói, móc sợi theo định hướng của huyện, sẽ phát triển tại các xã Hải Hà, Hải Lộc, Hải Ninh, Hải Minh, Hải Đông. Ngoài ra, huyện củng cố và mở rộng làng nghề cán kéo sợi PE tại Thị trấn Thịnh Long, xây dựng làng nghề mới tại xã Hải Châu. Đối với một số nghề đã có ở các xã, thị trấn như dệt chiếu, làm bánh kẹo, chế biến thủy sản, cây cảnh huyện sẽ tạo điều kiện mở rộng ra một số xã để hình thành các làng nghề…
Để xây dựng các làng nghề theo tiêu chí của Bộ NN và PTNT, huyện đã xây dựng kế hoạch phát triển làng nghề theo từng giai đoạn. Từ nay đến năm 2013, huyện chỉ đạo tiếp tục củng cố 5 làng nghề đã có và xây dựng 55 làng nghề ở các xã, thị trấn. Giai đoạn 2014-2015, phát triển các làng nghề đã có và xây dựng thêm khoảng 29 làng nghề ở các xã, thị trấn. Đồng chí Phạm Minh Chiều, Chủ tịch UBND xã Hải Hưng cho biết: Trên địa bàn xã có làng Hưng Nghĩa chuyên sản xuất các mặt hàng từ cây tre như rổ, rá, thúng, nia… Hiện tại làng có trên 50% số hộ tham gia làm nghề, có thu nhập ổn định. Xã đang phấn đấu đến năm 2013 làng nghề được công nhận theo tiêu chí của Bộ NN và PTNT; đồng thời xây dựng, mở rộng thêm hộ trồng hoa ở xóm 3 và xóm 5 để được công nhận làng nghề trồng hoa cây cảnh vào cuối năm 2012... Để tạo sự ổn định cho làng nghề, nghề mới, huyện tập trung quy hoạch phát triển làng nghề, quy hoạch vùng nguyên liệu gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng phát triển kinh tế của từng xã, thị trấn và của huyện. Huyện tạo điều kiện cho việc dạy nghề, truyền nghề, phổ biến và áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đổi mới công nghệ, máy móc, đăng ký thương hiệu, bản quyền và một phần kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, xử lý môi trường cho các làng nghề. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, thành lập hiệp hội ngành nghề từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; ưu đãi vốn vay đầu tư sản xuất tại làng nghề; miễn giảm thuế theo quy định của pháp luật với làng nghề mới, nghề mới còn gặp khó khăn. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chính sách khuyến khích phát triển làng nghề của Nhà nước, của huyện để nhân dân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất; tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với làng nghề. Tổ chức kiểm tra, công nhận và cấp giấy chứng nhận cho các làng nghề thực hiện đúng các tiêu chí làng nghề của Bộ NN và PTNT. Hằng năm tổ chức tổng kết khen thưởng động viên các xã, thị trấn thực hiện tốt việc xây dựng làng nghề, nhân cấy nghề mới.
Đẩy mạnh phát triển làng nghề, nghề mới sẽ tạo điều kiện cho huyện Hải Hậu thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo góp phần thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới./.
Bài và ảnh: Hữu Quyết