Nam Định hiện là một trong 10 tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh cao nhất cả nước. Theo thống kê của Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh, năm 2011, tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh ta là 120 cháu trai/100 cháu gái. Mặc dù các cấp uỷ Đảng, chính quyền các địa phương cùng ngành chuyên môn đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu tình trạng này nhưng hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn đang có chiều hướng gia tăng.
Các cháu Trường Mầm non Vĩnh Hào (Vụ Bản) vui Tết Thiếu nhi 1-6. |
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trước hết là do tâm lý thích con trai và tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, có con trai để nối dõi tông đường, có người thờ cúng tổ tiên… vẫn còn tồn tại trong nhiều người dân. Kết quả nghiên cứu “Thực trạng tỷ số giới tính khi sinh tỉnh Nam Định năm 2011” cho thấy áp lực phải sinh con trai là 43,4%, sinh con gái là 14,9%, số còn lại sinh con nào cũng được. Tỉnh ta có 3 huyện ven biển chiếm 36% dân số toàn tỉnh với nghề chính là khai thác đánh bắt nuôi trồng thuỷ hải sản và làm muối. Tại các gia đình ngư dân, để có người đi biển và gánh vác các công việc nặng nhọc nên rất muốn sinh ít nhất một con trai. Bên cạnh đó, chính sách mỗi gia đình chỉ có từ 1 đến 2 con đã dẫn đến việc áp dụng các biện pháp nhằm lựa chọn giới tính thai nhi theo ý muốn. Chế độ an sinh xã hội cho người già chưa được tốt. Người già ở tỉnh ta sống tại khu vực nông thôn chiếm tỷ lệ cao, phần lớn không có lương hưu, sống phụ thuộc vào con cái nên có tư tưởng “trẻ cậy cha, già cậy con”. Ngoài ra, tình trạng lạm dụng kỹ thuật y học trong việc lựa chọn, chẩn đoán giới tính thai nhi cũng khiến cho tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tăng lên. Mặc dù Luật Bình đẳng giới, Pháp lệnh Dân số, Nghị định 104, Nghị định 114 đã có các quy định về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức nhưng vẫn có tới 59,6% người dân tìm cách biết trước giới tính khi sinh, trong đó 91% biết trước giới tính của thai nhi qua siêu âm; 42% cho rằng sẽ phá thai nếu thấy giới tính thai nhi không như mong muốn...
Trước tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh có chiều hướng diễn biến phức tạp, thời gian qua tỉnh ta đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp mang tính đột phá. UBND tỉnh quán triệt sâu sắc thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh và yêu cầu các ngành, các địa phương quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá việc kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Sở Y tế chỉ đạo Chi cục Dân số - KHHGĐ đề xuất Trung ương tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật và kinh phí thực hiện “Đề án can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”. Đề án được triển khai từ năm 2010 tại 93 xã và 5 huyện, thành phố, là những địa phương có tỷ lệ giới tính khi sinh chênh lệch cao. Trong khuôn khổ đề án, đã tổ chức 8 cuộc hội thảo cung cấp thông tin cho hơn 300 lượt cán bộ lãnh đạo của tỉnh và các huyện, thành phố; tổ chức 2 hội nghị phổ biến văn bản nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi cho lãnh đạo, cán bộ trực tiếp thực hiện các quy định của pháp luật về vấn đề này; tổ chức 18 lớp tập huấn cung cấp kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, tư vấn về giới tính khi sinh cho hơn 900 CTV dân số, cán bộ y tế thôn của 93 xã triển khai đề án; tổ chức tuyên truyền định kỳ trên đài truyền thanh xã 2 lần mỗi tháng về vấn đề giới tính khi sinh. Ngoài ra, đề án cung cấp 80 nghìn tờ rơi, xây dựng 2 cụm pa nô tuyên truyền, tổ chức 186 buổi nói chuyện chuyên đề, tư vấn cho 1.850 cặp nam nữ thanh niên đăng ký kết hôn tại xã về vấn đề giới và giới tính khi sinh, tổ chức 3 hội thảo chia sẻ kinh nghiệm cấp tỉnh và huyện với hơn 200 người tham gia. Sở Y tế còn phối hợp với Sở TT và TT rà soát các ấn phẩm báo chí, các tài liệu, các trang web… tuyên truyền về lựa chọn giới tính khi sinh, đề xuất biện pháp xử lý; phối hợp với các ngành liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở y tế làm dịch vụ siêu âm, các cơ sở kinh doanh các loại sách, báo, văn hoá phẩm có nội dung liên quan đến việc lựa chọn giới tính thai nhi, xử lý nghiêm việc siêu âm xác định giới tính thai nhi và nạo phá thai vì lý do giới tính. Chi cục Dân số - KHHGĐ cũng tăng cường phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể liên quan triển khai các hoạt động tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân về thực trạng, nguyên nhân, hậu quả của mất cân bằng giới tính khi sinh thông qua các buổi toạ đàm, sinh hoạt nhóm, sinh hoạt văn hoá văn nghệ, CLB…; tập trung vào các huyện ven biển, vùng nông thôn còn mang nặng tư tưởng trọng nam hơn nữ, đối tượng tiền hôn nhân… Từ kết quả bước đầu của đề án, năm 2011, UBND tỉnh đã phê duyệt “Đề án can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2011-2015” nhằm tiếp tục triển khai đồng bộ các hoạt động tuyên truyền, kiểm tra, giám sát để hạn chế tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Với những nỗ lực của ngành chuyên môn, sự lãnh đạo, chỉ đạo tích cực của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, hy vọng thời gian tới tỉnh ta sẽ hạn chế và kiểm soát được tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, góp phần giảm bớt những hệ luỵ về an sinh và xã hội do tình trạng thừa nam thiếu nữ gây ra sau này./.
Bài và ảnh: Lam Hồng