Cảnh báo từ các quán giải khát mùa hè

07:06, 15/06/2012

Những ngày hè oi nóng, trên vỉa hè ở thành phố hay ở các thị trấn, các quán giải khát như nước dừa, mía đá, trà sữa, chè đỗ đen, đỗ xanh, thạch nhan nhản "mọc" lên. Vào giờ tan tầm, trên đường Nguyễn Du, Trần Phú, Trần Hưng Đạo, vườn hoa Giàn Leo (TP Nam Định)..., các quán giải khát vỉa hè với đủ loại nước uống bày bán la liệt. Những quán giải khát vỉa hè với chiếc máy ép mía, vài chục cây mía, mươi quả dừa, hoặc có thêm vài loại chè như: đỗ xanh, đỗ đen, thạch... và mấy bộ bàn ghế nhựa được kê dưới hàng cây xanh, thu hút đông khách, nhất là vào buổi chiều muộn. Tại một quán giải khát trên đường Trần Phú (TP Nam Định), khi có khách, chủ hàng lấy hai khúc mía đã được cạo vỏ sẵn cho vào ép, nước mía chảy xuống một chiếc ca nhựa đã bạc màu. Người bán hàng dùng tay trần bốc những vốc đá được đập nhỏ từ đá cây vào chiếc cốc nhựa đã ố vàng, đổ nước mía vào cốc và cắm thêm chiếc ống hút. Sau khi bưng cốc nước mía cho khách, người bán hàng thu những chiếc cốc của khách hàng trước đem rửa trong một xô nước nhỏ đã ngâm nhiều chiếc cốc và nước đã ngả màu vàng. Nhìn cảnh ấy, khách hàng vẫn "vô tư" thưởng thức(!).

Thức uống giải khát bao gồm đủ loại, từ trà đá, mía đá đến nước đóng chai, sữa.... Ảnh: Internet.
Thức uống giải khát bao gồm đủ loại, từ trà đá, mía đá đến nước đóng chai, sữa.... Ảnh: Internet.

Một trong những ưu điểm của quán giải khát vỉa hè là sự tiện lợi, nhưng vấn đề đáng lo ngại là sự cẩu thả, tạm bợ, không bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Tại các quán giải khát trong các chợ, chủ yếu là vài loại chè như: đỗ xanh, đỗ đen, thạch..., nhiều người được chứng kiến ruồi nhiều hơn... bụi bởi các bãi rác phát sinh trong chợ chưa được xử lý triệt để. Các quán giải khát tại các tuyến đường giao giữa các huyện, xã có đông xe cộ qua lại, chủ hàng thường dùng một chiếc khăn vải xô để che máy ép mía, nồi chè, thìa, cốc, cẩn thận hơn thì có thêm tủ kính, nhưng không có cánh cửa; nhiều khi khách hàng uống nước lẫn cát. Điều dễ nhận thấy ở quán giải khát vỉa hè là sự bất cập trong việc bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Một số hàng giải khát chạy theo lợi nhuận tìm nguyên liệu như chuối sấy, dừa khô, nước cốt dừa đóng hộp, hạt lựu, bột lọc, đường… không rõ nguồn gốc, xuất xứ cho vào các loại chè, nước giải khát. Ngoài ra, các quán giải khát còn sử dụng đá cây, loại nước đá không đảm bảo VSATTP. Bên cạnh đó, do tần suất phục vụ khách hàng nhiều lần trong ngày, không ít chủ quán vì lợi nhuận đã bỏ qua khâu bảo đảm VSATTP, biến các món nước uống ưa thích mùa hè trở thành những mối hiểm họa khôn lường. Ở các quán giải khát, những cây mía được cạo vỏ qua loa, cột thành từng bó đem đến giao cho các quán, sau đó chỉ được làm sạch bằng cách nhúng vào nước rồi cho vào máy ép. Để tiết kiệm thời gian, nhiều quán còn ép sẵn nước mía, đặt vào bình đá ướp lạnh. Còn những món thức uống giải khát tưởng chừng như vô hại như hoa quả thập cẩm, sinh tố thì vấn đề VSATTP cũng không phải không đáng lo ngại nếu chúng không được gọt rửa sạch sẽ. Các loại trái cây như xoài, dứa, lê, dưa hấu... nếu không được rửa sạch sẽ và gọt trước khi chế biến thì không đảm bảo ATTP.

Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm nước ta có khoảng trên 300 vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó ngộ độc thực phẩm do thức ăn đường phố chiếm hơn 50% số vụ ngộ độc. Đặc biệt, kết quả xét nghiệm bàn tay của những người bán hàng chế biến hay bốc thức ăn tỷ lệ nhiễm khuẩn E.Coli (một loại vi khuẩn gây bệnh đường ruột, kiết lị, tiêu chảy) rất cao, phần lớn và hầu hết người bán hàng giải khát đều dùng tay trần bốc thực phẩm... Để phòng ngộ độc thực phẩm, cần tránh xa những quán giải khát vỉa hè không đủ điều kiện bảo đảm ATVSTP. Để quản lý tốt công tác VSATTP nước giải khát vỉa hè, không chỉ là sự tham gia của ngành Y tế mà cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương trong việc tham gia quản lý các dịch vụ kinh doanh giải khát ở địa phương. Y tế địa phương phải tổ chức tập huấn, giáo dục tuyên truyền cho người làm dịch vụ và tổ chức ký cam kết đảm bảo ATVSTP, thường xuyên duy trì thanh kiểm tra, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các vi phạm./.

Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com