Những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em luôn được các cấp, các ngành quan tâm bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Tuy nhiên, trong thực tế cuộc sống, việc chăm lo cho thiếu nhi nói chung và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nói riêng được vui chơi, giải trí lành mạnh còn gặp nhiều khó khăn, bất cập, nhất là trong những tháng hè.
Tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích, bị bạo lực, xâm hại vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tai nạn đuối nước. Thực trạng này diễn ra ở vùng nông thôn, vùng dân cư có sông, hồ và luôn là vấn đề cần được quan tâm trong cuộc sống, sinh hoạt của trẻ em. Mặc dù đã được cảnh báo thường xuyên thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua những bài học thương tâm, nhưng các vụ tai nạn đuối nước trẻ em vẫn diễn ra, để lại những đau thương, mất mát cho gia đình, xã hội. Bên cạnh đó, các em nhỏ phải đối mặt với những nguy cơ khác, như: bị xâm hại, ngược đãi, bạo lực thân thể và tinh thần; tai nạn giao thông, tai nạn về điện, cháy, nổ... Ngoài ra, không ít trẻ em dễ sa đà vào các trò chơi điện tử trực tuyến mà trong đó có những trò chơi mang tính chất bạo lực, thậm chí vi phạm đạo đức và thuần phong mỹ tục ảnh hưởng tiêu cực đến lối sống, suy nghĩ, hành động của thiếu nhi...
Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai. Ảnh: Internet. |
Trước thực trạng này, việc quản lý, định hướng và tạo môi trường vui chơi, giải trí lành mạnh, an toàn, bổ ích cho trẻ em trong cuộc sống, trước mắt là những tháng nghỉ hè là một nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết cần được triển khai thực hiện thường xuyên, liên tục. Trước hết, cần đề cao vai trò, sự quan tâm của gia đình, các bậc cha mẹ, ông bà trong việc hướng dẫn, giáo dục con em phòng tránh các nguy cơ tai nạn trong cuộc sống hằng ngày, không tham gia các trò chơi điện tử bạo lực; động viên các em đến với thư viện, ôn tập văn hóa hè và tham gia các hoạt động bổ ích tại các Trung tâm, Nhà văn hóa thiếu nhi. Các khu dân cư, tổ dân phố cần chú trọng vận động các nguồn lực trong nhân dân để đóng góp tổ chức các hoạt động văn hóa hè thiết thực cho thanh, thiếu nhi trên địa bàn. Các nhà trường, tổ chức Đoàn Thanh niên, Đội TNTP Hồ Chí Minh, Hội LHPN, Hội Khuyến học cơ sở cần chủ động hơn nữa trong các hoạt động định hướng và tạo sân chơi lành mạnh cho các em nhỏ; chú trọng huấn luyện, rèn luyện các kỹ năng về bơi, về phòng tránh các tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại, về Luật Giao thông đường bộ... Chính quyền các địa phương cần ưu tiên dành quỹ đất cho các khu vui chơi cho trẻ em tại các khu dân cư, qua đó tập hợp, hướng dẫn các em vui chơi, học tập.
Các cơ quan, bộ, ngành và toàn xã hội cần dành nguồn lực và sự quan tâm, chăm sóc, tạo điều kiện thiết thực, cụ thể đối với hơn 1,4 triệu em có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó có hơn 1,2 triệu em khuyết tật; hơn 140 nghìn em mồ côi, bị bỏ rơi; hơn 21 nghìn trẻ em lang thang, hơn 21 nghìn em là nạn nhân chất độc hóa học...
Bên cạnh đó, nhằm tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở dịch vụ về văn hóa, trò chơi trực tuyến, các điểm truy cập in-tơ-nét... nhằm ngăn chặn và xử lý kịp thời các sai phạm, không để thanh, thiếu nhi bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng tiêu cực.
Tháng 6 - Tháng hành động Vì trẻ em năm nay được phát động với chủ đề: Vì một xã hội không bạo lực, không xâm hại trẻ em nhằm kêu gọi mọi người chung tay bảo vệ trẻ em, giúp trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh để phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ và tinh thần... Đây cũng là những nội dung, công việc quan trọng mà toàn xã hội cần triển khai thường xuyên với chất lượng cao trong suốt cả năm, chứ không phải chỉ trong tháng 6./.
Theo: nhandan.com.vn