Tháng 3-2011, Quỹ TYM (Tổ chức Tài chính quy mô nhỏ một thành viên Tình thương do Trung ương Hội LHPN Việt Nam thành lập) đã tổ chức khai trương chi nhánh tại huyện Nam Trực. Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, Quỹ TYM đã thực sự trở thành người bạn đồng hành của hàng nghìn phụ nữ nghèo trong huyện.
Cán bộ Quỹ TYM chi nhánh Nam Trực kiểm tra hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay của gia đình thành viên. |
Thời điểm khi đưa Quỹ TYM về Nam Trực, trên địa bàn huyện cũng đã có một số tổ chức tín dụng đang hoạt động hướng đến phụ nữ như vốn Ngân hàng CSXH, vốn quỹ quay vòng, vốn Việt - Bỉ… Hầu hết các nguồn vốn này đều thực hiện cơ chế thu lãi hằng tháng và thu vốn gốc vào cuối năm nên khi vốn Quỹ TYM hoạt động theo cơ chế cho vay món lớn trả dần cả gốc lẫn lãi theo tuần, thời gian đầu việc triển khai dự án cũng gặp nhiều khó khăn. Cán bộ chi nhánh đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu, thâm nhập địa bàn, nắm tình hình thực tế tại các địa phương, đến từng gia đình hội viên phụ nữ khảo sát đời sống, tâm tư nguyện vọng, nhu cầu vay vốn của chị em, sau đó tổ chức các buổi tuyên truyền về TYM, về cơ chế vận hành của Quỹ TYM cho toàn thể hội viên. Từ vài chục thành viên ban đầu, đến nay quỹ đã mở rộng ra 3 xã, thị trấn trong huyện với trên 1.000 thành viên với tổng số tiền đã giải ngân luỹ kế đến nay là 12 tỷ 464 triệu đồng. Thị trấn Nam Giang là đơn vị đầu tiên được tiếp nhận quỹ, đến nay đã có 580 gia đình hội viên được vay vốn từ Quỹ TYM. Từ tháng 8-2011, quỹ tiếp tục triển khai tại các xã Nam Dương, Nam Hồng, hiện đang tiến hành triển khai giải ngân tại xã Nam Thanh. Trước đây, cuộc sống của nhiều chị ở các địa phương này rất khó khăn nhưng khi tham gia vào quỹ, các chị đã năng động, tính toán mở mang sản xuất, ngành nghề, kinh doanh, từ đó nâng cao thu nhập, ngoài trả được tiền hằng tuần đã có tiền tích luỹ, xây sửa nhà cửa, mua sắm vật dụng trong gia đình. Chị Lê Thị Mến ở thôn Tư, Thị trấn Nam Giang là một trong những thành viên đầu tiên tham gia quỹ từ tháng 3-2011. Chị được vay 7 triệu đồng. Gia đình chị vốn có nghề sản xuất chuôi dao, bàn xoa, bay bằng các loại gỗ tạp. Với số tiền được vay, cộng với tiền tích luỹ của gia đình, chị đầu tư mua nguyên vật liệu, máy móc mở mang cơ sở sản xuất đồ gỗ của gia đình. Trả hết vòng 1, vừa qua chị lại tiếp tục được xét vay vòng 2 với số tiền 13 triệu đồng để đầu tư vào sản xuất. Đến nay, cơ sở sản xuất của chị đã tạo việc làm cho 8 lao động với mức thu nhập bình quân 3 triệu đồng/tháng. Ngoài tiền vốn lãi phải trả hằng tuần là 280 nghìn đồng, chị Mến còn tích cực dành dụm gửi vào quỹ tiết kiệm mỗi tháng 2 đến 3 triệu đồng để có thêm nguồn tích luỹ để duy trì, phát triển sản xuất. Chị Phạm Thị Hiến ở thôn Phượng, xã Nam Dương thuộc diện hộ nghèo. Khi Quỹ TYM được triển khai tại xã, chị được các thành viên trong cụm 16 bình xét cho vay 7 triệu đồng. Số tiền đó giúp chị trang trải nợ nần, thuốc men cho chồng, quần, áo sách vở cho con và đầu tư vào chăn nuôi, buôn bán nhỏ. Chắt bóp, tằn tiện cộng thêm tiền công làm thuê, ngoài việc hoàn trả vốn lãi 160 nghìn đồng/tuần, chị đã có tiền lo cho cuộc sống gia đình. Cảm thông với hoàn cảnh của chị, các cán bộ của quỹ đang làm hồ sơ đề nghị lên Quỹ TYM Trung ương xây tặng chị một mái ấm tình thương trị giá 30 triệu đồng. Đó là niềm hạnh phúc mà nếu không tham gia vào quỹ, không biết bao giờ chị dám mơ tới. Cùng thôn với chị Hiến, chị Vũ Thị Lành cũng có hoàn cảnh khó khăn, nhà nghèo, chồng bị mắc bệnh tâm thần nên mọi việc lớn nhỏ trong gia đình đều do một tay chị gánh vác. Trước đây, chị cũng có nhu cầu vay chút vốn để đầu tư chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình nhưng vì gia cảnh quá nghèo, không có tài sản thế chấp nên không có tổ chức tín dụng nào cho vay. Khi được các thành viên trong cụm bình xét và được vay 7 triệu đồng từ Quỹ TYM, chị đã đầu tư mua một con bò, hy vọng chỉ sau 2 lứa chị sẽ trả hết nợ, cuộc sống gia đình sẽ bớt khó khăn.
Bên cạnh hoạt động vay vốn, khi tham gia vào Quỹ TYM, mỗi thành viên bắt buộc phải đóng 10 nghìn đồng/tuần tiền tiết kiệm. Số tiền này, chị em có thể rút ra khi đã đạt được số dư nhất định. Ngoài ra, chị em có thể tham gia hình thức tiết kiệm tự nguyện. Hoạt động này tạo cho chị em thói quen tiết kiệm đồng thời xây dựng nguồn cho gia đình. Qua 1 năm triển khai, các thành viên trong quỹ đã gửi tiết kiệm được trên 1 tỷ 270 triệu đồng, trong đó nhiều thành viên có số tiền tiết kiệm trên 10 triệu đồng. Ngoài ra, quỹ vẫn duy trì thường xuyên hoạt động tương trợ. Mỗi thành viên góp vào quỹ 2 nghìn đồng/tuần, trong trường hợp thành viên phải phẫu thuật hoặc nằm viện được hỗ trợ 250 nghìn đến 1 triệu đồng, trường hợp thành viên không may qua đời, gia đình sẽ được hỗ trợ 750 nghìn đến 3 triệu đồng và được hoàn trả số tiền gốc đã nộp. Bên cạnh đó, hầu hết các cụm ngay từ khi mới thành lập đều chú trọng việc xây dựng quỹ phúc lợi với nhiều hình thức khác nhau như nhận đấu thầu ruộng, làm các công trình phúc lợi, vệ sinh môi trường. Quỹ tương trợ cùng quỹ phúc lợi được dùng thăm hỏi chị em khi ốm đau, hỗ trợ gia đình thành viên gặp khó khăn, tổ chức cho chị em đi tham quan, nghỉ mát; tổ chức các hoạt động cộng đồng như trao học bổng cho con thành viên theo học đại học, mỗi suất 4 triệu đồng/năm, học sinh học phổ thông là 2 triệu đồng/năm.
Chỉ sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, Quỹ TYM đã thực sự trở thành một địa chỉ tin cậy của hội viên phụ nữ nghèo của huyện Nam Trực. Không chỉ mang lại nguồn vốn, tạo điều kiện cho chị em phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, Quỹ TYM còn chú trọng đến các hoạt động cộng đồng, quan tâm hỗ trợ kịp thời mỗi khi thành viên gặp khó khăn, hoạn nạn, qua đó tăng thêm tình làng, nghĩa xóm, sự đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống./.
Bài và ảnh: Hoài Phương