Từ nhiều năm qua, số học sinh học tập trung tại Trường Trung cấp Nghề số 20 (Bộ Quốc phòng) luôn duy trì 2.500-3.000 học viên. Đạt được kết quả đó là do những nỗ lực của tập thể cán bộ, giáo viên với những giải pháp đồng bộ mà nhà trường đã kiên trì thực hiện.
Giờ thực hành của học sinh Trường Trung cấp Nghề số 20. |
Từ một trung tâm dịch vụ việc làm của Bộ CHQS tỉnh nâng cấp thành Trường trung cấp nghề, trong quá trình xây dựng và phát triển, lãnh đạo nhà trường xác định chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề là yếu tố then chốt để bảo đảm chất lượng tay nghề cho học viên. Để xây dựng đội ngũ cán bộ giáo viên tâm huyết và yên tâm gắn bó với nghề, nhà trường luôn chú trọng công tác giáo dục tư tưởng cho cán bộ, giáo viên kết hợp với các chính sách khuyến khích thích hợp như tạo điều kiện về thời gian, kinh phí cho giáo viên đi học tập nâng cao tay nghề, tạo các cơ hội phát triển cho cán bộ, giáo viên. Trong khâu tuyển dụng giáo viên, trường đưa ra yêu cầu phải có trình độ lý thuyết vững vàng đi đôi với kỹ năng thực hành giỏi và năng lực sư phạm, khả năng truyền đạt hướng dẫn nghề cho học sinh. Những giáo viên được tuyển vào trường trước khi lên lớp phải qua thời gian thực tập tại các xưởng thực hành của trường hoặc các doanh nghiệp mà trường liên kết. Qua rèn luyện trong vai trò người thợ, các thầy, cô giáo còn nắm bắt được những kỹ năng giúp cho các giờ thực hành đạt hiệu quả cao, yếu tố tâm lý người công nhân với hiệu quả công việc. Do vậy, chất lượng đội ngũ giáo viên của trường được nâng lên. Đến nay, đội ngũ giáo viên có trình độ đại học và thạc sĩ của trường chiếm 87,7%, trình độ cao đẳng chiếm gần 9%. Bên cạnh giải pháp về con người, thành công của trường trong thời gian qua còn là kết quả của việc định hướng lựa chọn đúng ngành nghề và quy mô đào tạo của các ngành theo năng lực đào tạo của trường cũng như yêu cầu của thị trường lao động. Nhà trường chuyên đào tạo với các nhóm ngành: cơ khí, hàn, tiện, công nghệ ô tô, công nghệ tàu thủy và vận tải thủy, điện, điện tử, may công nghiệp và tin học (sửa chữa, lắp ráp máy tính). Đây là những ngành nghề phù hợp với định hướng phát triển kinh tế của tỉnh và các địa phương trong khu vực đồng bằng sông Hồng. Để phù hợp với yêu cầu phát triển các KCN, dự án lớn của tỉnh, trong thời gian tới nhà trường đã có kế hoạch đào tạo đón đầu như tuyển giáo viên dạy tiếng Nhật, đầu tư cho các nghề công nghiệp tàu thủy, may công nghiệp, điện… Trong đầu tư cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo, trường luôn chú trọng nghiên cứu yêu cầu đầu tư, bảo đảm thực sự thiết thực, có thể khai thác sử dụng tối đa, tránh tràn lan, lãng phí chạy theo số lượng. Ngoài ra, lãnh đạo nhà trường quan tâm chỉ đạo, tích cực liên kết với các doanh nghiệp trong tư vấn tuyên truyền về lợi ích của việc học nghề, các cơ hội việc làm cho học viên sau khi ra trường… vừa để tăng cường hướng nghiệp cho học viên, vừa thu hút tuyển sinh. Công tác tuyên truyền hướng nghiệp cho các học viên được thực hiện ngay từ khi mới nhập trường để các em có ý thức và định hướng trong suốt quá trình học tập.
Từ nay đến năm 2013, Trường Trung cấp Nghề số 20 triển khai xây dựng 6 xưởng thực hành các ngành nghề: cơ khí ô tô, hàn, gia công cắt gọt kim loại tấm, điện dân dụng và công nghiệp, điện lạnh bằng nguồn vốn ODA của Cộng hòa Áo nhằm tạo cơ sở vật chất và công nghệ dạy nghề theo tiêu chuẩn châu Âu. Kết hợp với xưởng dịch vụ sửa chữa ô tô của trường hiện đã có uy tín trên địa bàn, và phân hiệu 3 rộng 6ha ven đê sông Đào thuộc xã Nam Phong (TP Nam Định) tới đây sẽ đưa vào sử dụng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để trường triển khai đào tạo 3 nghề trọng điểm theo chương trình quốc gia về đào tạo nghề đến năm 2020, gồm: Công nghệ ô tô (cấp độ ASEAN) và hai nghề cấp độ quốc gia là khai thác máy thủy, điều khiển phương tiện thủy nội địa./.
Bài và ảnh: Vân Thi