Có thể nói điệp khúc tăng lương giờ đây đã trở thành một điệp khúc buồn. Vì lương mới rục rịch tăng, giá cả đã "đi tắt đón đầu” từ trước khá lâu rồi, nên thay vì mừng, giờ đây hễ nghe nói tăng lương thì giới công chức thấy thờ ơ, còn người dân bỗng cảm thấy lo lắng nhiều hơn.
Người hờ hững
Điều đáng nguy hại là chỉ có một bộ phận công chức, viên chức Nhà nước được tăng lương, nhưng giá cả lại tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hơn 80 triệu người dân cả nước, nhất là những người lao động nghèo. Đón nhận tin tăng lương từ 1-5, nhân viên của một cơ quan cấp Bộ than phiền: Tôi làm công chức nhà nước đã 18 năm nay rồi, hơn 40 tuổi mà không biết đến khi nào mới dùng tiền lương để mua nổi một căn hộ chung cư. Và nếu làm một phép so sánh thì 12 năm trước, mỗi tháng lương của anh ta còn mua được một chỉ vàng. Nay sau bao lần lên lương theo định kỳ, rồi điều chỉnh mức lương tối thiểu, số đếm của lương tháng nghe có vẻ tăng lên, nhưng giá trị của một tháng lương lại tụt đi, không mua nổi một chỉ vàng...
Chung tâm trạng với công chức cấp bộ nọ, rất nhiều người đang công tác tại các cơ quan Nhà nước cũng lập luận thế này: Bỏ ra 5 năm học đại học với bao nhiêu chi phí tiền bạc. Ra trường để xin việc cũng rất nhọc nhằn, mà xin được vào biên chế Nhà nước lại càng nhọc nhằn hơn. Xin được việc rồi thì ăn lương 2,34 x 1,05 triệu = gần 2,5 triệu đồng/tháng. Đến hẹn lại lên, 3 năm mới tăng một bậc lương. Nhưng nếu trừ các khoản đóng góp như BHXH, BHYT, công đoàn phí... thì số tiền mang về có khi chỉ tròm trèm 2 triệu đồng. Sống độc thân còn khó, nói gì đến chuyện trang trải cho cuộc sống gia đình.
Đón nhận tin tăng lương rất hờ hững, một công nhân ngành cơ khí cũng chia sẻ thế này: Cách đây 16 năm đi làm thợ, hưởng lương 450 ngàn đồng. Sau 16 năm lương bậc 7 được 3.500.000 đồng. Lương như vậy, không thể đủ ăn, chứ đừng nói cho con học trường này, trường nọ. Vì không thể sống được bằng lương nên những người như anh ta muôn đời "chân ngoài dài hơn chân trong”...
Ảnh minh họa / Internet |
Thực tế tiền lương cũng là nguồn cơn của nỗi băn khoăn: phải làm gì để vừa sống sao cho liêm khiết, vừa tận tâm cống hiến? Và không ít người trong số họ cũng đã tự tìm được câu trả lời: Thời buổi này có mấy ai sống được bằng lương, họ sống bằng "lậu”. Hoặc phải tìm cách... tham nhũng, hoặc là quay lưng lại với cơ quan Nhà nước để làm cho các doanh nghiệp, các Cty liên doanh với nước ngoài. Hiện tượng chảy máu chất xám cũng bắt đầu từ đây.
Dân lo, Nhà nước cũng lo
Dù chưa có đầy đủ cơ sở để nói rằng tiền Việt Nam mất giá nhất thế giới, nhưng chí ít cũng có thể khẳng định rằng ở thời điểm hiện tại, tiền đồng Việt Nam mất giá hơn so với kíp Lào (bỏ 2,7 đồng tiền Việt mới đổi được một đồng kíp Lào). Lương chưa tăng nhưng các mặt hàng thiết yếu, từ thực phẩm, xăng dầu đến hàng tiêu dùng... trong cuộc đua maraton về giá, đã bỏ xa lương một khoảng cách dài dài. Không lo sao được vì lương tăng 1, giá đã tăng 3-5 lần. Lý giải cho sự tăng giá vô tội vạ này, kể cả doanh nghiệp sản xuất đến những đại lý bán hàng cấp 4 đều đổ vạ cho xăng, cho điện... Lại nữa, tối ngày 20-4 xăng tiếp tục tăng 900đ/lít không khỏi khiến người tiêu dùng hoang mang lo lắng. Và ngay từ bây giờ người dân đã phải đối phó với việc tăng giá "kép”.
Như đã nói, chỉ có một bộ phận nhỏ CBCNVC Nhà nước được tăng lương, nhưng giá cả lại ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hàng chục triệu người. "Vũ điệu giá cả” không chừa những đối tượng không được tăng lương, khiến những người này cũng bị "vạ lây”. Vậy là, đồng lương danh nghĩa của người lao động sắp tăng, thậm chí tăng mạnh nhưng mức lương thực tế, phản ánh sức mua thực sự của người tiêu dùng lại có xu hướng lao dốc khi giá cả hàng hóa không ngừng leo thang. Vòng luẩn quẩn tăng lương - tăng giá đã diễn ra từ lâu. Người dân giờ không mong muốn (bị) tăng lương nữa, mà chỉ mong giá cả được bình ổn.
Về phía các doanh nghiệp, tăng lương, đồng nghĩa với việc quỹ lương (bao gồm lương, thưởng, các khoản BHYT, BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, các quỹ trích theo lương) sẽ "phình” to và khiến gánh nặng chi phí của doanh nghiệp trở nên nặng nề hơn. Trong bối cảnh hơn chục nghìn doanh nghiệp "chết” trong 3 tháng đầu năm, sản xuất đình đốn vì sức mua của người tiêu dùng chững lại, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, lãi suất ngân hàng vẫn ở mức "chót vót”... thì việc tăng các khoản chi phí nhân công cũng là một khó khăn không nhỏ đối với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc tăng chi phí nhân công cũng khiến các doanh nghiệp tính toán cẩn trọng hơn trong kế hoạch sử dụng lao động, không tuyển dụng mới và thậm chí có thể sa thải hàng loạt nhân viên để cắt giảm chi phí.
Vậy vấn đề đặt ra ở đây là khi lương tăng thì Nhà nước mừng hay lo? Phân tích từ các chuyên gia cho thấy việc tăng lương được coi là việc làm "thuận ý trời, hợp lòng dân”. Tuy nhiên, việc tăng 26% mức lương cơ bản cũng sẽ khiến ngân sách Nhà nước phải gánh chịu thêm những khoản chi không nhỏ.
Tính toán của Bộ Tài chính cho thấy từ cuối năm 2011, nếu tăng lương tối thiểu ở mức 50.000 đồng/người, cả năm sẽ cần thêm 11.000 tỷ đồng cho chi lương. Còn với mức tăng 220.000 đồng như vừa công bố, danh mục các khoản chi ngân sách Nhà nước sẽ phải "gánh” thêm gần 50.000 tỷ đồng. Trong khi đó, ngân sách đang "oằn” mình khi các khoản chi tăng 13,4%, tăng nhanh gấp hơn 30 lần so với tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước. Hay chỉ tính riêng quý I, ngân sách Nhà nước đã bội chi 26.190 tỷ đồng. Bộ Tài chính cũng thẳng thắn nhận định khả năng thu ngân sách Nhà nước trong thời gian tới tiếp tục khó khăn vì kinh tế chưa khởi sắc.
Từ những phân tích trên cho thấy, lương tăng nhưng cả người dân, doanh nghiệp lẫn Nhà nước đều lo nhiều hơn mừng. Nhưng giải quyết bài toán lương tiền và giá cả sao cho ổn thỏa, sao cho CBCNVC sống được bằng lương; giải quyết vấn đề an sinh xã hội thế nào để các nhóm yếu thế trong xã hội không bị thua thiệt, thì vẫn còn là một cái đích phấn đấu rất lớn ở phía trước.
Có điều này thì đáng để mọi người cùng suy ngẫm: Ai cũng đi làm và ai cũng có lương. Ai cũng có lương nhưng nói chung lương không đủ sống. Lương không đủ sống nhưng ai cũng sống, thậm chí một số công chức còn sống hoành tráng, xa xỉ nữa là đằng khác. Vậy thì lương có ý nghĩa gì không?
Trong cuộc gặp gỡ mới đây, một chuyên gia người Nhật Bản đang công tác tại Việt Nam đã thắc mắc với chúng tôi thế này: "Có cảm giác như ở đất nước các bạn, người ta thường tỏ ra khá dè dặt khi nói về lương. Hơn thế, gần đây nghe nói đến tăng lương, tại sao nhiều người lại... thở dài”?! Đành phải giải thích với bạn rằng "Cũng chẳng còn phản ứng nào tốt hơn cách thở dài. Vì dù có tăng bao nhiêu nữa, thì lương cũng không chạy nhanh bằng giá”./.
Theo: daidoanket.vn