Cuối tuần qua, từ cuộc hội thảo của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, vấn đề bất cập tiền lương lại được “xới” lên, chắc chắn nó sẽ làm “nóng” phiên họp của Quốc hội kỳ này khi thảo luận dự thảo và thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Hiện đang có quá nhiều nghịch lý xung quanh vấn đề tiền lương. Theo Bộ luật Lao động hiện hành thì lương tối thiểu là mức lương trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong xã hội với điều kiện làm việc và cường độ lao động bình thường, lao động chưa qua đào tạo nghề. Số tiền đó đủ để người lao động tái sản xuất giản đơn sức lao động, đóng bảo hiểm và nuôi con. Thế nhưng, theo tính toán của các chuyên gia kinh tế tại cuộc hội thảo về tiền lương của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội thì hiện các doanh nghiệp Việt Nam đang áp dụng mức lương tối thiểu theo 4 vùng, trong đó mức cao nhất đạt khoảng 2 triệu đồng/tháng, cao hơn so với công chức từ 68% đến 141%. Tuy nhiên, về cơ bản mức lương này mới bằng 57,4% đến 62,9% nhu cầu sống tối thiểu. Còn mức lương tối thiểu đối với công chức áp dụng từ 1-5-2012 là 1,05 triệu đồng và kể cả 25% phụ cấp công vụ thì cũng chỉ đạt gần 48,6% nhu cầu sống tối thiểu.
Tiền lương phải tiến tới bảo đảm cho người lao động sống được bằng tiền lương và tiền lương tối thiểu phải đáp ứng được các nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình. Ảnh: PV |
Theo nguyên tắc xây dựng tiền lương thì chỉ có một mức lương tối thiểu, nhưng thực tế lại có 2 loại lương tối thiểu khác nhau ở khu vực Nhà nước và khu vực doanh nghiệp, tạo ra sự phân chia nhu cầu sống tối thiểu của người lao động khác với cán bộ, công chức Nhà nước. Đó là nghịch lý thứ hai. Lương của công chức thấp như vậy, nhưng nhiều người vẫn cứ “đua vào” các hệ thống công vụ. Đó là nghịch lý thứ ba. Một số cán bộ công chức với mức lương “khiêm tốn”, không đi làm thêm ngoài giờ hành chính lại có nhà to, xe đẹp. Đó là nghịch lý thứ tư. Cũng là cán bộ công chức cùng hệ số lương, nhưng nếu là lãnh đạo của các ngân hàng thì tiền lương hằng tháng có thể đến hàng trăm triệu đồng, nhưng là lãnh đạo doanh nghiệp sản xuất xi măng thì chỉ vào khoảng 6 triệu đồng, còn ở các cơ quan hành chính sự nghiệp lại thấp hơn. Đó là nghịch lý thứ năm. Và còn có rất nhiều nghịch lý khác về tiền lương và thu nhập...
Mục tiêu của cải cách tiền lương là phải tiến tới bảo đảm cho người lao động sống được bằng tiền lương và tiền lương tối thiểu phải đáp ứng được các nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình. Kể từ năm 1985 đến nay, chúng ta đã 3 lần cải cách tiền lương nhưng xem chừng, cơ chế tiền lương vẫn còn quá nhiều bất cập, gây nên mâu thuẫn về tiền lương với giá trị lao động trên thị trường lao động. Một trong những lực cản đến lộ trình cải cách tiền lương là đội ngũ cán bộ công chức của chúng ta quá lớn và tổ chức rất cồng kềnh. Do đó, chỉ mới điều chỉnh nâng lương tối thiểu thôi thì ngân sách Nhà nước cũng đã chi đến hàng chục nghìn tỷ đồng rồi. Vì vậy, phải tiến hành đồng bộ cải cách tiền lương với cải cách hành chính, tinh giản bộ máy tổ chức, biên chế, tái cấu trúc nền tài chính công và các lĩnh vực có liên quan khác; gắn điều chỉnh tiền lương với điều chỉnh chính sách bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công. Phải hướng đến một mức lương tối thiểu chung cho toàn xã hội do Chính phủ công bố hoặc chỉ có lương tối thiểu trong khu vực doanh nghiệp làm cơ sở để người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận tiền lương, còn đối với khu vực Nhà nước thì xây dựng mức tiền lương cơ bản tương ứng mức lương trung bình khá trong xã hội để trả cho cán bộ công chức. Đối với lực lượng vũ trang, phải có tiền lương tương xứng với loại hình lao động đặc biệt…
Được biết, tại Hội nghị lần thứ 5 vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã bàn đến vấn đề tiền lương. Trung ương yêu cầu, trong năm 2012-2013, phải khẩn trương bổ sung, sửa đổi một số chính sách cần và có thể điều chỉnh ngay nhằm sớm khắc phục những bất hợp lý nổi cộm hiện nay; ưu tiên điều chỉnh tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Cán bộ công chức và người lao động hy vọng, Bộ luật Lao động (sửa đổi) đang trình Quốc hội xem xét, thông qua vào kỳ họp này sẽ thể chế hóa quan điểm của Đảng về tiền lương và sẽ từng bước giải quyết được nghịch lý của tiền lương./.
Theo: qdnd.vn