Trong điều kiện sinh hoạt, sản xuất ngày một phát triển, lượng rác thải, nhất là rác thải rắn ngày càng tăng. Hiện nay, tổng lượng chất thải rắn phát sinh trên địa bàn toàn tỉnh ước tính hơn 790 tấn/ngày; dự tính đến năm 2015, tổng lượng chất thải rắn trên toàn tỉnh, khoảng 1.389 tấn/ngày; đến năm 2020 ước tính 1.573 tấn/ngày. Để bảo đảm vệ sinh môi trường, từ nhiều năm nay, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp xử lý rác thải, trong đó có việc quy hoạch và xây dựng các bãi chôn lấp rác thải. Nhiều xã, thị trấn đã huy động sự đóng góp của nhân dân, tạo nguồn kinh phí xây dựng các bãi chôn lấp rác. Bên cạnh đó, tỉnh đã đầu tư xây dựng 46 bãi chôn lấp xử lý rác thải hợp vệ sinh tại các xã, thị trấn, diện tích mỗi bãi khoảng 10.000m2, thời gian sử dụng khoảng 10 năm. Việc đưa các bãi chôn lấp rác thải, hợp vệ sinh vào hoạt động sẽ góp phần giảm đáng kể sự tiếp xúc giữa chất thải và môi trường, có thể kiểm soát chặt chẽ nước rò rỉ, hạn chế khả năng tiếp xúc của các sinh vật truyền bệnh với chất thải. Tuy nhiên trên thực tế, hiệu quả bảo đảm vệ sinh môi trường của các bãi chôn lấp rác thải trên địa bàn tỉnh ta còn hạn chế. Lãnh đạo Phòng TN và MT huyện Giao Thủy cho biết: Đến nay, cả 22 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều có quy hoạch bãi chôn lấp rác thải; trong đó có 9 xã, thị trấn đã và đang xây dựng bãi chôn lấp, xử lý rác đạt tiêu chuẩn. Tại Thị trấn Quất Lâm và các xã Giao Châu, Giao An, các bãi chôn lấp, xử lý rác thải hợp vệ sinh đã được xây dựng và đi vào hoạt động. Các xã: Giao Hà, Giao Thiện, Giao Lạc, Giao Xuân, Giao Hải đang tập trung xây dựng bãi chôn lấp rác thải, chuẩn bị đưa vào hoạt động. Từ nay đến năm 2015 huyện sẽ tiếp tục tiếp nhận nguồn vốn sự nghiệp môi trường của tỉnh xây dựng bãi rác cho các xã: Bạch Long, Giao Yến, Giao Thịnh, Hồng Thuận… Tuy nhiên, do tỉnh chưa xác định quy trình chuẩn nên việc xây dựng bãi chôn lấp rác thải hợp vệ sinh trên địa bàn huyện chưa có sự thống nhất, mỗi dự án áp dụng một quy chuẩn kỹ thuật khác nhau. Tại một số xã tuy phê duyệt thiết kế xây dựng bãi chôn lấp rác thải nhưng thực tế chỉ là những hố chôn lấp rác thải có diện tích rộng, rác đổ tràn lan, chưa có biện pháp kiểm soát và ngăn ngừa những tác động xấu từ sự phân hủy của rác đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng. Tại nhiều địa phương khác trong tỉnh, do điều kiện kinh tế eo hẹp nên hầu hết các bãi chôn lấp dù được xây dựng theo đề án chuẩn về quy trình kỹ thuật nhưng khi vận hành chưa thực hiện đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật theo thiết kế như: hằng ngày phải đầm nén rác trong bãi chôn lấp; phải che phủ, cách ly tránh tác động của môi trường bên ngoài với rác bằng đất hoặc các vật liệu khác… Tình trạng tồn tại các bãi rác hở, chưa thực hiện các quy chuẩn kỹ thuật đã phát sinh rò rỉ nước và khí bãi rác; tạo nhiều cơ hội cho vi sinh vật có hại gây bệnh tác động xấu đến môi trường sống và sức khỏe của người dân. Bên cạnh đó, việc xử lý rác theo mô hình chôn lấp trong bãi tuy giá thành rẻ nhưng tốn nhiều diện tích; khả năng thu hồi, tái chế, sử dụng lại nguồn nguyên liệu từ rác thải cũng còn nhiều hạn chế.
Vận hành dây chuyền phân loại rác thải tại Nhà máy xử lý rác Thành phố Nam Định. |
Để khắc phục thực trạng trên, các ngành chức năng của tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là lực lượng làm công tác bảo đảm vệ sinh môi trường chú trọng thực hiện các biện pháp giảm bớt lượng rác thải, tăng cường tái chế rác thải. Tại các công trình, dự án đầu tư bãi chôn lấp rác thải hợp vệ sinh, các địa phương cần đầu tư kinh phí thực hiện đầy đủ các biện pháp kỹ thuật bảo vệ môi trường; thường xuyên kiểm soát và ngăn ngừa những tác động xấu từ các bãi chôn lấp rác thải đến môi trường và sức khỏe người dân. Để từng bước loại bỏ các tác động xấu của các bãi chôn lấp rác thải đến môi trường, Trung tâm Nghiên cứu và Quy hoạch môi trường đô thị nông thôn (Bộ Xây dựng) đã thiết lập định hướng quy hoạch quản lý chất thải rắn khả thi cho tỉnh ta. Theo đó, toàn tỉnh sẽ đầu tư 1.905 tỷ đồng từ các nguồn vốn ngân sách, vốn vay ODA, quỹ môi trường, vốn tư nhân và các nguồn vốn hợp lệ khác để thiết lập các điều kiện cần thiết về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực cho quản lý tổng hợp chất thải rắn. Từ nay đến năm 2015, tỉnh sẽ tổ chức thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt theo 2 hình thức: vận chuyển trực tiếp và trung chuyển. Tại các xã có điều kiện giao thông thuận lợi, mỗi thôn lớn hoặc 2 đến 3 thôn nhỏ xây dựng một trạm tập kết rác để vận chuyển đến khu xử lý rác tập trung của huyện. Tại những xã chưa có điều kiện thu gom tập trung sẽ xây dựng bãi rác hợp vệ sinh theo hướng tăng cường thực hiện phương thức phân loại tại nguồn, tăng mức tái chế, hạn chế tối đa lượng chất thải rắn phải chôn lấp. Đối với chất thải rắn công nghiệp, các cơ sở sản xuất công nghiệp phải tự chịu trách nhiệm việc thu gom, phân loại và vận chuyển các loại chất thải rắn, hoặc thuê khoán các cơ sở tư nhân dưới sự quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước về chất thải rắn. Việc xử lý chất thải rắn dự kiến sẽ được thực hiện bằng cách phối hợp sử dụng các loại hình công nghệ xử lý, bao gồm công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh chất thải vô cơ, công nghệ ủ sinh học, công nghệ tái chế, công nghệ đốt. Trong đó tại các khu xử lý chất thải rắn sẽ áp dụng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh với các loại chất thải rắn sinh hoạt, không nguy hại và các thành phần bị loại bỏ từ các công nghệ xử lý khác như tái chế, ủ sinh học, đốt... Tại tất cả các khu xử lý chất thải rắn cấp huyện và liên huyện sẽ được đầu tư và áp dụng công nghệ ủ sinh học để xử lý các thành phần hữu cơ trong chất thải rắn. Sau năm 2015, sẽ đưa vào đầu tư công nghệ tái chế tại tất cả các khu xử lý chất thải rắn của tỉnh./.
Bài và ảnh: Nguyễn Thanh Thúy