Thời gian qua, nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tre, nứa chắp phát triển nên hầu hết các hộ ở 19 thôn trong xã Yên Tiến (Ý Yên) đều tham gia làm nghề. Đến nay trên địa bàn xã có khoảng 30 doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tre, nứa chắp xuất khẩu. Trong tổng số gần 3.200 hộ dân thì có trên 2.000 hộ tham gia làm nghề thường xuyên, số còn lại làm nghề theo mùa vụ. Nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tre, nứa chắp phát triển, đã đưa Yên Tiến trở thành một trong những xã có thu nhập dẫn đầu của huyện Ý Yên. Tuy nhiên, nghề tre, nứa chắp đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do công đoạn ngâm nguyên liệu tre, nứa trước khi đưa vào sản xuất. Ước tính mỗi năm, toàn xã sử dụng khoảng 70 nghìn tấn tre, nứa nguyên liệu. Để đưa vào sản xuất, số nguyên liệu này phải được xử lý thô bằng việc ngâm trong nước 2-3 tháng. Do số lượng nguyên liệu quá lớn nên toàn bộ diện tích mặt nước của xã đều được các hộ tận dụng để ngâm tre, nứa. Hai con kênh tưới tiêu chính trong xã là kênh S40-48 chạy dọc Quốc lộ 10 và kênh S48 quanh năm đều có tre, nứa ngâm kín dòng chảy. Vào trước đợt cao điểm xuất hàng, các hộ xếp lượt để được lấy phần mặt nước ngâm nguyên liệu, nhiều kênh tiêu phụ bị cạy nắp bê-tông để thả tre, nứa xuống ngâm. Cứ như vậy các vùng mặt nước của xã Yên Tiến dần chuyển màu sang đen kịt, đặc quánh, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Do thời gian kéo dài, ô nhiễm đã ngấm từ ao, hồ xuống nước ngầm. Tất cả các giếng đào, giếng khoan, nguồn nước cũng đều có màu sẫm, vẩn và có mùi vị lạ. Biết vậy nhưng nhân dân vẫn phải dùng vì đến nay mới chỉ có nửa xã được tiếp nhận nguồn nước hợp vệ sinh từ Nhà máy nước Ý Yên, còn lại nửa xã vẫn phải dùng nước mưa, nước giếng lọc để sinh hoạt.
Người dân Yên Tiến tận dụng tất cả các vùng mặt nước để ngâm tre, nứa. |
Bên cạnh ô nhiễm nguồn nước, các chỉ số về bụi, tiếng ồn ở làng nghề của xã Yên Tiến đều vượt quá mức cho phép. Vài năm gần đây, do thị trường xuất khẩu khó khăn hơn, một số hộ trong xã chuyển hướng sang sản xuất đồ thờ. Môi trường làng nghề Yên Tiến lại tiếp nhận thêm một tác nhân gây ô nhiễm từ sơn PU với hợp chất dung môi acetol có thể gây bệnh đường hô hấp. Dù nhận thức rõ về sự ô nhiễm này nhưng xã Yên Tiến vẫn chưa có biện pháp khắc phục hiệu quả. Năm 2005, UBND xã đã có kế hoạch triển khai dự án trị giá trên 4,5 tỷ đồng để xây dựng khu vực ngâm tre nứa tập trung và các biện pháp xử lý nguồn nước thải từ hoạt động này. Tuy nhiên, sau dự án không thể triển khai xây dựng vì không có mặt bằng. Bên cạnh đó, do kinh phí để xử lý tại chỗ nguồn nước ô nhiễm bằng công nghệ quá cao, đội giá nguyên liệu đầu vào tăng gần 30% nên giải pháp xử lý ô nhiễm từ các hộ, cơ sở sản xuất cũng thất bại(!). Hiện nay, hậu quả của ô nhiễm môi trường đã ngày càng nặng nề trong đời sống của cư dân địa phương. Đồng chí Bùi Sỹ Đăng, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Yên Tiến cho biết: “Tác động của ô nhiễm môi trường với Yên Tiến ngày càng đáng lo ngại. Tỷ lệ người dân mắc các bệnh ngoài da, bệnh tiêu hóa, bệnh mắt khá cao và các bệnh đường hô hấp đều tăng qua các năm và tăng rất cao vào mùa hè”. Cùng với bệnh tật, nguồn nước của các kênh tưới tiêu bị ô nhiễm đang ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã. Nhiều người ở các xã lân cận như Yên Ninh, Yên Bằng, Yên Quang… phản ánh ô nhiễm kênh S40-48 đang gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của địa phương.
Làng nghề phát triển đã nâng cao thu nhập của người dân Yên Tiến. Nhưng thu nhập cao trong khi môi trường bị ô nhiễm khiến chất lượng cuộc sống của người dân không được bảo đảm. Vì vậy, dù khó nhưng xã Yên Tiến vẫn cần phải có giải pháp xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay./.
Bài và ảnh: Hoàng Long