Cần đổi mới cách dạy lịch sử

02:05, 10/05/2012

Cách dạy lịch sử trong trường phổ thông vốn lâu nay đã bị chỉ trích quá nhiều. Tồn tại là nặng về kiến thức, số liệu, trận đánh, quá nhiều mốc ngày tháng đòi hỏi “thuộc lòng” khiến nhiều học sinh đâm ra sợ môn học này. Nói đúng hơn là một bộ phận học sinh đã quay lưng lại với môn học khá quan trọng. Điển hình, nhiều học sinh đã không nhớ nổi sự kiện “ngày 30-4” hào hùng của dân tộc đã diễn ra cách đây bao nhiêu năm, mang tầm mức lịch sử quan trọng thế nào?

Niềm tự hào dân tộc phải gắn với tận tường lịch sử

Nếu ai đã từng về Làng Sen quê Bác, hay đến Ngã ba Đồng Lộc, Nghĩa trang Trường Sơn, Bảo tàng lịch sử Hồ Chí Minh, chắc đều khó quên được cảnh hàng đoàn người tham quan đứng lặng, mắt đỏ hoe khi nghe lời giới thiệu truyền cảm của các hướng dẫn viên về những mốc son, sự kiện lịch sử. Niềm tự hào về lịch sử chói lọi của dân tộc, về sự hy sinh cao cả của những người đã ngã xuống cho quê hương, có lẽ không bao giờ xúc cảm hơn khi được tận mắt ghi nhận những chứng tích lịch sử. Xin nhân kỷ niệm lần thứ 37 của Đại thắng Mùa xuân năm 1975 hào hùng để nói về niềm yêu sử trong giới trẻ.

Học sinh nghe hướng dẫn viên thuyết minh về cuộc đời, thân thế và sự nghiệp cách mạng của Bác Hồ tại Khu Di tích lịch sử Kim Liên, huyện Nam Đàn (Nghệ An). Ảnh: PV
Học sinh nghe hướng dẫn viên thuyết minh về cuộc đời, thân thế và sự nghiệp cách mạng của Bác Hồ tại Khu Di tích lịch sử Kim Liên, huyện Nam Đàn (Nghệ An). Ảnh: Internet

Báo động đỏ mà các giáo sư, các nhà nghiên cứu sử học đã cảnh báo chính là sự quay lưng của giới trẻ đối với lịch sử nước nhà, với niềm tự hào, tự tôn của dân tộc. Tại nhiều nước, môn lịch sử bao giờ cũng được coi là môn học chính, rất quan trọng, thì ở nước ta, môn học này bị xếp vào yếu tố dự phòng. Chỉ vài năm trở lại đây, người ta mới đưa môn sử quay trở lại danh sách các môn thi tốt nghiệp THPT, nhưng cơ bản vẫn chưa chính thức là môn bắt buộc như văn và toán. Giáo sư sử học Phan Huy Lê đã không khỏi lo lắng bởi học sinh hiện nay không biết lịch sử nước nhà “là một điều nguy hại”. Không nguy hại sao được khi “dốt sử”, các em sẽ khó dấy nên được niềm tự hào, tinh thần thượng võ dân tộc. Bởi đơn giản là, dù có muốn tự hào, muốn thượng võ thì cũng phải hiểu cha ông ta đã từng thượng võ ra sao, niềm tự hào dân tộc phải được biểu hiện qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước như thế nào. Giả sử, những học sinh đó được một người ngoại quốc hỏi: “Tôi rất muốn biết niềm tự hào dân tộc của nước các bạn thể hiện qua những mốc son lịch sử chói lọi nào?”. Thì có lẽ, những cái lắc đầu hay cười trừ lấp liếm sự thiếu hụt kiến thức sẽ làm niềm tự hào ấy bị phai mờ đi nhiều lắm!

Một sinh viên khoa Lịch sử tại trường ĐH KHXH&NV TP.HCM đã thổ lộ, niềm yêu thích lịch sử của em đã có được khi em cùng tập thể lớp đi tham quan Bảo tàng lịch sử Hồ Chí Minh. Hình ảnh con tàu Đô đốc Latouche Tréville, rồi hình ảnh chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành gày gò khi ấy đã ăn sâu vào tiềm thức, tâm trí em, không thể quên được. Sinh viên này cho biết, học lịch sử rất hấp dẫn, lôi cuốn nhưng cũng đầy cam go. Muốn học giỏi, phải say mê. Em may mắn đã được tham quan nhiều địa danh lịch sử. Nhưng không phải chỉ đi cho biết, mà đến địa danh nào, nhìn từng chiếc xe tăng, kỷ vật của người lính giải phóng, sơ đồ, sa bàn, em đều tự gán cho mỗi hình ảnh ấy một sự kiện ngày tháng, mỗi diễn biến lịch sử. Đó là cách ghi nhớ thủ công nhưng đầy tính khoa học.

Ngày kỷ niệm lịch sử phải dấy nên sự thiêng liêng

Câu chuyện trên cũng chỉ đơn thuần là một cách học, cách tự say mê, tìm tòi về môn sử. Nhưng cách tự đam mê và tự tìm ra cho riêng mình bí quyết ấy không nhiều. Tại các trường phổ thông, đôi khi người ta đã xem nhẹ môn sử, coi đó là môn học phụ. Giáo viên dạy hết trách nhiệm, học trò trả bài, đủ điểm là quên. Đó là sự thật đau lòng. Công bằng mà nói, nhiều giáo viên cũng rất tâm huyết, sáng tạo nhiều cách dạy, cách học hấp dẫn, nhưng với một “khung” thời lượng giảng dạy hạn hẹp, với một giáo án vốn đã cứng nhắc khô khan, thì dẫu có muốn thay đổi cũng chỉ như đá ném ao bèo.

Vậy vấn đề mấu chốt là gì? Nếu quy về cho giáo trình khô cứng, nặng nề kiến thức, trùng lặp, chưa có tính xâu chuỗi thì cũng đúng, nhưng chưa phải là tất cả. Nên nhớ, để tạo niềm yêu thích bất cứ môn học nào đó, cần phải tạo môi trường thân thiện, cách truyền thụ của giáo viên hấp dẫn, khơi dậy đam mê, cách học phải gắn kiến thức với thực tế, phải được trực quan nhìn nhận. Chứ không nhất thiết có giáo trình hay là học sinh đã thành tài. Điều thiếu nhất của các trường phổ thông đang dạy sử hiện nay là chưa gắn kết được kiến thức với thực tế, chưa tạo các buổi tham quan những địa danh lịch sử một cách liên tục, đồng nhất. Học sinh chỉ biết lịch sử qua sách vở, phải học “chay”. Và rồi rất dễ lãng quên nếu không được tác động trực tiếp đến bộ nhớ bằng hình ảnh của những chuyến tham quan, hoặc qua hình ảnh, phim tư liệu. Cần lưu ý, ở thời buổi phát triển mạnh về internet hiện nay, nếu nặng về kiến thức thì chỉ cần một máy tính nối mạng là đủ. Vì thế, học lịch sử phải từ sự kiện gắn với chứng tích lịch sử.

Và xin đừng để những dịp kỷ niệm lịch sử quan trọng chỉ mang tính lễ hội, hãy làm sống lại trong các em những quá khứ hào hùng đáng tự hào./.

Theo: daidoanket.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com