Trong những năm qua, sự ra đời của các Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) tại các phường, xã, thị trấn đã góp phần nâng cao kiến thức khoa học, kỹ thuật nuôi, trồng các loại cây... cho nhân dân, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn. Với phương thức “cần gì học nấy’’, học những điều cần thiết, học mọi nơi, mọi lúc, đã thể hiện tính ưu việt của loại hình học tập này trong tiến trình xã hội hóa giáo dục, đáp ứng đòi hỏi phát triển kinh tế - xã hội từ cơ sở. Tại TTHTCĐ với những giảng viên là những người có tri thức, hiểu biết, có kết quả, kinh nghiệm trong sản xuất ngay trong làng, xã… những kiến thức từ đơn giản đến hàn lâm, từ kỹ thuật đến văn hóa, giáo dục, pháp luật… đã được cập nhật đến người dân, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa ở từng gia đình và cộng đồng… Trung bình mỗi năm, đã có hàng nghìn lượt người được tiếp cận, thụ hưởng các chương trình bồi dưỡng nâng cao hiểu biết, kỹ năng lao động sản xuất và nâng cao chất lượng cuộc sống. Trong năm 2011, toàn tỉnh đã mở được 3.167 lớp học cộng đồng về chính sách, pháp luật, khoa học kỹ thuật, mở mang ngành nghề mới, chăm lo đời sống, sức khỏe, bảo vệ môi trường..., thu hút 221.694 lượt người tham gia. Các TTHTCĐ cũng góp phần duy trì kết quả xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau biết chữ cho những người trong độ tuổi lao động, nâng cao tỷ trọng và tỷ lệ phổ cập tiểu học của các địa phương.
Nhờ được học nghề đan mây tre xuất khẩu, phụ nữ xã Nghĩa Lợi (Nghĩa Hưng) đã có thêm thu nhập trong những lúc nông nhàn. Ảnh: Thanh Tuấn |
Tuy nhiên, là một cơ sở giáo dục đào tạo không chính quy ở cơ sở, các TTHTCĐ hiện gặp không ít khó khăn. Ở một số địa phương, TTHTCĐ hoạt động kém hiệu quả và chỉ mang tính hình thức. Vì thế người dân bắt đầu thờ ơ với việc học tập tại các TTHTCĐ. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là nguồn kinh phí hoạt động của các TTHTCĐ còn quá eo hẹp. Thời gian đầu thành lập, mỗi trung tâm được tỉnh hỗ trợ 10 triệu đồng để tổ chức hoạt động nhưng những năm gần đây, do không có kinh phí hoạt động, không có cán bộ chuyên trách, nên việc nắm rõ nhu cầu học tập của nhân dân còn hạn chế. Về cơ sở vật chất của các trung tâm, phần lớn là mượn tạm hội trường của UBND xã và HTX; các trang thiết bị, học liệu phục vụ học tập theo các chuyên đề đều thiếu. Những địa phương có nguồn ngân sách khá thì TTHTCĐ được hỗ trợ kinh phí để tổ chức các lớp học, nhưng cũng chỉ đủ để trả thù lao cho giáo viên và loa đài, sách vở cho học viên đến học chứ không thể đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy và liên kết mở rộng ngành nghề, nâng cao tri thức cho nhân dân, trang bị kiến thức để làm giàu… phục vụ cho phát triển kinh tế tại địa phương nên các hoạt động, các chương trình học tập của trung tâm nghèo nàn, đơn điệu...
Để TTHTCĐ phát triển bền vững, có hiệu quả, tỉnh cần tiếp tục hỗ trợ kinh phí hằng năm để chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động, bởi nhân dân đều có nhu cầu trong học nghề, chuyển đổi cơ cấu kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng nông thôn mới. Các cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở đóng vai trò quyết định đến chủ trương đầu tư xây dựng, phát triển cũng như chất lượng và hiệu quả hoạt động của các trung tâm. Về bản chất, TTHTCĐ thành lập, vận hành dựa trên sự tham gia của cộng đồng, phục vụ nhu cầu, mục đích của cộng đồng và các hoạt động ấy đem lại lợi ích cho chính người dân trong cộng đồng. Để việc kết nối cộng đồng hiệu quả cần tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu TTHTCĐ trong việc điều tra, khảo sát nhu cầu, nguyện vọng của từng đối tượng, độ tuổi tại địa phương để từ đó xây dựng chương trình, nội dung hoạt động phù hợp và có sức hấp dẫn và tăng nguồn thu cho trung tâm. UBND các huyện, thành phố cần tăng cường chỉ đạo hoạt động TTHTCĐ tại địa phương, thực hiện đúng trách nhiệm về hỗ trợ kinh phí cấp huyện, cấp xã cho trung tâm theo quy định, đồng thời quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện để các TTHTCĐ phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của trung tâm. Bên cạnh đó, các TTHTCĐ cần phát huy nguồn lực của toàn xã hội, trong đó bao gồm cả ngân sách địa phương, hỗ trợ của Trung ương, của các tổ chức, cá nhân trong việc lồng ghép các chương trình triển khai tại các lớp học để thu hút ngày càng đông học viên và đào tạo sát với thực tế để áp dụng vào thực tiễn có hiệu quả./.
Minh Hồng