Từng bước thay đổi thói quen sử dụng túi nilon của người dân

08:04, 07/04/2012

Do tiện dụng, giá rẻ, túi nilon đã được sử dụng phổ biến trong việc chứa đựng các loại hàng hóa, thực phẩm. Tuy nhiên, hầu như ít người chú ý đến những hệ luỵ từ túi nilon đối với môi trường và sức khoẻ con người. Hiện nay, túi nilon chiếm khoảng 10% lượng rác thải và phải mất hơn 500 năm mới có thể phân hủy. Trong túi nilon chứa 2 chất PE và PP, khi đốt sẽ tạo thành các khí độc hại. Khi đựng thức ăn nóng trong túi nilon, những chất này có thể thấm vào thức ăn, gây tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Tuyên truyền, vận động người tiêu dùng sử dụng túi thân thiện với môi trường. Ảnh: Internet
Tuyên truyền, vận động người tiêu dùng sử dụng túi thân thiện với môi trường. Ảnh: Internet

Thời gian gần đây, việc tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ tác hại của việc sử dụng túi nilon đối với môi trường và sức khoẻ con người đã được quan tâm. Hội Phụ nữ tỉnh đã phát động phong trào: “Phụ nữ nói không với túi nilon” trong cán bộ, hội viên. Các nhân viên thu gom rác của Cty TNHH một thành viên Môi trường Nam Định tích cực thực hiện phân loại túi nilon trong quá trình thu gom, sau đó chuyển cho các đơn vị tái chế… Luật Thuế Bảo vệ môi trường có hiệu lực từ ngày 1-1-2012, trong đó tập trung vào việc đánh thuế cao vào túi nilon, nhằm hạn chế sử dụng loại sản phẩm khó phân hủy, gây tác hại cho môi trường. Từ khi chịu thuế, các loại túi nilon đều tăng giá mạnh, mức tăng thấp nhất cũng trên 50%, có loại tăng 100%. Cụ thể, túi nilon đen từ 23 ngàn đồng tăng lên 36 ngàn đồng/kg; túi nilon màu từ 28 ngàn đồng tăng lên 50 ngàn đồng/kg; túi nilon trắng 30 ngàn đồng tăng lên gần 60 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên, qua khảo sát trên địa bàn tỉnh, tình hình sử dụng túi nilon vẫn chưa thay đổi so với trước thời điểm áp thuế. Tại chợ Mỹ Tho (TP Nam Định) có khoảng 40-50 cửa hàng bán buôn, bán lẻ các loại túi nilon, bình quân mỗi cửa hàng một ngày bán ra từ 40 đến 50kg túi nilon. Các chủ hàng kinh doanh mặt hàng này cho biết, lượng túi bán ra vẫn bình thường. Chị Trần Thị Tâm, chủ cửa hàng đồ nhựa gia dụng Tâm Quảng, đường Hoàng Văn Thụ (TP Nam Định) cho biết, từ mấy tháng nay, giá túi nilon đã tăng cao, nhưng lượng túi sử dụng tại cửa hàng của chị vẫn ổn định khoảng 2kg/ngày. Mặc dù tất cả các sản phẩm bán tại cửa hàng đều là đồ khô, có nhiều sản phẩm chỉ cần buộc vào xe là vận chuyển về được nhưng hầu hết khách hàng vẫn xin túi nilon để đựng. Theo chị Tâm, khi giá túi nilon tăng thì chủ hàng phải chủ động giảm lợi nhuận để giữ khách quen không bỏ mua chỉ vì thiếu túi đựng đồ. Tại Trung tâm mua sắm thương mại Micom Plaza, qua thống kê số hóa đơn thanh toán, vào đợt cao điểm có tới 8.000 khách/ngày, trong đó bình quân mỗi khách hàng sử dụng từ 4-5 túi nilon các loại. Tại Siêu thị BigC, ngay từ khi đi vào hoạt động, siêu thị đã cung cấp loại túi sử dụng nhiều lần, dễ phân hủy và thân thiện với môi trường với mức giá 2 đến 4 nghìn đồng/túi. Khi Luật Thuế Bảo vệ môi trường tập trung vào việc đánh thuế cao vào túi nilon được thực thi, BigC đã đẩy mạnh việc kích thích nhu cầu sử dụng túi thân thiện với môi trường bằng nhiều hình thức như: mọi nhân viên đều chủ động tư vấn để khách hàng sử dụng, tận dụng tối đa vị trí treo túi thân thiện với môi trường để khách hàng tiện sử dụng ngay khi chọn đồ. Tuy nhiên, số người quan tâm và sử dụng loại này còn rất hạn chế... Còn người tiêu dùng, khi mua hàng tại các chợ đều cho biết: Có nghe thấy thông tin đánh thuế cao vào túi nilon từ đầu năm 2012 nhưng đến nay, khi mua các mặt hàng, từ rau thơm đến con cá, cân thịt vẫn được người bán hàng chủ động cung cấp túi mà không hề thấy họ khó dễ hoặc phàn nàn về giá túi đắt rẻ (!).

Thực tế cho thấy, dù giá túi nilon có tăng và nhiều đơn vị đã đưa các loại túi thân thiện với môi trường vào phục vụ nhu cầu người sử dụng nhưng trong điều kiện hiện nay vẫn rất khó giảm ngay được lượng tiêu thụ túi nilon hằng ngày. Bởi hiện tại, mặc dù giá túi nilon đã tăng nhưng vẫn rẻ hơn nhiều so với các loại túi thân thiện với môi trường. Trong khi đó, hầu hết các chủ cửa hàng đều khẳng định, loại túi vải không dệt hoặc loại túi thân thiện với môi trường hiện chưa được cung ứng phổ biến trên thị trường nên nếu cần sử dụng với số lượng lớn cũng khó có đủ nguồn hàng cung ứng ngay. Để có đủ các loại túi thân thiện với môi trường, cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp chuyên sản xuất túi nilon chuyển sang sản xuất các loại túi thân thiện với môi trường. Về phía các ngành chức năng, bên cạnh việc định hướng để người dân chuyển sang sử dụng các sản phẩm thân thiện hơn với môi trường, cần áp dụng các biện pháp nhằm đưa nhanh sản phẩm thay thế phù hợp đến với người tiêu dùng./.

Nguyễn Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com