Thực hiện hiệu quả dự án truyền thông chuyển đổi hành vi về dân số - KHHGĐ giai đoạn 2011-2015

08:04, 07/04/2012
Truyền thông lồng ghép với dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản - KHHGĐ tại huyện Ý Yên.
Truyền thông lồng ghép với dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản - KHHGĐ tại huyện Ý Yên.

Là một trong 13 dự án của Chiến lược dân số và sức khỏe sinh sản Việt Nam, Dự án truyền thông chuyển đổi hành vi về dân số - KHHGĐ hướng đến các mục tiêu: Nâng cao nhận thức và thực hành của các nhóm đối tượng về sử dụng dịch vụ sàng lọc trước sinh và sơ sinh, tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, không kết hôn sớm và không kết hôn cận huyết thống. Nâng cao nhận thức về hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh, không thực hiện các hành vi lựa chọn giới tính. Nâng cao nhận thức và thực hành của các nhóm đối tượng thực hiện KHHGĐ, tiếp tục thực hiện gia đình ít con, góp phần duy trì mức sinh thấp hợp lý. Tăng cường lồng ghép các yếu tố dân số, phát huy lợi thế cơ cấu “dân số vàng” vào hoạch định chính sách, xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Để thực hiện tốt các mục tiêu dự án đề ra, trong kế hoạch hành động giai đoạn 2011-2015, tỉnh ta đã xác định truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi về dân số - KHHGĐ là giải pháp cơ bản. Ngay trong năm 2011, các phương tiện thông tin đại chúng từ tỉnh đến cơ sở tập trung tuyên truyền Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số; Nghị quyết số 47/NQ-TW ngày 22-3-2005 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 4-8-2008 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh công tác dân số - KHHGĐ… công tác tuyên truyền qua hệ thống băng rôn, khẩu hiệu, panô, áp phích tại các khu vực đông dân cư; cấp phát tờ rơi, tranh cổ động, sách, tạp chí, tập san, băng audio, video có nội dung về dân số - KHHGĐ cũng được đẩy mạnh. Đội ngũ cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số ở cơ sở tích cực bám địa bàn dân cư, đến tận các gia đình vận động các đối tượng thực hiện sinh đẻ kế hoạch. Hình thức tư vấn cộng đồng được triển khai phong phú như: tổ chức chiếu phim, biểu diễn văn nghệ, nói chuyện chuyên đề về nội dung dân số - KHHGĐ được tăng cường. Các ngành, đoàn thể đã xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình truyền thông như: Hội Nông dân với mô hình “Nông dân thực hiện KHHGĐ”, “Nông dân 6 chuẩn mực”; Đoàn Thanh niên với “CLB tiền hôn nhân”, “CLB gia đình trẻ”; Hội Phụ nữ với mô hình “CLB Phụ nữ không sinh con thứ 3”… Trong công tác truyền thông, bên cạnh việc phát huy hiệu quả phối hợp của nhiều loại hình tuyên truyền, các địa phương trong tỉnh còn coi trọng việc vận động người cao tuổi, các chức sắc tôn giáo, những người có uy tín trong cộng đồng tham gia thuyết phục nhân dân thực hiện tốt chính sách dân số - KHHGĐ. Hằng năm, chiến dịch truyền thông lồng ghép với dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ được tổ chức 2 đợt tại 229 xã, phường, thị trấn của tỉnh với hàng trăm buổi nói chuyện chuyên đề và các hoạt động: mít tinh, tuyên truyền cổ động, sinh hoạt văn hóa văn nghệ, chiếu phim phát thanh, truyền hình, phát tờ rơi, tư vấn về sức khỏe sinh sản cho chị em… Việc triển khai mạnh mẽ các hoạt động truyền thông, giáo dục về dân số - KHHGĐ đã tạo sự chuyển biến lớn về nhận thức và hành động của toàn xã hội. Người dân đã tự nguyện thực hiện KHHGĐ, quan tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản, góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm sinh, nâng cao chất lượng dân số. Quy mô gia đình ít con ngày càng được thực hiện rộng rãi. Tốc độ gia tăng dân số đang dần được kiểm soát. Số cặp vợ chồng chấp nhận sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại ngày càng tăng. Đặc biệt, thông qua các đợt tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép với dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ, người dân ở vùng có mức sinh cao, vùng còn khó khăn đã được hưởng lợi và tiếp cận nhiều hơn với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ.

Để thực hiện thắng lợi những mục tiêu của Dự án truyền thông chuyển đổi hành vi về dân số - KHHGĐ giai đoạn 2011-2015, năm 2012 và những năm tiếp theo, công tác truyền thông tập trung vào các vấn đề: Thường xuyên cung cấp thông tin về vấn đề dân số - sức khỏe sinh sản cho lãnh đạo các cấp, những người có uy tín trong cộng đồng nhằm tạo sự ủng hộ, cam kết mạnh mẽ hơn về chính sách, nguồn lực và tạo dư luận xã hội thuận lợi cho công tác dân số - KHHGĐ. Tăng cường và nâng cao hiệu quả các hoạt động truyền thông: Xây dựng, bổ sung và hoàn thiện nội dung truyền thông về dân số, sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục phù hợp đặc điểm của từng nhóm đối tượng, từng vùng. Ở vùng ven biển, vùng có mức sinh, tử vong mẹ và trẻ sơ sinh cao, tập trung truyền thông về KHHGĐ, làm mẹ an toàn, chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ em. Đối với nhóm vị thành niên và thanh niên, chú ý đến các vấn đề sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, phòng chống HIV/AIDS, bình đẳng giới và vai trò của nam giới trong chăm sóc sức khỏe sinh sản, thực hiện bình đẳng giới. Tất cả nhằm tạo sự thay đổi hành vi bền vững của người dân, góp phần thực hiện mục tiêu chương trình dân số - KHHGĐ./.

Bài và ảnh: Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com