Hằng năm, tỉnh ta đã dành 1% tổng thu ngân sách cho hoạt động sự nghiệp bảo vệ môi trường (BVMT) trong đó, đặc biệt quan tâm đầu tư cho công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tại 9 huyện. Nhờ đó đến nay đã có 168/204 xã, thị trấn trong tỉnh có hoạt động thu gom rác thải. Tỉnh đã hỗ trợ 74 xã, thị trấn đầu tư xây dựng khu chôn lấp, xử lý rác thải tập trung; tỷ lệ thu gom đạt 60%; chất thải y tế nguy hại được xử lý đạt 50%; chất thải công nghiệp nguy hại đã xử lý 10%; xây dựng trạm xử lý nước thải công nghiệp tại các CCN Xuân Tiến (Xuân Trường), Yên Xá (Ý Yên). Hệ thống trạm bơm, kênh mương tiêu thoát nước tại khu vực nông thôn từng bước được đầu tư xây dựng theo quy hoạch, kiên cố hóa và nạo vét, khơi thông dòng chảy đảm bảo việc tiêu thoát nước. Công tác thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; xác nhận bản cam kết đạt tiêu chuẩn môi trường, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật BVMT đã được tăng cường. Các địa phương đã quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền về BVMT; xây dựng mạng lưới báo cáo viên về công tác môi trường trong các tổ chức đoàn thể…
Học sinh khối THPT huyện Ý Yên thường xuyên tham gia dọn VSMT trên địa bàn dân cư. |
Tuy nhiên, trước tốc độ đô thị hoá nhanh ở khu vực nông thôn và do sự hạn chế về nhận thức, không tự giác BVMT của một bộ phận người dân đã khiến cho môi trường ở nhiều vùng quê đang trong tình trạng ô nhiễm nặng nề. Phường Cửa Nam (TP Nam Định) là một địa bàn ven đô, công tác BVMT còn yếu. Nhìn từ trên cầu Đò Quan xuống, vạt sông thuộc địa phận phường rác thải vẫn còn nhiều, mặc dù từ hai năm nay, phường đã được triển khai mô hình “Đoạn sông tự quản” trong khuôn khổ dự án “Nâng cao năng lực quản lý nguồn tài nguyên nước tỉnh Nam Định” do Chính phủ Thuỵ Sỹ tài trợ, các hộ dân ven sông đã ký cam kết thực hiện việc không vứt rác xuống lòng sông và phường đã thành lập tổ thu gom rác đến tất cả các tổ dân phố. Nhận thức của người dân về trách nhiệm BVMT đã được nâng cao nhưng sự chuyển biến từ nhận thức sang hành động BVMT sống còn rất chậm. Dọc tỉnh lộ 490C, thuộc địa phận huyện Nam Trực, gần đây, số lượng bãi rác thải tự phát gia tăng đáng kể. Trước cổng UBND Thị trấn Nam Giang, những đống rác lớn ngay bên lề đường, tồn tại đã lâu, giữa ban ngày nhiều người vẫn “vô tư” đổ rác… Tại huyện Giao Thuỷ, hiện nay vẫn còn 13/22 xã, thị trấn chưa có bãi rác tập trung nên tình trạng xả rác bừa bãi còn khá phổ biến. Trên toàn tuyến kênh S40 thuộc địa phận huyện Ý Yên là nơi các hộ dân làm nghề thủ công mỹ nghệ, sơn mài ngâm tre nứa nên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nguồn nước và không khí. Mặc dù xã Yên Tiến (Ý Yên) đã được hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống hồ ngâm tre nứa nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường nước nhưng các hộ làm nghề vẫn vi phạm. Năm 2010, Viện Hợp tác châu Âu, châu Á, châu Phi và Mỹ La tinh (ICEAL) của Cộng hòa Pháp sử dụng chế phẩm sinh học Biovase xử lý nước mặt tại 3,7km kênh S40 thuộc địa phận Thị trấn Lâm, đã giúp đoạn kênh này hạn chế mùi hôi thối nhưng hiện nay các hộ ở hai bờ kênh vẫn xả rác xuống lòng kênh… Toàn tỉnh hiện có trên 90 làng nghề, các hộ kinh doanh, sản xuất các mặt hàng CN-TTCN nằm xen kẽ trong khu dân cư nhưng phần lớn các làng nghề chưa áp dụng các biện pháp BVMT. Nhiều CCN của các huyện chưa hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải tập trung, một số nơi đã hoàn thiện nhưng lại gặp khó khăn về kinh phí và nhân lực vận hành. Trong sản xuất nông nghiệp, nhiều gia trại chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, chưa đầu tư, ứng dụng công nghệ xử lý môi trường; nhiều mô hình nuôi thủy sản chưa tích cực giữ gìn, bảo vệ chất lượng nguồn nước; tình trạng bón lót, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng chưa được kiểm soát chặt chẽ, gây nhiều tác hại cho môi trường… Theo kết quả kiểm tra của các cơ quan chuyên môn, tại một số điểm tiếp nhận nước thải của Thành phố Nam Định và từ các nhánh sông trong khu dân cư nông thôn, CCN, làng nghề có nhiều thông số không đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn cho phép. Chất lượng nước sông ngòi, kênh, mương nội đồng có diễn biến xấu; dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn cho phép. Tình trạng ô nhiễm nước mặt ở khu vực làng nghề, CCN đang ở mức báo động; tình trạng ô nhiễm nước mặt tại các khu dân cư nông thôn diễn biến theo chiều hướng xấu. Môi trường đất khu vực trồng trọt chất lượng suy giảm do sử dụng phân hóa học và hóa chất bảo vệ thực vật. Môi trường đất khu vực làng nghề, khu CCN bị ô nhiễm kim loại nặng ngày một gia tăng, ảnh hưởng xấu tới môi trường. Môi trường không khí tại các làng nghề Bình Yên, xã Nam Thanh; Vân Chàng, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực); Tống Xá, xã Yên Xá (Ý Yên) có nhiều thông số vượt tiêu chuẩn cho phép...
Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn, thời gian tới các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền Luật BVMT; xây dựng ý thức và thay đổi hành vi của người dân vùng nông thôn. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng các khu xử lý rác thải nông thôn. Trước mắt đầu tư xây dựng khu xử lý, chôn lấp rác thải sinh hoạt quy mô thôn, xã, tiến tới xây dựng khu xử lý chất thải sinh hoạt quy mô cấp vùng theo quy hoạch quản lý chất thải rắn của tỉnh. Thực hiện việc nạo vét, khơi thông dòng chảy hệ thống cống rãnh, sông ngòi tưới tiêu khu vực nông thôn. Kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản nông sản, thức ăn và thuốc phòng trừ dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản, thu gom và xử lý các loại bao bì chứa đựng hóa chất sau khi sử dụng; xử lý triệt để các điểm ô nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu đến năm 2015, có 75% trang trại, gia trại chăn nuôi lắp đặt hầm bioga để xử lý chất thải. Từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề, các cụm, điểm công nghiệp, các cơ sở CN-TTCN. Phấn đấu trước năm 2015, hoàn thành xây dựng nhà máy xử lý nước thải công nghiệp tập trung đối với các KCN Mỹ Trung, Bảo Minh và các CCN: Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng); Đồng Côi, Nam Giang, Nam Hồng (Nam Trực); Quang Trung (Vụ Bản); Thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường); 12 CCN còn lại phấn đấu hoàn thành trước năm 2020. Các khu, CCN xây dựng mới đều phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn theo quy định của Luật BVMT. Hoàn thành trạm xử lý nước thải y tế tập trung của 2 bệnh viện đa khoa Nghĩa Hưng, Ý Yên trước năm 2015; 8 bệnh viện đa khoa tuyến huyện còn lại hoàn thành trước năm 2020. Trong quy hoạch xây dựng các cụm, điểm dân cư nông thôn, phải coi trọng nội dung về đảm bảo môi trường như: cấp nước, thoát nước, thu gom xử lý rác thải. Xây dựng nếp sống hợp vệ sinh gắn với việc khôi phục phong trào xây dựng “ba công trình vệ sinh” của các hộ dân./.
Bài và ảnh: Nguyễn Thanh Thúy