Những vấn đề đặt ra qua việc triển khai thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp ở tỉnh ta

07:04, 03/04/2012

Ngày 1-3-2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 315/QĐ-TTg về việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) giai đoạn 2011-2013 tại 21 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tỉnh ta được thực hiện thí điểm bảo hiểm đối với cây lúa, triển khai ở 3 huyện: Hải Hậu, Trực Ninh, Vụ Bản với 72 xã, thị trấn tham gia. Tổng Cty CP Bảo hiểm Bảo Minh là đơn vị được chọn triển khai BHNN. Cuối năm 2011, UBND tỉnh đã phê duyệt các quy trình canh tác lúa nước của tỉnh, áp dụng từ năm 2011-2013, làm cơ sở thực hiện thí điểm tại 3 huyện.

Tham gia BHNN sẽ giúp người nông dân giảm bớt thiệt hại khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra (Trong ảnh: Nông dân đội sản xuất số 7, Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) đang dặm lại lúa bị chết do thời tiết diễn biến bất thường).
Tham gia BHNN sẽ giúp người nông dân giảm bớt thiệt hại khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra (Trong ảnh: Nông dân đội sản xuất số 7, Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) đang dặm lại lúa bị chết do thời tiết diễn biến bất thường).

Về phía doanh nghiệp bảo hiểm, mặc dù xác định kinh doanh lĩnh vực BHNN lợi nhuận không cao nhưng với mục tiêu góp phần bảo đảm an sinh xã hội nông thôn, Cty CP Bảo hiểm Bảo Minh Nam Định đã tích cực phối hợp với các ngành chức năng, UBND các huyện và các xã, thị trấn làm điểm để triển khai thực hiện. Cty phân công cán bộ xuống các xã, thị trấn tổ chức công khai các quy tắc, biểu phí bảo hiểm; giới thiệu quy tắc, điều khoản, biểu phí của sản phẩm bảo hiểm cho các hộ gia đình, cá nhân thuộc các nhóm đối tượng tham gia thí điểm; cấp phát 340 nghìn tờ tuyên truyền, hướng dẫn và 170 nghìn phiếu yêu cầu bảo hiểm đến các hộ nông dân thuộc 3 huyện thí điểm. Từ đầu tháng 2-2012, cán bộ của Cty đôn đốc, hướng dẫn các HTXNN là đại lý bảo hiểm đẩy nhanh tiến độ kê khai các thông tin theo phiếu yêu cầu bảo hiểm đến các hộ dân tham gia trồng lúa tiến hành các thủ tục đăng ký. Tính đến ngày 26-3-2012, đã có 25/72 xã, thị trấn hoàn thành thông tin theo phiếu yêu cầu bảo hiểm. Cty CP Bảo hiểm Bảo Minh Nam Định đã gấp rút tổng hợp các thông tin để ký hợp đồng bảo hiểm với các nhóm hộ nông dân thông qua đại diện chủ hợp đồng bảo hiểm là các trưởng thôn hoặc đội trưởng đội sản xuất.

Với sự chỉ đạo kịp thời, chặt chẽ của UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan và 3 huyện thí điểm, việc triển khai thí điểm BHNN tại tỉnh ta đã được thực hiện theo đúng nguyên tắc bảo đảm trình tự thủ tục. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa ký được hợp đồng bảo hiểm do một số khâu phải chờ văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành, nhất là thông tư hướng dẫn và quy tắc bảo hiểm của Bộ Tài chính; các quy định về mức hoa hồng, thù lao cho đại lý, đại diện chủ hợp đồng chưa cụ thể, rõ ràng nên triển khai chậm so với kế hoạch; chưa có kinh phí hoạt động cho BCĐ các cấp, nhất là cấp xã nên địa phương gặp nhiều khó khăn trong công tác tổ chức, chỉ đạo triển khai. Mặt khác, qua tìm hiểu tại các địa phương tham gia thí điểm, thì phần đông nông dân chưa hiểu rõ lợi ích của loại hình bảo hiểm này nên chưa tham gia. Theo Quyết định 315/QĐ-TTg, Nhà nước sẽ hỗ trợ 100% phí bảo hiểm cho hộ nông dân, cá nhân nghèo; hỗ trợ 80% phí bảo hiểm cho hộ nông dân, cá nhân cận nghèo; hỗ trợ 60% phí bảo hiểm cho hộ nông dân, cá nhân không thuộc diện nghèo, cận nghèo sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm BHNN. Các tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm cũng được hỗ trợ 20% phí bảo hiểm. Ngoài việc đóng phí bảo hiểm thuộc phần trách nhiệm của mình, các cá nhân, tổ chức tham gia BHNN cần phải thực hiện canh tác, phòng dịch theo quy trình cụ thể do các cơ quan chuyên môn ban hành. Với quy định này, BHNN không chỉ giúp nông dân giảm bớt gánh nặng khi bị thiệt hại tài chính mà còn biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao cho nông dân. Mặc dù biết rằng, rủi ro trong sản xuất nông nghiệp là rất lớn nhưng ít nông dân nghĩ đến vấn đề bảo hiểm cho sản xuất nông nghiệp. Anh Nguyễn Văn Hinh, đội trưởng đội sản xuất số 7, Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) cho biết: Hiện cả đội mới chỉ có gần 30 người thuộc diện hộ nghèo đăng ký tham gia do được miễn phí BHNN, còn lại mọi người vẫn cân nhắc vì theo họ phạm vi được bảo hiểm quá hẹp. Ngoài các thiệt hại do thiên tai như bão, lũ lụt, hạn hán, rét đậm, rét hại, sương giá, xâm nhập mặn, sóng thần, các loại dịch bệnh đối với cây lúa chỉ bao gồm: bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, lùn sọc đen, dịch rầy nâu… đều là những dịch bệnh ít xảy ra tại địa phương.

Để BHNN thực sự đi vào cuộc sống, Sở NN và PTNT, Cty CP Bảo hiểm Bảo Minh Nam Định và các sở, ban, ngành liên quan cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các nhóm đối tượng sản xuất lúa tự nguyện tham gia BHNN. UBND tỉnh cũng sẽ đề nghị Bộ NN và PTNT bổ sung bảo hiểm thiệt hại do bệnh bạc lá và mưa kéo dài vào thời kỳ lúa trỗ bông phơi màu vào danh mục những loại thiên tai, dịch bệnh; bổ sung thêm quy trình gieo sạ hàng vào quy trình canh tác lúa nước tham gia bảo hiểm; đồng thời đề nghị Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn xây dựng kinh phí hoạt động cho BCĐ thí điểm ở 3 cấp và sớm ban hành quy định về tỷ lệ hoa hồng cho đại lý tham gia thực hiện BHNN./.

Bài và ảnh: Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com