Chiến tranh đã lùi xa 37 năm, song trong nhiều gia đình Việt Nam vẫn còn những kỷ vật ghi dấu một thời đau thương mà rất đỗi hào hùng. Trong một chuyến công tác về huyện Nam Trực, tôi tình cờ được nghe câu chuyện cảm động về những kỷ vật chiến trường của một người lính và hành trình đi tìm chồng, tìm cha từ chính những lá thư và cuốn nhật ký ông để lại.
Gia đình liệt sỹ Đoàn Anh Thông bên những kỷ vật chiến trường của ông để lại. |
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà hai tầng khang trang tại làng Thanh Khê, xã Nam Cường (Nam Trực), anh Đoàn Nam Phong - con trai liệt sỹ Đoàn Anh Thông không giấu được sự xúc động khi đưa cho chúng tôi xem những kỷ vật thiêng liêng của người cha: 200 lá thư đi, thư đến đã ngả màu vì thời gian, sách học về pháo cao xạ và điện đàm, cuốn nhật ký khoảng hơn 100 trang được viết bằng cả thơ và văn xuôi. Tất cả những kỷ vật đó, mẹ con anh đã trân trọng gìn giữ như những tài sản vô giá của gia đình. Bà Lê Thị Chạy, vợ liệt sỹ Đoàn Anh Thông ngậm ngùi nhớ lại: 5 tuổi, ông Thông đã mồ côi mẹ. Lớn lên, hai chị gái đi lấy chồng xa, nhà chỉ còn hai bố con sớm tối có nhau. Hoàn cảnh như vậy nhưng 19 tuổi, ông Thông vẫn viết đơn xung phong đi bộ đội. Nhập ngũ năm 1965, 2 năm sau, ông Thông về quê lấy vợ. Ở với nhau được đúng một tuần, ông lại lên đường. Bà Chạy lúc đó làm nhân viên bán hàng cho HTX mua bán của xã. Vừa đảm đang việc nước với vai trò xã đội phó, bà vừa chu đáo việc nhà, chăm sóc bố mẹ già để chồng yên tâm chiến đấu nơi chiến trường khốc liệt. Tình yêu, tình cảm vợ chồng thời chiến tranh, ông chỉ biết gửi vào những lá thư, những dòng nhật ký. Mỗi lần thư đến, thư đi, cả hậu phương và tiền tuyến đều có thêm sức mạnh. Bà Chạy đã đọc đi, đọc lại những dòng địa chỉ trên bì thư và những lá thư ông gửi về đến mức thuộc lòng. Năm 1971, ông về an dưỡng tại Nam Định trước khi tiếp tục lên đường. Hai ông bà gặp nhau vào giữa những ngày mưa bão tháng bảy. Ngày đơn vị ông hành quân vào chiến trường B, bà tình cờ đến thăm chồng thì gặp cảnh xe đang kéo pháo đi, chỉ thoáng nhìn thấy bóng chồng trên xe mà không thể gặp mặt. Nào ngờ, đó là lần cuối cùng bà nhìn thấy ông...
Gần 40 năm thuỷ chung ở vậy thờ chồng, nuôi con, bà Chạy đã vượt qua bao khó khăn, vất vả bằng chính những tình cảm yêu thương gửi gắm qua những lá thư và cuốn nhật ký người chồng để lại trước lúc đi B. Cuốn nhật ký trong trang mở đầu đề ngày 14-9-1965, ông đã viết: “Ta sẽ viết lên, viết lên sự thật/ Của đời ta trong khói lửa chiến tranh/ Trong lửa đạn, khói bom thù chồng chất/ Hay hoà bình cây lá lại màu xanh”. Và theo từng dòng nhật ký được ghi vội trong những khoảng bình yên hiếm hoi của cuộc chiến, các thế hệ hôm nay không khỏi rưng rưng trước sự hy sinh, cống hiến của bao lớp cha anh. Cuộc sống chiến đấu của người lính luôn phải đối mặt với biết bao khó khăn, gian khổ, nhưng trong họ vẫn tràn đầy lạc quan và niềm tin vào chiến thắng. Lá thư ngày 16-3-1968 gửi cho mẹ vợ, chiến sỹ Đoàn Anh Thông đã thể hiện niềm mong mỏi: “Làm sao tuổi thọ của mẹ ngày càng tăng, chờ ngày chiến thắng con về, lúc đó gia đình đầm ấm hơn xưa”. Trong lá thư cuối cùng gửi cho vợ trước lúc hy sinh 10 ngày, viết từ chiến trường Quảng Bình (16-11-1971), ông Thông còn dặn dò: “Chúng mình gặp nhau vào đúng cơn bão số 8 năm 1971, nếu sinh con trai đặt tên là Phong, con gái đặt tên là Thuỷ”. Năm 1972, khi sinh con trai, bà Chạy đã đặt tên con là Đoàn Nam Phong, đúng theo ý nguyện của chồng.
Ông Thông hy sinh năm 1971, nhưng mãi đến tháng 10-1976, gia đình mới biết tin. Bặt tin suốt mấy năm, nhất là sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng vẫn không thấy ông trở về, bà Chạy đã linh cảm điều chẳng lành. Xen với bao âu lo, phấp phỏng đợi chờ, bà vẫn âm thầm hy vọng và tin có một ngày gia đình đoàn tụ. Vì vậy, khi nhận được giấy báo tử của ông, bà như chết điếng cả người. Theo lời kể của đồng đội từng chôn cất ông, ngay năm 1976, bà Chạy đã lặn lội vào tận Cự Nẫm, Bố Trạch (Quảng Bình) song không tìm thấy mộ chồng. Giấy báo tử ghi rõ: “Đoàn Anh Thông, sinh năm 1946, nguyên quán Nam Cường, Nam Ninh, Hà Nam Ninh. Nhập ngũ năm 1965. Chức vụ: Trung đội trưởng, cấp bậc thiếu uý. Đơn vị 0.117-E234-F361. Hy sinh ngày 26-11-1971 trong trường hợp chiến đấu chống Mỹ bảo vệ Tổ quốc, được công nhận là liệt sỹ”. Tuy nhiên, trong những trang thư và dòng nhật ký, có lúc ghi ông ở đại đội 137, Trung đoàn 223, có lúc lại trực thuộc tiểu đoàn bộ của Trung đoàn 257. Theo địa chỉ ghi trên các bì thư, trận địa pháo 37mm của ông đóng quân ở rất nhiều nơi: Hà Nội, Thái Nguyên, Hà Tây, Hà Bắc, Hải Dương, Hải Phòng, Yên Bái, Thanh Hoá, Quảng Bình. Vợ ông không quản khó khăn, vất vả, tìm đến những người đồng đội cũ của chồng và may mắn gặp được ông Nguyễn Văn Hoạch hiện đang sống tại xã Hải Hà (Hải Hậu) là người trực tiếp chôn cất ông Thông và 5 đồng đội khác. Ông Hoạch bị sức ép bom, trí nhớ không còn minh mẫn. Trong những lúc tỉnh táo hiếm hoi, ông kể: Trận địa pháo của đơn vị được bố trí bảo vệ binh trạm và bệnh viện Cự Nẫm. Khẩu đội của ông Thông bị địch oanh tạc và các chiến sỹ bị hy sinh lúc 5h chiều nhưng mãi đến 7h tối, ông Hoạch và đồng đội mới khiêng được họ qua Cổng Trời, mai táng ở ven đường. Mộ của ông Thông có một chiếc bát úp lên vết thương ở bụng và một chiếc bút máy của đồng đội do thấy ông hay viết nên để vào cho ông... Chỉ ngần ấy thông tin nhưng mẹ con bà Chạy vẫn không nản lòng trên hành trình tìm kiếm người chồng, người cha liệt sỹ. Có lần, hai mẹ con đi xe ôm 300 cây số từ Đồng Hới (Quảng Bình) sang tận Cổng Trời (Nam Lào), có lần đi xuyên vào các huyện Minh Hoá, Tuyên Hoá để tìm mộ ông Thông nhưng đều không thấy...
Anh Phong sinh ra không biết mặt cha, lớn lên bằng tình yêu thương dạt dào và sự tảo tần của mẹ. Không ít lần chứng kiến những giọt nước mắt khóc thầm của mẹ ẩn giấu sau vẻ bề ngoài đầy nghị lực, anh luôn tự nhủ phải cố gắng phấn đấu để không phụ lòng mẹ và xứng đáng với cha. Hiện anh Phong là bác sỹ của Trạm Y tế xã Nam Cường. Vợ anh là giáo viên một trường tiểu học. Hai cô con gái xinh xắn, ngoan ngoãn làm ngôi nhà luôn đầy ắp tiếng cười. Bà Chạy giờ cũng đã ngoài 60, sức khoẻ của bà đã có phần giảm sút. Những lúc sắp xếp được công việc, anh Phong lại tiếp tục thay mẹ đi tìm các thông tin về cha ở Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Phòng không Không quân. Đi để tìm kiếm, để hy vọng một ngày nào đó, mẹ con anh được đón người cha liệt sỹ về với gia đình, quê hương yêu dấu./.
Bài và ảnh: Lam Hồng