Hằng năm, cứ vào dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam 30-4 hay Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27-7, ngôi nhà nhỏ số 9/17 đường Đặng Việt Châu, phường Cửa Bắc (TP Nam Định) lại được đón nhiều đoàn khách đến tham quan, bởi nơi đây hiện đang lưu giữ hàng nghìn kỷ vật của thời chiến tranh, trong số đó có nhiều kỷ vật có giá trị. Chủ nhân của bảo tàng chiến tranh giữa lòng thành phố đó là cựu chiến binh Vũ Đình Lưu. Ông nguyên là lính của Sư đoàn 312 anh hùng. Những năm qua, ông đã dành nhiều thời gian, tiền của và công sức cho công việc sưu tầm kỷ vật chiến tranh chỉ với một mong muốn quá khứ hào hùng của dân tộc không bị rơi vào quên lãng.
Hành trình đi tìm kỷ vật chiến tranh
Năm 1969, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang ở giai đoạn ác liệt, đáp lời kêu gọi của Tổ quốc, chàng sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội Vũ Đình Lưu xung phong lên đường nhập ngũ. Chỉ một thời gian ngắn, ông được biên chế về Sư đoàn 312 giữ nhiệm vụ Đại đội trưởng trinh sát của Trung đoàn 209. Trong thời gian 5 năm quân ngũ, ông đã có mặt ở khắp chiến trường ác liệt nhất như Đường Chín Nam Lào, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, tham gia chiến dịch lớn giải phóng cánh đồng Chum, tỉnh Xiêng Khoảng, nước CHDCND Lào, chiến dịch giải phóng Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Ông được kết nạp Đảng ngay trên Thành cổ Quảng Trị đầu năm 1972. Cuối năm 1973, trong một trận chiến ác liệt, ông bị thương nặng phải đưa về tuyến sau điều trị. Ra quân, ông Lưu được cử đi học Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, sau đó được phân công về làm Phó Giám đốc, Bí thư Đảng uỷ Nhà máy đồ hộp xuất khẩu Nam Định. Giai đoạn 1979-1983, ông được cử sang Liên Xô tiếp tục theo học 4 năm chuyên ngành kỹ sư Kinh tế, sau đó về nhận cương vị Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp nông công nghiệp rau củ quả Quảng Nam - Đà Nẵng. Năm 1991, ông về làm Giám đốc Cty Xuất nhập khẩu Hà Nam Ninh - U-đôm-xay đúng vào lúc Cty đang đứng trước bờ vực phá sản, nợ nần chồng chất, công nhân không có việc làm. 12 năm trên cương vị giám đốc, ông đã đưa Cty từ một đơn vị làm ăn thua lỗ trở thành một điển hình sản xuất kinh doanh giỏi. Giám đốc Vũ Đình Lưu là một trong những doanh nhân đầu tiên của cả nước được nhận Cúp vàng doanh nhân tiêu biểu. Cty của ông cũng là một trong những đơn vị đi đầu trong phong trào nhân đạo, từ thiện.
Ông Vũ Đình Lưu đang giới thiệu ý nghĩa từng kỷ vật trong bảo tàng. |
Công việc kinh doanh giúp ông có điều kiện được đi nhiều nơi, đến với nhiều vùng miền trên mảnh đất hình chữ S. Ông kể, ngày còn công tác ở Đà Nẵng, một lần vào thăm lại Thành cổ Quảng Trị, lúc ấy Quảng Trị còn ngổn ngang bề bộn, người dân thường đào những đồ vật còn sót lại sau chiến tranh đem bán phế liệu. Không muốn quá khứ bi thương mà hào hùng của dân tộc bị trôi vào quên lãng, ông nung nấu ý định tìm kiếm, lưu giữ những kỷ vật của chiến tranh với mong muốn giữ lại một chút gì đó cho con cháu mai sau. Ý định thì có từ rất sớm nhưng phải đến khi nghỉ hưu sau năm 2002, ông mới có điều kiện thực hiện ý nguyện của mình. Với chiếc xe máy gắn bó từ ngày còn công tác, ông rong ruổi khắp các tỉnh, thành từ miền Tây Bắc xa xôi đến dải đất miền Trung máu lửa, ngày đi, đêm nghỉ nhờ nhà dân hay tá túc ở những ngôi chùa ven đường, nếu đường xa quá thì ông lại đi tàu hoặc ô tô, cứ như vậy, 63 tỉnh, thành trong cả nước, không nơi nào chưa in dấu chân ông. Biết bao khó khăn vất vả trên con đường đi tìm kỷ vật, ở nhiều nơi, ông bị người dân nhìn với con mắt dò xét vì tưởng lầm là người đi buôn đồ cổ. Hay như dịp vào Con Cuông (Nghệ An), do không quen đường lại gặp hôm trời mưa, ông mắc kẹt trong bản gần 1 tuần, phải tá túc nhờ nhà dân. Nhưng khó khăn, vất vả bao nhiêu cũng không làm ông nản chí, bởi sau mỗi chuyến đi, ông lại có thêm nhiều kỷ vật của đồng đội.
Hành trình đi tìm kỷ vật chiến tranh đã mang lại cho ông nhiều điều bất ngờ, có thêm nhiều người bạn tâm giao, ông cũng lôi cuốn thêm nhiều người cùng tham gia vào công việc của mình. Chỉ vào chiếc bi đông nước cũ, ông nhớ lại, vào một buổi trưa nắng đổ lửa, có một bà cụ gõ cửa nhà ông. Hỏi ra cụ tên là Vũ Thị Phần, đã 84 tuổi ở đường Trường Chinh (TP Nam Định). Chẳng là hôm trước xem chương trình Ký ức thời gian trên VTV1 cụ được biết về cái bảo tàng chiến tranh của ông, cụ lại không ngờ nó chỉ cách nhà cụ ở có hơn một cây số, thế là cụ đi bộ đến chỉ để góp vào bảo tàng chiếc bi đông nước mà ông nhà trước cũng là lính Cụ Hồ đã dùng và giữ gìn hơn nửa thế kỷ. Có hôm trời mưa rét căm căm, cụ Nguyễn Văn Thọ, thương binh thời chống Pháp đã chống nạng hơn 3km đến biếu chiếc balô vuông từ chiến dịch Điện Biên Phủ. Rồi đồng chí Phạm Văn Hợp, Trần Ngọc Phương (đều sống ở Nam Định), mỗi người tặng ông tới 40 kỷ vật. Một hôm khác, ông Lưu nhận được cú điện thoại từ Nho Quan (Ninh Bình). Người gọi điện là chị dâu của một đồng đội đã khuất, liệt sỹ Đinh Hoàng Chiêu. Bà muốn tặng cho ông chiếc gùi là vật dụng được Nhà nước trang bị đầu tiên cho bộ đội trong đợt mở đường Trường Sơn. Từ ngày liệt sỹ Chiêu hy sinh, chiếc gùi là kỷ vật luôn được đặt trang trọng trên bàn thờ, vì vậy trước khi trao tặng nó, cả gia đình liệt sỹ Chiêu đã họp mặt thắp hương, mỗi người chạm vào chiếc gùi lần cuối. Ông kể: "Có một cụ già sở hữu chiếc giáo cổ. Nhiều người gạ xin, không được thì mua, nhưng cụ không cho. Khi tôi đến, trình bày nguyện vọng, cụ cho ngay. Tôi cũng xin được một chiếc ruột tượng, gắn với một chuyện tình cảm động. Chuyện thế này: Một đôi trai gái thời đánh Pháp yêu nhau, hẹn ước. Trước khi chàng trai lên đường tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, nàng trao cho chàng chiếc ruột tượng và nói, kết thúc chiến tranh, anh còn giữ được nó và mang về, em sẽ cưới anh.
Vì một vài lý do mà đến năm 1958, chàng trai về đúng ngày cô gái chuẩn bị cưới người khác sau mấy năm chờ đợi. Biết người yêu đã về, mang theo chiếc ruột tượng, cô gái đã xin lỗi người chồng chuẩn bị cưới để giữ trọn lời thề người đã từng hẹn ước...".
Bảo tàng chiến tranh giữa lòng thành phố
Từ một vài kỷ vật ban đầu, đến năm 2007, ông Lưu đã có trong tay trên 300 kỷ vật. Lúc đầu ông còn để tạm trong một phòng nhỏ trong căn nhà ông đang ở, sau thấy số kỷ vật ngày một nhiều, đúng dịp nhà hàng xóm có ý định bán miếng đất bên cạnh, ông bèn mua lại xây một căn nhà mái bằng chừng 40m2 làm nơi trưng bày kỷ vật. Ngày 22-12-2007, Bảo tàng kỷ vật chiến tranh tư nhân của ông Vũ Đình Lưu chính thức được thành lập theo Quyết định của UBND tỉnh. Từ đó đến nay, căn nhà nhỏ của ông không lúc nào vắng khách, tuần nào cũng có ít nhất 2, 3 đoàn chủ yếu là các CCB, các em học sinh, sinh viên chuyên ngành bảo tàng đến tham quan, tìm hiểu… Khi đến thăm bảo tàng, nhiều CCB vô cùng xúc động khi gặp lại những kỷ vật là hành trang người lính như chiếc ba lô, cây súng, mũ tai bèo khi xưa mà chủ nhân của nó, có người đã trở về, có người vẫn còn nằm lại đâu đó trên các chiến trường xưa. Mỗi kỷ vật mang về đều được ông lau chùi cẩn thận, gìn giữ như những báu vật. Trong phòng trưng bày, ông trang bị đầy đủ máy hút ẩm, máy sấy, điều hoà, hệ thống đèn chiếu sáng. Vào những hôm trời nồm, những loại máy này luôn phải hoạt động hết công suất nhằm bảo quản các kỷ vật trong điều kiện tốt nhất. Ông cũng đầu tư khá nhiều tiền để đóng những chiếc tủ trưng bày hiện vật để vừa đảm bảo mỹ quan, vừa phù hợp với không gian của gian phòng. Gần 1.000 kỷ vật được trưng bày ngăn nắp theo 3 khu: Kỷ vật thời kháng chiến chống Pháp, thời kháng chiến chống Mỹ và thời chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Trong bảo tàng, ông dành hẳn một khung ảnh lớn và một góc tủ để lưu giữ những kỷ vật theo chủ đề: "Mãi mãi tuổi 20" mà ở đó trưng bày những tấm hình chụp những chiến sĩ trẻ ra trận và hy sinh khi vừa mười tám, đôi mươi, những cuốn nhật ký, sổ tay, sáng tác thơ... đã phai nét mực theo thời gian khiến người xem hết sức xúc động. 1.000 kỷ vật, mỗi kỷ vật là một câu chuyện đầy cảm động về cuộc sống, chiến đấu, nghĩa tình của người lính mà ông Lưu nhớ như in xuất xứ, ý nghĩa của từng kỷ vật.
Thăm bảo tàng, nhiều người không khỏi xúc động khi nghe câu chuyện kể về 2 mảnh chăn chiên. Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, một anh bộ đội trên đường hành quân đã phải xé đôi mảnh chăn chiên của mình để đắp cho một đồng đội đang bị sốt rét giữa rừng. Nhờ mảnh chăn nặng tình đồng chí ấy mà người lính đó đã được cứu sống. Thế rồi hoà bình lập lại, như có người đưa đường chỉ lối, ông Lưu đã ghép được 2 mảnh chăn ấy lại với nhau, chỉ tiếc khi ông đang cố công chắp nối để 2 người đồng đội ấy gặp nhau thì một trong 2 người mất mà chưa kịp nói lời cảm ơn đến ân nhân năm nào. Chỉ vào chiếc hũ sành đã cũ, ông xúc động: Chiếc hũ này là kỷ vật của Bà mẹ VNAH Tạ Thị Uôn ở xã Trung Thành (Vụ Bản). Mẹ có 3 người con trai, sau khi 2 người anh hy sinh, người con trai út của mẹ đã xung phong lên đường để trả nợ nước, thù nhà. Từ ngày anh lên đường, mỗi ngày mẹ bỏ vào hũ sành 1 hạt đậu xanh để vơi đi niềm thương nhớ con và cầu mong con chiến thắng trở về. Nhưng khi chiến tranh kết thúc cũng là lúc mẹ nhận được tờ giấy báo tử thứ 3, từ đó mẹ luôn nâng niu chiếc hũ sành cho đến khi nó được đưa vào bảo tàng của ông Lưu thì mẹ yên tâm nhắm mắt.
Em Vũ Minh Hằng, học sinh lớp 8 chuyên Sử trường THCS Trần Đăng Ninh đã ghi trong cuốn sổ lưu niệm của bảo tàng: Sau khi được tham quan bảo tàng và nghe những câu chuyện kể liên quan đến các kỷ vật của thời chiến tranh đã giúp chúng cháu hiểu thêm nhiều điều về những năm tháng chiến đấu gian khổ mà anh dũng của bộ đội ta, về những câu chuyện cảm động về tình đồng chí, đồng đội, tình yêu quê hương, đất nước.
68 năm tuổi đời, 40 năm tuổi Đảng, người thương binh Vũ Đình Lưu vẫn không cho phép mình nghỉ ngơi lấy một ngày. Ngoài những ngày mở cửa bảo tàng đón khách tham quan, ông lại dành nhiều thời gian đi thăm bạn bè và tham gia các hoạt động của Hội CCB (hiện ông tham gia BCH Hội CCB phường Bà Triệu - TP Nam Định). Vài tháng, ông lại dành dụm từ những đồng lương hưu, trợ cấp thương tật ít ỏi khăn gói lên đường tiếp tục hành trình đi tìm kỷ vật chiến tranh. Sau mỗi chuyến đi, bảo tàng của ông lại có thêm nhiều kỷ vật có ý nghĩa. Trong nhịp sống hối hả, bộn bề, bon chen, những việc làm giàu tâm huyết của người CCB, thương binh Vũ Đình Lưu thật đáng quý, đáng trân trọng. Ông đã và đang góp phần lưu giữ những ký ức đẹp của một thời để nhớ, nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay và mai sau./.
Bài và ảnh: Hoài Phương