Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình

08:04, 19/04/2012

Trong những năm qua, công tác phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) ở tỉnh ta được triển khai đồng bộ, góp phần đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư tiên tiến. Các cấp, các ngành, đoàn thể và các địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới; triển khai chiến lược truyền thông thay đổi hành vi về PCBLGĐ trên các phương tiện thông tin đại chúng, các hình thức cổ động trực quan; tổ chức các chiến dịch truyền thông cao điểm, các cuộc thi tìm hiểu, triển lãm tranh ảnh nhân Ngày Gia đình Việt Nam (28-6), Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25-11). Toàn tỉnh có 2.046 CLB “Xây dựng gia đình hạnh phúc” với 122.373 gia đình tham gia. Các CLB duy trì sinh hoạt theo định kỳ với nhiều hình thức phong phú như: hoạt động văn hóa - văn nghệ, hái hoa dân chủ, nói chuyện chuyên đề… tuyên truyền về Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ… Thông qua các buổi sinh hoạt CLB, các thành viên được nâng cao nhận thức về việc thực hiện tốt chính sách dân số; được học tập, trao đổi kinh nghiệm xây dựng gia đình theo 4 chuẩn mực “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”. Các CLB còn vận động thành viên thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp đã tổ chức tập huấn cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật của tỉnh về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và các văn bản pháp luật mới cho các tuyên truyền viên pháp luật ở 10 huyện, thành phố; biên soạn, biên tập và phát hành tờ rơi pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nhân Tháng hành động vì trẻ em… tới cơ sở.

Gia đình hạnh phúc (ảnh minh họa).
Gia đình hạnh phúc (ảnh minh họa).

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PCBLGĐ nói riêng và công tác gia đình vẫn còn những hạn chế. Việc tổ chức thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW và mục tiêu của Chiến lược xây dựng gia đình chưa gắn với kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội hằng năm; chưa ưu tiên tập trung nguồn lực cho công tác xây dựng gia đình; chưa gắn công tác xây dựng gia đình với công tác phát triển cộng đồng. Tình trạng bạo lực gia đình vẫn còn xảy ra. Mặt khác, vấn đề bạo lực gia đình chủ yếu vẫn được coi là vấn đề của phụ nữ nên việc can thiệp và công tác tuyên truyền chưa thu hút được nam giới tham gia. Nhận thức chưa đầy đủ về bạo lực gia đình và bình đẳng giới cũng khiến cho việc tiếp cận với các đối tượng gây và bị bạo hành trong gia đình trở nên khó khăn. Nhiều vụ bạo lực gia đình được biết đến chỉ khi có hậu quả nghiêm trọng, dẫn đến tình trạng nhiều phụ nữ đã và đang chấp nhận sống cùng bạo lực trong suốt thời gian dài vì không tìm ra lối thoát cho bản thân. Năm 2010, toàn tỉnh có 400 cặp vợ chồng xảy ra bạo lực gia đình; TAND tỉnh đã giải quyết 79 vụ ly hôn do bạo lực gia đình. Không ít phụ nữ do không sinh được con trai nên gặp nhiều bất hạnh trong cuộc sống, nhất là ở các vùng nông thôn. Nguyên nhân dẫn đến hiệu quả của việc PCBLGĐ chưa đạt được mục tiêu đề ra là do sự phối hợp chưa đồng bộ của các cơ quan chức năng; các hình thức xử lý chủ yếu mới chỉ dừng lại ở mức cảnh cáo, khuyên răn, giáo dục. Việc phát hiện các hành vi bạo lực gia đình chưa được người dân hiểu đúng và chưa có ý thức trách nhiệm. Một số các cơ quan chức năng ở địa phương, các hội, tổ chức đoàn thể chưa thực sự quan tâm đến công tác PCBLGĐ. Thực tế khi xảy ra sự cố, người bị hại phải đi cấp cứu hoặc điều trị tại các trung tâm y tế thì các cơ quan chức năng, các hội, tổ chức đoàn thể mới vào cuộc.

Để triển khai thực hiện tốt công tác PCBLGĐ, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội, nâng cao việc tuyên truyền, tư vấn chuyển đổi nhận thức, thái độ và hành vi của gia đình; phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai công tác phòng, chống PCBLGĐ các cấp. Nâng cao nhận thức về vấn đề bạo hành trong gia đình cho phụ nữ và trẻ em có kiến thức cần thiết khi đối mặt với bạo hành gia đình... Mô hình PCBLGĐ cần thu hút được các thành viên của gia đình tham gia với các độ tuổi khác nhau, hướng vào hỗ trợ nạn nhân và người có hành vi bạo lực gia đình những kiến thức về hôn nhân, gia đình; hậu quả của bạo lực gia đình đối với cá nhân, gia đình và xã hội; kiến thức và kỹ năng nhìn nhận và giải quyết các vấn đề của gia đình; kỹ năng thiết lập và vận hành các mối quan hệ, kỹ năng làm chủ bản thân…, giúp phương thức tổ chức cuộc sống gia đình thông qua việc xác định và khẳng định giá trị của gia đình trong thời kỳ CNH-HĐH./.

Việt Thắng
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com