Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”

07:04, 10/04/2012

Trong những năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) ở tỉnh ta được triển khai sâu rộng, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào vẫn tồn tại những hạn chế; trong đó, Ban Chỉ đạo phong trào ở một số địa phương hoạt động thiếu hiệu quả, dẫn đến chất lượng phong trào xây dựng Làng văn hoá, Gia đình văn hoá bị giảm sút, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng và mục tiêu như phong trào đề ra.

Trong quá trình triển khai thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH, Ban Chỉ đạo phong trào từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung vào các nội dung cơ bản: Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế, giúp nhau xóa đói giảm nghèo; giữ vững an ninh chính trị, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; xây dựng thiết chế văn hóa, TDTT, đẩy mạnh công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, phát huy thuần phong mỹ tục, bài trừ các hủ tục lạc hậu, các tệ nạn xã hội… Kết quả qua hơn 10 năm thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH ở tỉnh ta đã khơi dậy và phát huy tính tích cực sáng tạo của xã hội góp phần xây dựng nếp sống văn hóa văn minh. Trong đó, các nội dung phong trào xây dựng “Làng văn hóa”, “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư tiên tiến”, “Đơn vị, cơ quan có nếp sống văn hóa” đã ngày càng đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống các tệ nạn xã hội; qua đó, góp phần củng cố hệ thống chính trị, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị địa phương. Năm 2011, toàn tỉnh có 70% số gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa; trên 63% số đơn vị, cơ quan, trường học đạt tiêu chuẩn cơ quan có nếp sống văn hóa; 41% số làng, thôn, xóm, tổ dân phố đạt tiêu chuẩn làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa…

Xã Giao Yến (Giao Thuỷ) nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” gắn với mục tiêu xây dựng NTM.
Xã Giao Yến (Giao Thuỷ) nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” gắn với mục tiêu xây dựng NTM.

Bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào TDĐKXDĐSVH ở tỉnh ta vẫn tồn tại những hạn chế. Do nhận thức về vai trò, vị trí và nội dung của phong trào TDĐKXDĐSVH ở một số địa phương, cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể chưa đầy đủ, nên thiếu quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện phong trào, hoặc triển khai qua loa, hình thức. Việc chạy theo số lượng, thành tích trong việc công nhận các danh hiệu văn hóa; buông lỏng công tác quản lý, tuyên truyền vận động và chưa phát huy được vai trò tự quản cộng đồng trong việc giữ vững danh hiệu văn hóa, dẫn đến chất lượng phong trào ở nhiều nơi chưa đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Điều đáng quan tâm là tỷ lệ gia đình văn hoá, khu dân cư tiên tiến, làng, thôn, xóm văn hoá, tổ dân phố văn hoá khá cao, nhưng nếp sống mới chậm hình thành, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội chưa có sự chuyển biến rõ rệt. Không ít nơi, mục tiêu, tiêu chuẩn xây dựng đời sống văn hoá, những quy định, quy ước về nếp sống văn hoá chưa được người dân tự giác thực hiện. Chất lượng thực hiện các tiêu chí về phát triển văn hoá nông thôn còn thấp. Hệ thống nhà văn hoá, TDTT hoạt động chưa thường xuyên, hiệu quả; các hoạt động văn hoá, thông tin gắn với thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở các làng văn hoá chưa đạt kết quả như mục tiêu đề ra. Phong trào xây dựng làng văn hoá thiên về chiều rộng, thiếu chiều sâu; trong đó, chất lượng văn hoá ở các khu vực kinh tế phát triển có dấu hiệu chững lại, nhiều nơi chất lượng làng văn hoá giảm sút, ý thức chấp hành pháp luật của người dân ở nông thôn chưa thường xuyên, quy chế dân chủ chưa được thực hiện và phát huy đầy đủ; các tai, tệ nạn xã hội không được ngăn chặn, gây mất ổn định an ninh nông thôn và ảnh hưởng tới truyền thống đạo lý dân tộc. Phong trào xây dựng “Gia đình văn hoá” ở một số nơi còn nặng về hình thức, chạy đua về số lượng, cá biệt, có hộ được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hoá”, song vẫn có người mắc vào các tệ nạn xã hội…

Qua thời gian triển khai thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH, một số danh hiệu thi đua chưa thống nhất. Nội dung, tiêu chí của phong trào TDĐKXDĐSVH rộng lớn, dàn trải ở tất cả các lĩnh vực của đời sống; trong khi đó chưa có một cơ chế chỉ đạo, quản lý đồng bộ, hiệu lực để thực hiện. Cụ thể là hiện nay, phong trào TDĐKXDĐSVH bao gồm nhiều phong trào, cuộc vận động, do nhiều cơ quan, đoàn thể chủ trì; trong quá trình triển khai thực hiện phong trào còn thiếu sự điều hành tập trung, thống nhất, thiếu sự phối hợp thường xuyên, hiệu quả; dẫn đến tình trạng triển khai thực hiện phong trào vừa chồng chéo, vừa phân tán. Thực tế cho thấy, trên cùng một địa bàn dân cư, với cùng một đối tượng là toàn bộ nhân dân sinh sống trên địa bàn đang triển khai quá nhiều phong trào và cuộc vận động do nhiều cơ quan chủ trì với nhiều nội dung trùng lặp, dẫn tới vừa chồng chéo, vừa phân tán trong công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện, gây lãng phí thời gian, công sức, kinh phí… Nguyên nhân dẫn đến những hạn chế nêu trên là công tác chỉ đạo, quản lý phong trào nhiều nơi chưa thật cụ thể, thiếu sâu sát, thường xuyên, còn nặng về hình thức. Ban Chỉ đạo phong trào ở một số địa phương hoạt động còn hạn chế; sự phối hợp giữa các ngành thành viên trong Ban chỉ đạo huyện chưa thật thường xuyên, chặt chẽ. Sự quan tâm đầu tư nguồn lực cho phong trào còn hạn chế. Việc đảm bảo kinh phí hoạt động cho Ban chỉ đạo các cấp, khen thưởng, động viên phong trào ở nhiều địa phương vẫn còn khó khăn. Các thiết chế phục vụ cho phong trào, đặc biệt ở các làng, xóm, thôn điều kiện cơ sở vật chất phục vụ các sinh hoạt văn hóa - TDTT cộng đồng còn thiếu thốn. Công tác xã hội hóa chưa được đẩy mạnh, tâm lý trông chờ, ỷ lại còn khá phổ biến. Hệ thống chính sách pháp luật về xây dựng đời sống văn hoá nói chung, xây dựng phong trào TDĐKXDĐSVH nói riêng chưa được ban hành và triển khai đồng bộ. Bên cạnh đó, nhiều địa phương khi đã được công nhận danh hiệu “Làng văn hoá” nhưng không giữ vững, vẫn có người sinh con thứ 3, có người nghiện, công tác vệ sinh môi trường, cảnh quan nông thôn bị xem nhẹ.

Để nâng cao chất lượng phong trào TDĐKXDĐSVH, Ban chỉ đạo phong trào các cấp, các ngành hữu quan cần nghiên cứu, bổ sung nội dung, tiêu chí về xây dựng NTM vào phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa; đồng thời sửa đổi các tiêu chí công nhận gia đình văn hóa, làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa phù hợp với điều kiện, đặc điểm ở các địa phương. Cụ thể hóa nội dung, tiêu chí văn hóa doanh nghiệp, văn hóa công sở, văn hóa đạo đức nghề nghiệp… trong tiêu chuẩn, tiêu chí công nhận cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn nếp sống văn hóa. Đối với mục tiêu về xây dựng đời sống văn hóa gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, các cơ quan chức năng và Ban chỉ đạo phong trào các cấp tiến hành rà soát, chọn lọc những phong trào cụ thể có tính lâu dài, làm rõ tên gọi, nội dung, tiêu chí, danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng để chỉ đạo thống nhất triển khai đồng bộ. Trước hết, cần thống nhất danh hiệu thi đua, nội dung, tiêu chí, hình thức ghi nhận, cơ chế phối hợp triển khai thực hiện các danh hiệu thi đua trong phong trào TDĐKXDĐSVH. Rà soát lại nội dung, tiêu chuẩn, tiêu chí trong các danh hiệu thi đua; xác định chuẩn văn hóa trong các danh hiệu thi đua cụ thể, tạo cơ chế để các ngành thành viên Ban chỉ đạo các cấp, các địa phương cụ thể hóa sát hợp với đặc điểm, tình hình và yêu cầu xây dựng đời sống văn hóa của các lĩnh vực, địa phương. Thống nhất một số danh hiệu thi đua có cùng mục tiêu, đối tượng, địa bàn triển khai thực hiện, như danh hiệu: “Gia đình văn hóa sức khỏe”, “Gia đình văn hóa thể thao”, “Gia đình phụ nữ hòa thuận, tiến bộ, hạnh phúc”… vào một danh hiệu chung là “Gia đình văn hóa”; thống nhất danh hiệu “Khu dân cư tiên tiến”, “Làng văn hóa sức khỏe” vào danh hiệu “Làng văn hóa”. Thực hiện tốt cơ chế phối hợp của các ngành, đoàn thể thành viên trong Ban Chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH từ tỉnh đến cơ sở. Tăng cường nguồn lực phát triển phong trào, huy động các nguồn lực trong nhân dân tham gia xây dựng làng văn hoá. Kiện toàn, củng cố Ban chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở bảo đảm đủ về số lượng và chất lượng theo hướng sáp nhập Ban chỉ đạo cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” vào một Ban chỉ đạo nhằm bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, đưa hoạt động của Ban chỉ đạo đi vào nề nếp, hoạt động hiệu quả. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các ngành thành viên Ban chỉ đạo các cấp trong việc lồng ghép thực hiện các nội dung tiêu chí chuyên ngành nhằm nâng cao chất lượng phong trào./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com