Những năm qua phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" của huyện Nam Trực đã được triển khai sâu rộng, góp phần tạo sự khởi sắc ở các làng quê, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đến nay toàn huyện đã có 164 làng (thôn) văn hóa, 80% làng, thôn có nhà văn hóa; 77% số gia đình đạt tiêu chuẩn "Gia đình văn hóa". Đây là nền tảng quan trọng để huyện Nam Trực thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM).
Khu trung tâm huyện Nam Trực hôm nay. Ảnh: Xuân Thu |
Cùng với việc thành lập hệ thống quản lý, tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, nhân dân trong huyện về chương trình xây dựng NTM, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tiến hành điều tra, đánh giá thực trạng nông thôn, từ đó lập quy hoạch xây dựng NTM ở các xã, thị trấn. Các xã, thị trấn triển khai xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015 đã được phê duyệt đề án NTM gồm: Nam Hồng, Tân Thịnh, Nam Hoa, Nam Dương, Nam Thái, Nam Thanh, Nam Lợi; 13 xã, thị trấn còn lại đang trong quá trình lập và hoàn thành dự thảo đề án. Khi triển khai xây dựng NTM, huyện Nam Trực đã gắn liền với việc đẩy mạnh các hoạt động nâng cao chất lượng xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao ở nông thôn. Nhà văn hóa, sân vận động được đầu tư xây dựng, nâng cấp và được khai thác, sử dụng hiệu quả, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân. Đến nay, hầu hết các thôn làng ở các xã triển khai xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015 đã có nhà văn hóa. Xã Nam Thanh có 99% làng, thôn có nhà văn hóa. Từ hơn 1 tỷ đồng hỗ trợ của Nhà nước, năm 2011, xã Nam Thái đã huy động nhân dân đóng góp thêm 2 tỷ đồng để xây dựng các thiết chế văn hóa, các công trình phục vụ đời sống nhân dân. Bên cạnh việc huy động nhân dân tự nguyện đóng góp sức người, sức của gìn giữ, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa, huyện Nam Trực còn quan tâm khôi phục các loại hình văn hóa thể thao truyền thống như: hát chèo, cải lương, ca trù, múa rối nước, rối cạn, múa rồng, kéo chữ, bơi chải… qua các lễ hội tiêu biểu như chợ Viềng Xuân, lễ hội đền Gin, lễ hội hoa cây cảnh Vị Khê... Với mục tiêu tạo sự thay đổi toàn diện đời sống nông thôn nên khi triển khai thực hiện xây dựng NTM, các địa phương trong huyện đều coi trọng phát triển sự nghiệp văn hóa nhằm bồi dưỡng, phát huy nhân tố con người trong xây dựng NTM. Các hộ dân đã tự nguyện hiến đất, góp tiền, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, khôi phục và phát triển nghề truyền thống, phục vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng NTM. Sau 2 năm thực hiện xây dựng NTM, xã điểm Nam Hồng đã hoàn thành công trình đường giao thông liên thôn An Đoài và 2 đường nội đồng với kinh phí trên 3 tỷ đồng và đang triển khai xây dựng các công trình: Trụ sở UBND xã, đường Liên Tỉnh, bãi xử lý rác thải sinh hoạt, trạm y tế xã với tổng mức đầu tư trên 20,3 tỷ đồng; trong đó nhân dân đã đóng góp trên 1,5 tỷ đồng và hiến 9.504m2 đất. 6 xã triển khai giai đoạn 2010-2015 đạt từ 5-6 tiêu chí, trong đó nhiều xã đã triển khai xây dựng nhiều công trình như: Xã Nam Hoa xây dựng nhà máy nước sạch kinh phí 15 tỷ đồng (Nhà nước hỗ trợ 9 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 6 tỷ đồng), xây dựng Trường Mầm non Trí An với kinh phí 3,5 tỷ đồng. Xã Nam Thái hoàn thành bê tông hóa 4 đường trục nội đồng tại các thôn Trung Nghĩa, Phú Thọ, Hải Thượng, Xuân Dương; kè đường trục chính nội đồng của 13 thôn; hoàn thành và đưa vào sử dụng cầu tại thôn Xuân Dương; cải tạo và xây mới 40 cống cấp III với tổng kinh phí 1,9 tỷ đồng… do nhân dân đóng góp. Xã Nam Lợi đưa vào sử dụng trụ sở UBND xã, đang hoàn thiện 2 trường mầm non, xây dựng nhà văn hóa thôn Biên Hòa, mở rộng đường trục chính nội đồng các thôn, cải tạo nâng cấp đường xóm của 14 cụm dân cư với tổng kinh phí 17 tỷ đồng… Những công trình này đã góp phần quan trọng trong việc cải thiện đời sống dân sinh, làm cho diện mạo nông thôn trong huyện ngày càng khởi sắc.
Để tiếp tục phát huy vai trò của phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" với phát triển văn hóa nông thôn, xây dựng nông thôn mới, thời gian tới, huyện Nam Trực tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động văn hóa - thông tin - thể thao từ huyện tới cơ sở; phát động và khơi dậy ý thức trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong việc xây dựng, giữ vững và từng bước nâng cao chất lượng làng văn hóa; từng bước xây dựng, hoàn thiện các thiết chế văn hóa cơ sở: cụm thông tin cổ động, bảo tàng, thư viện, CLB, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, sáng tạo văn hóa của nhân dân./.
Lam Hồng