Kiểm soát tồn dư chất độc hại trong thực phẩm

07:04, 19/04/2012

Trong những tháng đầu năm nay, dư luận xã hội bức xúc trước thông tin người nuôi lợn sử dụng chất cấm thuộc nhóm Beta Agonist để tạo nạc. Càng đáng chú ý hơn khi gần đây các cơ quan chức năng lại liên tiếp phát hiện một số lô hàng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu có chất tạo nạc, khiến cho việc kiểm soát các chất cấm trong chăn nuôi càng thêm khó khăn. Không chỉ riêng với thịt lợn mà cả các loại rau, củ, quả tươi cũng đang là mối lo ngại của người tiêu dùng về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, nhiễm vi khuẩn hay dư lượng hóa chất bảo quản vượt ngưỡng cho phép. Mặc dù, các cơ quan chức năng đã vào cuộc và có nhiều biện pháp kiên quyết nhằm siết chặt an toàn thực phẩm, chất lượng nông, lâm, thủy sản, song, tình hình vi phạm trong lĩnh vực này đến nay vẫn chưa được cải thiện. Trong chăn nuôi vẫn sử dụng chất cấm và trong rau, củ, quả vẫn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Ngay trong Tháng vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2012, kết quả giám sát của Cục Bảo vệ thực vật trên rau, quả đã phát hiện 10% số mẫu vượt ngưỡng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cho phép...

Tăng cường các biện pháp kiểm soát việc sử dụng chất cấm nhóm Beta - agonist trong chăn nuôi - Ảnh minh họa
Tăng cường các biện pháp kiểm soát việc sử dụng chất cấm nhóm Beta - agonist trong chăn nuôi - Ảnh minh họa

Nguyên nhân của thực trạng nêu trên là do việc kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm trên mặt hàng nông sản chỉ mới dừng lại ở việc phát hiện, xử lý những vi phạm ở mức phạt hành chính, chưa truy xuất các cơ sở sản xuất cho nên hiệu quả chưa cao. Công tác kiểm dịch tại các địa phương chủ yếu dừng ở kiểm tra bằng cảm quan, lâm sàng, giấy chứng nhận kiểm dịch, mà chưa lấy được mẫu xét nghiệm, chẩn đoán các bệnh theo quy định. Mặt khác, trong công tác quản lý hiện nay vẫn chưa có đầy đủ các quy chuẩn kỹ thuật hoặc quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tại từng chuỗi sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản từ khâu chăn nuôi, trồng trọt, sơ chế, chế biến, đến lưu thông trên thị trường. Còn các cơ quan thú y hầu như không kiểm soát được các lò giết mổ. Trong khi đó, nhận thức và ý thức về an toàn thực phẩm của các bên còn hạn chế dẫn đến việc sử dụng không đúng cách thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng...

Thực tế cho thấy, công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm nói chung và thực phẩm tươi sống nói riêng đang có nhiều bất cập, kẽ hở trong việc phối hợp liên ngành giữa các Bộ NN và PTNT, Y tế, Công thương... để kiểm soát toàn bộ các khâu từ sản xuất đến tiêu dùng.

Đã đến lúc cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của từng bộ, ngành trong việc xây dựng hàng rào kỹ thuật từ quá trình nhập khẩu đến sản xuất, tiêu thụ; cần rà soát kỹ lưỡng lại toàn bộ hệ thống văn bản pháp quy liên quan đến việc quản lý các chất được phép nhập khẩu hay cấm sử dụng trong sản xuất chăn nuôi, trồng trọt. Đồng thời, tăng cường năng lực xét nghiệm, kiểm nghiệm nhằm bảo đảm chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm; có chế tài xử phạt thích đáng đối với những trường hợp vi phạm nhằm ngăn chặn tận gốc "thực phẩm bẩn" đến tay người tiêu dùng. Đương nhiên, công tác kiểm tra, kiểm soát việc buôn bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt, lưu thông phân phối sản phẩm cần được thực hiện thường xuyên, không thể làm theo kiểu "đánh trống bỏ dùi". Có như thế mới hy vọng đạt được kết quả như mong muốn và cao hơn là bảo vệ sức khỏe cộng đồng./.

Theo: nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com