Tại Văn miếu Quốc Tử Giám vừa diễn ra lễ vinh danh những học sinh đoạt giải quốc gia môn Sử 2012 do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Quỹ phát triển sử học Việt Nam tổ chức. Kỳ thi học sinh giỏi lịch sử quốc gia bậc THPT năm nay đã có 211 thí sinh đạt giải, trong đó có 6 học sinh đạt giải Nhất, 31 giải Nhì, 90 giải Ba và 84 giải Khuyến khích.
Đây có thể được xem là bước ngoặt lớn đáng ghi nhận của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhằm động viên, khơi dậy niềm đam mê bộ môn lịch sử đối với học sinh hiện nay; nâng cao niềm tự hào dân tộc trong giới trẻ thông qua lịch sử nước nhà. Nhất là trong bối cảnh ngày càng ít thí sinh đầu quân vào các ngành học xã hội, ngành học liên quan chuyên ngành sử.
Còn nhớ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm ngoái, hàng ngàn thí sinh bị điểm 0 môn Sử đã gây nên một bất ngờ lớn không chỉ cho ngành giáo dục mà còn đối với xã hội. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, nguyên nhân dẫn đến học sinh quay lưng lại với môn Lịch sử là do hạn chế của hệ thống giáo trình lạc hậu, quá thiên về số liệu, mốc ngày tháng mà không tạo sự hứng thú, hấp dẫn. Giáo viên dạy sử chưa tạo niềm yêu thích bộ môn đặc thù cho học sinh, đôi khi dạy chiếu lệ; học sinh chỉ học đối phó, trả bài đạt điểm xong là quên. Ngoài ra, ngành học này cũng chưa được xã hội trọng dụng (thu nhập thấp, môi trường làm việc hạn chế). Điều đáng tiếc là nhiều năm qua vẫn tồn tại một "tư duy” lỗi thời tại các trường phổ thông khi quan niệm rằng môn Sử chỉ là môn học phụ. Ngay từ năm 2008, tại Diễn đàn sử học, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đưa ra lời cảnh báo về sự sa sút của môn Sử trong giới trẻ và trong nhận thức của xã hội.
6 học sinh đoạt giải nhất kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử. Ảnh: Internet |
Giáo sư sử học Phan Huy Lê cho rằng, trách nhiệm để môn Sử "xuống dốc” như hiện nay không phải ở giới trẻ, mà trước mắt Bộ GD và ĐT phải chịu trách nhiệm dưới góc độ quản lý nhà nước; xã hội đã thiếu sự quan tâm cần thiết đối với bộ môn quan trọng này. Dù thời gian qua, Bộ GD và ĐT đã thực hiện một số chỉnh sửa sai sót trong SGK, nhưng về cơ bản thì giáo trình vẫn giữ nguyên, hình thức truyền thụ vẫn nặng nề, không thay đổi. Theo giáo sư Lê, môn Sử tuyệt đối không phải là môn học tẻ nhạt, mà là môn học vô cùng quan trọng, hấp dẫn nếu biết truyền đạt đúng cách.
GS Phan Huy Lê cho rằng việc tuyên dương và trao phần thưởng hôm nay chưa thể thay đổi được thực trạng giáo dục môn Sử tại các trường phổ thông mà mới là giải pháp góp phần khuyến khích, cổ vũ tinh thần học sử của học sinh. Nhưng cho dù “chưa thể thay đổi được thực trạng”, nhưng sự kiện lần đầu tiên vinh danh học sinh đạt giải quốc gia môn Sử lần này của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã khích lệ, động viên kịp thời học sinh giỏi môn Lịch sử.
Hồ Chủ tịch đã dạy “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Đến thời điểm này, lời dạy trên chính là châm ngôn, kim chỉ nam để ngành giáo dục sớm tìm ra giải pháp đưa vị thế môn Lịch sử trở lại đúng nghĩa vai trò quan trọng của nó. Bàn về điều này, GS Phan Huy Lê trăn trở, cải cách môn Sử phải đặt trong cải cách cả nền giáo dục quốc dân, tức là phải đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Bởi theo giáo sư, “Trong bối cảnh hiện nay, thế hệ trẻ lớn lên mà không có một hiểu biết cần thiết về lịch sử, không kế thừa và phát huy được những giá trị lịch sử, văn hóa dân tộc thì rõ ràng đó là những hẫng hụt rất nguy hại”./.
Theo: daidoanket.com.vn