Trên công trường xây dựng, do bất cẩn anh Hồng bị ngã từ trên giàn giáo xuống. Do được mọi người nhanh chóng đưa đi cấp cứu nên anh đã may mắn thoát khỏi bàn tay tử thần. Tuy nhiên, do bị thương tật ở cột sống nên việc chữa trị sẽ phải kéo dài. Nằm trên giường bệnh vừa chịu nỗi đau thể xác, anh Hồng còn bị giằng xé bởi nỗi lo về kinh tế gia đình...
Ảnh minh họa/Internet. |
Sau khi vụ việc xảy ra, Thanh tra lao động và các cơ quan chức năng vào kiểm tra hiện trường, điều tra nguyên nhân tai nạn đã phát hiện rất nhiều thiếu sót về công tác an toàn lao động (ATLĐ) của Cty. Vì chủ quan, cho rằng anh Hồng chỉ là lao động thời vụ nên Cty đã không tiến hành huấn luyện ATLĐ, không có hồ sơ biên bản đầy đủ theo quy định, do đó Cty phải chịu trách nhiệm về tai nạn xảy ra. Ban chỉ huy công trường đã không làm đầy đủ trách nhiệm kiểm soát công tác ATLĐ nên đã để cho anh Hồng đi dép lê vào khu vực công trường, làm việc trên cao mà không mang dây bảo hiểm...
Hiện nay, ở nhiều doanh nghiệp xây dựng, tình trạng sử dụng lao động thời vụ khá phổ biến. Những lao động này thường được tuyển dụng qua trung gian, doanh nghiệp thường chủ quan “khoán trắng” trách nhiệm cho người đứng ra tuyển dụng. Trong khi pháp luật về lao động quy định, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm huấn luyện ATLĐ cho người lao động, kể cả lao động thời vụ ngắn hạn. Các công tác về ATLĐ bao gồm huấn luyện ATLĐ, trang thiết bị bảo hộ lao động, hồ sơ thiết bị đối với các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ; hồ sơ sức khỏe người lao động đối với những người làm việc trong môi trường độc hại có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp cao…, doanh nghiệp phải lập hồ sơ theo dõi và cập nhật thường xuyên. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa chú trọng bố trí cán bộ có trình độ, kinh nghiệm phụ trách công tác ATLĐ nên việc tham mưu, tư vấn cho lãnh đạo doanh nghiệp về công tác an toàn vệ sinh lao động còn hạn chế. Bởi vậy chỉ đến khi tai nạn xảy ra mới phát hiện vô số bất cập kéo theo những thiệt hại không nhỏ về cả kinh tế và uy tín của doanh nghiệp./.
Vân Thi