Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 37 cơ sở đào tạo dạy nghề của Trung ương và địa phương quản lý với đủ các trình độ, loại hình từ đại học, cao đẳng, trung cấp nghề, các trung tâm dạy nghề cấp huyện và các cơ sở có đăng ký hoạt động dạy nghề theo quy định. Những năm gần đây, xác định chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội trước mắt và lâu dài, Trung ương và tỉnh ta đã đặc biệt quan tâm đến công tác dạy nghề. Các trường, cơ sở dạy nghề đã được quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Riêng giáo viên ở 26 cơ sở dạy nghề thuộc tỉnh quản lý, trình độ cao đẳng, đại học chiếm 61%, giáo viên có trình độ sư phạm nghề đạt chuẩn chiếm 71%. Năm 2011, các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã tuyển bổ sung 268 giáo viên và cán bộ quản lý. Riêng các cơ sở dạy nghề thuộc tỉnh quản lý đã được HĐND tỉnh quyết định cho bổ sung 43 biên chế. Các trường, cơ sở dạy nghề đã chú trọng phát triển chương trình học, học liệu trên cơ sở chương trình khung của Bộ LĐ-TB và XH cho phù hợp với thực tế và yêu cầu của người học. Năm học 2010-2011 các cơ sở dạy nghề đã xây dựng được 25 chương trình sơ cấp nghề và chủ động chỉnh sửa 50 chương trình, giáo trình nghề khác đáp ứng yêu cầu người học. Đặc biệt, Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ đã tạo cú hích quan trọng cho công tác dạy nghề, nhất là dạy nghề cho lao động nông thôn. Không chỉ có một số lượng lớn người lao động (NLĐ) nông thôn được đào tạo nghề, tham gia thực hiện đề án cũng là dịp để các cơ sở dạy nghề nâng cao năng lực, uy tín đào tạo nghề. Bởi lẽ, yêu cầu của đề án đặt ra là phải bảo đảm người lao động có việc làm sau đào tạo, các cơ sở phải làm tốt việc liên kết với doanh nghiệp, các địa phương để cam kết bảo đảm các điều kiện cho người học nghề được làm nghề đã đào tạo. Phương thức đào tạo nghề “cầm tay chỉ việc” với thời gian học ngắn hạn, kinh phí hỗ trợ ít, đòi hỏi các cơ sở phải lựa chọn phương thức phù hợp, đội ngũ giáo viên có kỹ năng thực hành tốt để bảo đảm hiệu quả. Qua hai năm thực hiện đề án, đã có khoảng 85% lao động có việc làm ổn định với thu nhập từ 1,2-1,8 triệu đồng/tháng. Công tác giới thiệu việc làm (GTVL) đã được tăng cường ở cả sàn Giao dịch việc làm và các trung tâm dịch vụ GTVL, trung tâm dạy nghề của huyện và các trường nghề; các cơ sở đào tạo nghề cũng tham gia tích cực, xem đây là một trong những giải pháp hữu hiệu để thu hút người học, hỗ trợ công tác tuyển sinh.
Giờ thực hành lắp đặt và vận hành trạm biến áp của học sinh lớp Kỹ thuật lắp đặt điện và điều khiển trong công nghiệp khoa Điện - Điện tử - Điện lạnh, Trường Trung cấp Nghề số 20 (Bộ CHQS tỉnh). |
Tuy nhiên, công tác dạy nghề của tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại. Hệ thống cơ sở dạy nghề phát triển không đồng bộ. Vẫn còn tình trạng những ngành nghề đang “hot” thì đổ xô đào tạo, một số ngành lại không có, dẫn đến tình trạng các trường cạnh tranh gay gắt, trong khi năng lực đầu tư của các trường không đồng đều, ở nhiều trường trang thiết bị dạy nghề không đáp ứng được yêu cầu chất lượng đào tạo. Mặc dù đã được giao quyền tự chủ về tài chính song hầu hết các cơ sở dạy nghề vẫn phụ thuộc kinh phí ngân sách, công tác xã hội hóa, liên kết doanh nghiệp để huy động kinh phí, trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo nghề chưa được đầu tư nhiều nên học sinh các cơ sở, trường nghề ít được thực hành. Chẳng hạn với bộ môn hàn, có cơ sở, mỗi học sinh được cấp 3-4 que hàn/tuần nên hiệu quả thực hành không cao. Trong khi đối với dạy nghề, yêu cầu người học phải thành thạo nghề, khi ra trường có thể làm việc được ngay, doanh nghiệp không phải mất công đào tạo lại. Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong quản lý lao động, việc làm, sự gắn kết giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý lao động còn lỏng lẻo, doanh nghiệp không quan tâm, ngại báo cáo về tình hình lao động việc làm với cơ quan quản lý Nhà nước dẫn đến thiếu thông tin hoặc không tìm được sự hỗ trợ kịp thời trong vấn đề lao động...
Thực trạng trên đặt ra yêu cầu phải nhanh chóng thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng công tác dạy nghề với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, trong đó hệ thống dạy nghề đóng vai trò chủ đạo. Đối với các trường và cơ sở dạy nghề hiện nay, cần xây dựng đội ngũ giáo viên có trình độ, kỹ năng thực hành giỏi và đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu giảng dạy. Để đáp ứng yêu cầu dạy nghề cho học sinh đạt trình độ khu vực ASEAN, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định đã thực hiện cơ chế hỗ trợ 50% tài chính đối với các giáo viên có nguyện vọng đi học nâng cao tay nghề ở nước ngoài. Từ năm 2011, nhà trường đã triển khai đề tài nghiên cứu cấp tỉnh về đổi mới phương pháp dạy nghề, trong đó đặc biệt đề cao kỹ năng thực hành của học sinh, dự kiến đến tháng 6-2012 sẽ hoàn thành và có thể triển khai ứng dụng. Nếu phương pháp này được ứng dụng trong công tác dạy nghề sẽ đưa đến hiệu quả thiết thực là học sinh tốt nghiệp sẽ có tay nghề kỹ thuật vững vàng, doanh nghiệp sử dụng không phải đào tạo lại. Trường Trung cấp nghề số 20 (Bộ CHQS tỉnh) yêu cầu giáo viên thực hành bộ môn cơ khí ô tô trước khi đứng lớp đều phải xuống làm công nhân tại xưởng sửa chữa ô tô của nhà trường. Một số trường liên kết với doanh nghiệp để đưa giáo viên thực hành xuống làm việc trước khi đứng lớp. Ngoài ra, các trường cần xem xét lựa chọn các ngành nghề đào tạo chủ lực để tập trung đầu tư trang thiết bị phục vụ giảng dạy theo yêu cầu theo hướng mỗi trường, cơ sở dạy nghề chọn 3-5 nghề có thế mạnh để tập trung đầu tư, tránh trùng chéo, cạnh tranh không lành mạnh. Khuyến khích và tạo điều kiện ưu đãi các cơ sở dạy nghề đầu tư vào các nghề kỹ thuật mới, công nghệ cao và có cơ sở tại các vùng nông thôn để thu hút nhiều học sinh tốt nghiệp THPT và học nghề, hỗ trợ cho công tác phân luồng học sinh phổ thông của ngành giáo dục. Thiết lập cơ chế quản lý, theo dõi hỗ trợ doanh nghiệp về việc tiếp nhận lao động có kỹ thuật vào làm việc. Tăng cường tạo lập mối quan hệ gắn kết giữa cơ sở đào tạo nghề với doanh nghiệp trong công tác tuyển sinh, đào tạo nghề và GQVL. Các cơ sở dạy nghề cần cập nhật thông tin, nắm bắt các chương trình, dự án đầu tư phát triển trọng điểm của tỉnh trong nhiều năm tới để chủ động đào tạo nghề chuẩn bị đón đầu, sẵn sàng nhân lực khi dự án được triển khai. Đặc biệt, trong đào tạo nghề phải chú ý đào tạo các trình độ tay nghề theo chuẩn quốc gia và khu vực, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động trong nước cũng như định hướng xuất khẩu lao động./.
Bài và ảnh: Vân Anh