Chấn chỉnh tình trạng lạm thu ở các phòng khám tư nhân

04:04, 12/04/2012

Xã hội ngày càng phát triển, đời sống được nâng cao nên nhu cầu được chăm sóc sức khoẻ với các dịch vụ chất lượng cao của người dân ngày càng tăng. Nắm bắt nhu cầu đó, các phòng khám tư nhân mọc lên ngày càng nhiều. Trong thực tế, tâm lý người bệnh muốn đến các phòng khám tư cho nhanh gọn, ngại vào bệnh viện công vì nhiều thủ tục rườm rà, vả lại với niềm tin là ở đó có nhiều thiết bị y tế tốt, hiện đại, có bác sỹ ở Trung ương về, tinh thần thái độ phục vụ niềm nở, không phải chen chúc, xếp hàng như khi vào bệnh viện công. Đó là lý do khiến nhiều người chọn giải pháp đến với các phòng khám tư. Tuy nhiên, một thực tế nhiều người nhận thấy, đó là tình trạng lạm thu đang trở nên phổ biến ở các phòng khám tư và người bệnh đang bị “móc túi” mà chưa thấy các cơ quan chức năng vào cuộc.

Phòng khám đa khoa Việt Mỹ (TP Nam Định).
Phòng khám đa khoa Việt Mỹ (TP Nam Định).

Bác Đặng Thị Liên, 62 tuổi ở phường Hạ Long (TP Nam Định) mắc chứng đau nửa đầu bên phải. Trước đây bác đã đi khám tại Hà Nội, được chẩn đoán là do thoái hoá đốt sống số 4 và 5 ở cổ chèn ép dây thần kinh gây đau nửa đầu. Sau khi điều trị được một thời gian, bệnh lại có dấu hiệu tái phát, bác đến một phòng khám đa khoa cao cấp ở Thành phố Nam Định khám và yêu cầu chụp lại các đốt sống cổ. Tuy nhiên, khi qua phòng khám lâm sàng, bác giật mình khi nhận được một tập phiếu yêu cầu làm đủ các loại xét nghiệm, chiếu chụp, từ chụp tim, siêu âm tim, xét nghiệm máu đến chụp cột sống ở nhiều tư thế… Quay lại hỏi vị bác sỹ được quảng cáo là chuyên gia tim mạch của một bệnh viện có tiếng ở Trung ương, bác được giải thích vì bác đau đầu chưa rõ nguyên nhân nên phòng khám phải làm đủ các xét nghiệm lâm sàng như vậy mới có thể tìm ra bệnh và điều trị tận gốc được (!). Vả lại huyết áp của bác hơi cao, mạch đập nhanh nên phải chụp, chiếu tim để cho yên tâm. Thế là mất cả buổi sáng làm các loại xét nghiệm, chiếu chụp, bác sỹ vẫn kết luận bác bị thoái hóa đốt sống số 4 và 5; hóa đơn thanh toán lên đến trên một triệu đồng, chưa kể đến tiền khám bệnh và mua thuốc điều trị. Ra về bác cứ than thở đi khám bệnh mà cứ như vừa bị “móc túi”, biết mà chẳng dám kêu ai. Còn trường hợp anh Thanh ở xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) sau một vụ va chạm giao thông nhẹ được người nhà đưa đến một phòng khám trên đường TB. Thay vì thực hiện đề nghị của gia đình là chụp X-quang phần đầu, phòng khám lại đưa anh vào chụp cắt lớp CT Scanner, khi hỏi thì bác sỹ nói là thấy anh có dấu hiệu choáng nên chụp cắt lớp cho yên tâm. Vì vậy từ chỗ chỉ có 120 nghìn tiền chụp X-quang, gia đình phải trả trên 1 triệu đồng cho việc chụp cắt lớp mà kết luận cuối cùng chỉ là bị xây xước phần mềm, không tìm thấy tổn thương hộp sọ. Không chỉ những bệnh trọng, có khi chỉ là những bệnh rất thông thường như cảm, sốt, ho, đau bụng, đau răng… khi đến các phòng khám cũng được chỉ định làm rất nhiều các dịch vụ thăm khám cận lâm sàng không cần thiết.

Lạm dụng các xét nghiệm đang là thực tế diễn ra ở hầu hết các phòng khám tư nhân trên địa bàn tỉnh. Lý giải về thực tế này, một nhân viên y tế làm việc ở một phòng khám “bật mí”, do các loại thiết bị xét nghiệm rất đắt tiền, có thiết bị vài trăm triệu, có thiết bị lên đến cả tỷ đồng nên nhiều phòng khám phải kêu gọi các bác sỹ góp vốn, tiền thu được sẽ chia theo tỷ lệ phần trăm nên càng nhiều bệnh nhân sử dụng sẽ hưởng lợi nhuận càng nhiều. Ở nhiều phòng khám, các loại máy nội soi được tận dụng hết công suất, đau bụng do rối loạn tiêu hoá cũng được chỉ định nội soi dạ dày, viêm họng do cảm lạnh cũng được nội soi tai mũi họng, mỗi ca nội soi trung bình các phòng khám thu từ 120 đến 150 nghìn đồng. Tiền khám bệnh trung bình từ 30 đến 100 nghìn đồng/lượt tuỳ theo hàm, bậc của bác sỹ khám bệnh và theo từng chuyên khoa, cao gấp 5 đến 10 lần so với các cơ sở y tế công lập. Cá biệt có phòng khám còn tận thu cả tiền công đo huyết áp cho bệnh nhân dù đây là một công đoạn hết sức đơn giản trong quá trình khám bệnh ở bất cứ cơ sở y tế nào. Như vậy mỗi bệnh nhân đến với phòng khám chỉ tính riêng khám lâm sàng, làm các loại xét nghiệm, chiếu chụp cũng tới vài trăm nghìn đồng, chưa kể tiền mua thuốc men điều trị. Theo giải thích của lãnh đạo một phòng khám, muốn phòng khám có đông bệnh nhân thì phải tạo thương hiệu bằng cách mời nhiều bác sỹ, thầy thuốc giỏi có tiếng ở các bệnh viện Trung ương về, chi phí ăn uống, đi lại, trả lương cho bác sỹ ở trên về mỗi ngày không dưới tiền triệu, rồi tiền đầu tư trang thiết bị, máy móc, tiền thuê mặt bằng…; nếu không tận thu, khéo tính toán thì chỉ có “sập tiệm”. Vì vậy chỉ có cách duy nhất là tăng thu từ bệnh nhân và như vậy chỉ có người dân là chịu thiệt thòi!

Một bác sỹ, nguyên là lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh từng tâm sự, khi về nghỉ hưu, với kinh nghiệm và uy tín của mình, ông cũng có nhận được một số lời mời tham gia cộng tác của một phòng khám tư nhưng ông cũng biết rõ khi đã nhận được mức lương hậu hĩnh từ các phòng khám tư cũng có nghĩa là ông phải chấp nhận làm những việc như chỉ định bệnh nhân sử dụng nhiều loại dịch vụ y tế, siêu âm, xét nghiệm, cho dù có những loại xét nghiệm, chụp chiếu không thật cần thiết cho việc chẩn đoán, điều trị bệnh hoặc phải kê những đơn thuốc đặc hiệu, đắt tiền mà chỉ ở quầy thuốc của phòng khám mới có. Trong khi đa số người dân còn nghèo, cuộc sống còn nhiều khó khăn, làm như thế không đúng với đạo đức và lương tâm người thầy thuốc chữa bệnh cứu người nên ông từ chối. Tuy nhiên, bên cạnh việc chờ đợi ở lương tâm của những người thầy thuốc và chủ các phòng khám tư, các cơ quan chức năng, nhất là ngành Y tế cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các phòng khám tư nhân, không nên để kéo dài tình trạng lạm dụng các xét nghiệm, lạm thu để người bệnh không có cảm giác bị “móc túi” mỗi khi đi khám bệnh./.

Bài và ảnh: Hoài Phương

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com