Chăm lo những nạn nhân chất độc da cam: Sự chung tay của cả cộng đồng

07:05, 01/05/2012
Nguyễn Huy Hoàng, nạn nhân chất độc da cam gián tiếp ở phường Văn Miếu (TP Nam Định), giám đốc Cty TNHH Công nghệ cuộc sống.
Nguyễn Huy Hoàng, nạn nhân chất độc da cam gián tiếp ở phường Văn Miếu (TP Nam Định), giám đốc Cty TNHH Công nghệ cuộc sống.

Tỉnh ta là một trong những địa phương có số lượng nạn nhân chất độc da cam/Dioxin nhiều nhất trên cả nước với gần 30 nghìn người bị phơi nhiễm. Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể vận động toàn xã hội tham gia chăm lo, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/Dioxin. Các chế độ chính sách theo quy định được các cấp, các ngành tích cực triển khai thực hiện, các trường hợp có đầy đủ giấy tờ theo quy định được giải quyết khẩn trương, nhanh chóng. Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 38.300 nạn nhân trực tiếp và gián tiếp được hưởng các chế độ. Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh được thành lập và nhanh chóng phát triển tổ chức đến cấp huyện, cấp xã, tập trung chăm lo, bảo vệ quyền lợi, trợ giúp khó khăn cho các nạn nhân. Phong trào đền ơn đáp nghĩa, thể hiện sự tri ân công lao của những chiến sĩ cách mạng đã hy sinh xương máu cho tự do, độc lập của Tổ quốc, truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” từ nhiều năm qua đã được phát huy cao độ trong cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội, huy động các nguồn lực xã hội trợ giúp nạn nhân chất độc da cam/Dioxin. Chỉ trong 5 năm trở lại đây, các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin trong tỉnh đã vận động quyên góp tiền và hiện vật với tổng giá trị 3,48 tỷ đồng, xây sửa 134 căn nhà tình nghĩa, hỗ trợ vốn sản xuất cho 480 gia đình nạn nhân, trang cấp dụng cụ sinh hoạt, phục hồi chức năng cho 1.164 gia đình nạn nhân, tổ chức khám và cấp thuốc miễn phí cho 533 lượt bệnh nhân, tặng quà nhân dịp lễ, tết cho 18.370 lượt nạn nhân, cấp học bổng cho con em nạn nhân vượt khó học giỏi, trợ cấp đột xuất… hàng trăm lượt. Không chỉ thông qua tổ chức hội, nhiều nhà hảo tâm, các doanh nghiệp thường xuyên chia sẻ, hỗ trợ các gia đình nạn nhân. Việc giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/Dioxin còn được thực hiện bằng các hình thức dạy nghề, tạo việc làm, cho những người còn khả năng lao động… Hiệu quả xã hội của hoạt động hỗ trợ này không chỉ trợ giúp tức thời cho các nạn nhân chất độc da cam và gia đình giảm bớt khó khăn mà còn tạo niềm hy vọng, cơ hội làm việc để tự nuôi sống bản thân. Nhiều nạn nhân chất độc da cam/Dioxin đã không chịu khuất phục, đầu hàng số phận, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Điển hình như ông Trần Xuân Hòa thôn Sắc, xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc) CCB Sư đoàn 571 phát triển kinh tế gia đình từ nghề truyền thống quê hương, thành lập được xưởng bông tái sinh, không chỉ lo việc làm cho gia đình mà còn giúp cho 10 người khác có việc làm với thu nhập vài triệu đồng mỗi tháng. Gia đình ông Đinh Văn Quang, thôn An Lãng, xã Trực Chính (Trực Ninh), 5 lần sinh con đều không trọn vẹn. Không để nỗi đau khuất phục, ông đã gắng gượng vượt lên. Được Hội và địa phương quan tâm giúp đỡ, ông đã đầu tư mua máy dệt, tự tạo việc làm nuôi sống gia đình. Hay như em Nguyễn Huy Hoàng, sinh năm 1984 ở phường Văn Miếu (TP Nam Định), do bị di chứng chất độc da cam, Hoàng sinh ra với cánh tay phải bị teo. Vượt lên mặc cảm và nỗi đau thể xác, Hoàng đã học rất giỏi từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Tốt nghiệp Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, khoa Công nghệ thông tin, trở về gia đình, được bố mẹ hỗ trợ, Hoàng đã thành lập Cty TNHH Công nghệ cuộc sống, chuyên sản xuất các phần mềm tin học. Đến nay, Hoàng đã có 60 khách hàng thường xuyên tại Nam Định và ở các tỉnh, tạo việc làm ổn định cho 5 nhân viên. Hoàng còn là một cộng tác viên tích cực của Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh. Mới đây, Hoàng vừa thiết kế cho Hội trang web để giúp cập nhật thông tin hoạt động cũng như tạo diễn đàn cho những người quan tâm giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh. Em vẫn đang ấp ủ ý tưởng giúp đỡ dạy nghề cho các nạn nhân, con em nạn nhân chất độc da cam có niềm yêu thích môn tin học và muốn tìm cơ hội làm việc… Còn rất nhiều những tấm gương nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tiêu biểu trên khắp các địa phương trong tỉnh đã vượt lên nỗi đau thể xác để “đứng” trên đôi chân của mình.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn rất nhiều khó khăn mà các nạn nhân chất độc da cam/Dioxin và gia đình họ đang phải gánh chịu, rất cần được sự quan tâm, sẻ chia của cộng đồng. Những tháng đầu năm nay, các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin của tỉnh đã phối hợp các cấp, các ngành, tư vấn giúp đỡ cho các gia đình nạn nhân chưa hoàn thành thủ tục để được hưởng chế độ chính sách theo quy định của Nhà nước. Và vẫn còn những gia đình có người thân đi làm nhiệm vụ sau năm 1975 đến những vùng Mỹ rải chất độc cũng bị phơi nhiễm chất độc. Do chưa có chính sách quy định nên những trường hợp này hiện đang được hưởng chế độ bảo trợ xã hội dành cho trường hợp tàn tật nặng không có khả năng tự phục vụ, nuôi sống bản thân… Mới đây, khi đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về làm việc nắm tình hình thực hiện chế độ chính sách với người có công ở tỉnh ta, những bất cập, khó khăn trong chế độ chính sách hiện hành và việc triển khai thực hiện trong thực tế đã được ngành LĐ-TB và XH, Sở Y tế, các đoàn thể Hội CCB tỉnh, Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh, báo cáo đầy đủ, đóng góp tiếng nói từ thực tiễn để Quốc hội, Chính phủ sửa đổi chính sách nhằm chăm lo tốt hơn cho các nạn nhân chất độc da cam/Dioxin trong cả nước. Riêng Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh đang chỉ đạo các Hội cấp huyện thống kê các trường hợp gia đình nạn nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có con em đang đi học để báo cáo Trung ương Hội hỗ trợ. Tỉnh Hội cũng đã làm việc với Quỹ CCB Mỹ tại Việt Nam về chương trình trợ giúp vốn phát triển kinh tế gia đình. Trước mắt có 20 gia đình nạn nhân có dự án khả thi đã được quỹ xem xét chấp thuận và sẽ triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Tháng tư lịch sử lại về, cùng với những cảm xúc dào dạt của niềm vui khải hoàn những ngày này 37 năm về trước, những CCB và cả cộng đồng xã hội luôn tưởng nhớ đến những mất mát, hy sinh để có chiến thắng đó, trong đó xót xa về nỗi đau của những nạn nhân chất độc da cam. Đây là dịp để cả cộng đồng xã hội chung tay góp sức chia sẻ, xoa dịu nỗi đau da cam, giúp đỡ họ để niềm vui chiến thắng được vẹn tròn hơn./.

Bài và ảnh: Vân Anh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com