Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 47 đơn vị có hoạt động bức xạ, chủ yếu là các cơ sở y tế và các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh chế tác vàng, bạc, đá quý. Đây là một trong những lĩnh vực có yêu cầu nghiêm ngặt về bảo đảm an toàn lao động. Những năm qua, các ngành chức năng đã tăng cường công tác quản lý Nhà nước về sử dụng, chấp hành các quy định pháp luật về an toàn bức xạ ở các đơn vị cơ sở, doanh nghiệp có sử dụng thiết bị bức xạ và hoạt động bức xạ. Do vậy, vấn đề bảo đảm an toàn bức xạ trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, qua đợt thanh tra chuyên đề an toàn bức xạ gần đây của Thanh tra Sở KH và CN đã phát hiện một số cơ sở vi phạm về an toàn bức xạ, ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động. Cụ thể, tại 22 đơn vị được thanh tra đợt vừa qua (gồm 19 đơn vị sử dụng máy X-quang và 3 đơn vị sử dụng máy huỳnh quang phổ kế để xác định tuổi vàng), lực lượng thanh tra chuyên ngành đã phát hiện có 2 đơn vị chưa thực hiện việc khai báo thiết bị bức xạ (máy X-quang) với cơ quan Nhà nước; 16 đơn vị không lập, hoặc lập chưa đầy đủ hồ sơ về an toàn bức xạ; 4 đơn vị không tổ chức đánh giá liều chiếu xạ cá nhân cho các nhân viên bức xạ; 10 đơn vị không có hoặc bố trí không hợp lý biển báo, đèn cảnh báo bức xạ; 12 đơn vị không tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên bức xạ; 4 đơn vị chưa trang bị liều kế cá nhân cho nhân viên bức xạ; 8 đơn vị chưa trang bị bảo hộ cho nhân viên bức xạ và 5 đơn vị chưa thực hiện kiểm tra thiết bị bức xạ theo đúng định kỳ.
Phòng khám Đa khoa 108 Thành phố Nam Định đầu tư thiết bị chụp cắt lớp hiện đại. |
Nhiễm phóng xạ đặc biệt gây nguy hại cho sức khỏe con người. Chất phóng xạ có thể xâm nhập vào cơ thể người qua đường ăn uống, hô hấp và hấp thụ qua da. Tác hại cấp tính khi bị nhiễm xạ sau vài giờ sẽ bị nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, nhiễm độc, rối loạn điện giải dẫn đến truỵ tim mạch và chết; hoặc gây nên nhiều bệnh mãn tính và ác tính nguy hiểm cho nạn nhân như gây tổn thương da, viêm thận mãn tính, viêm loét giác mạc, làm đục nhân mắt, tổn thương các tuyến sinh dục, huỷ diệt tinh trùng, làm rụng tóc, teo da, gây nhiễm độc thai nhi, làm biến đổi gien di truyền. Tiếp xúc liều dưới 100 rems gây bệnh âm ỉ làm tổn thương cơ quan tạo huyết, bạch cầu, tiểu cầu giảm, tuỷ xương bị suy nặng dẫn đến xuất huyết, nhiễm trùng nặng sẽ khiến nạn nhân hôn mê và chết... Không chỉ những người tiếp xúc với nguồn phóng xạ cao mà cả những người tiếp xúc với liều thấp nhưng trong thời gian dài vẫn có nguy cơ bị nhiễm xạ nếu không chấp hành đầy đủ các quy định về bảo đảm an toàn tại khu vực làm việc và thực hiện các biện pháp phòng hộ cá nhân. Chẳng hạn đối với các máy chụp X-quang hay các máy chụp cắt lớp, cộng hưởng từ chỉ phát tia X (tia phóng xạ) khi máy có hoạt động chụp với thời gian khoảng 1/20 giây. Nhưng với những nhân viên làm thường xuyên, nếu lơ là, chủ quan không chấp hành đúng quy định cũng sẽ có nguy cơ bị nhiễm xạ. Chính vì mức độ nguy hiểm đó nên đảm bảo an toàn bức xạ được Pháp lệnh An toàn và kiểm soát bức xạ năm 1996 và Luật Năng lượng nguyên tử hiện nay quy định chặt chẽ nghiêm ngặt. Đối với thiết bị phải được quản lý từ lúc được “khai sinh” đến khi “khai tử”: Sản xuất ở đâu, mua của ai, nếu hết thời hạn sử dụng thì thải ở đâu; trong quá trình hoạt động phải định kỳ kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị, hằng năm báo cáo bằng văn bản về tình trạng an toàn bức xạ tại đơn vị trong thời gian hoạt động… Cấm bố trí cơ sở làm việc có nguồn bức xạ gần khu dân cư, nhà trẻ, trường học, công sở, hoặc phải đặt cuối chiều gió, cuối nguồn nước... Phòng làm việc phải bảo đảm tiêu chuẩn như: khu chụp X-quang tại các cơ sở y tế phải bố trí đủ 4 phòng (gồm phòng chụp, phòng chờ cho người bệnh, phòng làm việc của nhân viên, phòng đặt máy); tường phải đủ độ dày, trát vữa ba-rít, phải được che chắn xung quanh bằng tấm chì, cao su chì; phải có biển báo hiệu, cảnh báo nguy hiểm theo quy định của Nhà nước, nếu có cửa sổ phải bảo đảm không thấp dưới 1,8m; cửa ra vào cũng phải có tấm chì ngăn tia X và phải luôn đóng khi chụp. Thường xuyên tẩy xạ nơi làm việc và các thiết bị. Nhân viên phải sử dụng đầy đủ trang bị phòng hộ cá nhân thích hợp như quần áo, găng tay chì, thiết bị bảo vệ các vị trí nguy hiểm dễ nhiễm xạ... khi làm việc; nhân viên tiếp xúc với nguồn bức xạ phải được tập huấn về ATVSLĐ và phải được cấp chứng chỉ, ngoài khám sức khỏe ban đầu phải được khám sức khoẻ định kỳ 6 tháng một lần và phải có đầy đủ các xét nghiệm có liên quan đến tác hại nghề nghiệp; phải được trang bị liều kế cá nhân để kiểm tra, theo dõi liều chiếu cá nhân liên tục, 3 tháng đọc kết quả một lần. Cơ sở phải có đội cấp cứu tại chỗ khi xảy ra sự cố và phải được tập huấn thường xuyên. Có nhà tắm riêng cho nhân viên tiếp xúc, có chậu giặt và tủ đựng quần áo bảo hộ riêng, tủ dán phoóc-mi-ca để hạn chế bụi bám, cấm ăn, uống, hút thuốc, đùa nghịch trong buồng làm việc. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, nhiều cơ sở có hoạt động bức xạ không bảo đảm đủ các quy định về số lượng phòng, nhân viên làm việc ở bộ phận này vẫn có người chưa được đào tạo, tập huấn. Việc trang bị liều kế cá nhân cho nhân viên, tuy giá thành thiết bị không lớn nhưng việc đọc kết quả hiện rất khó khăn bởi cả nước chỉ có hai đơn vị có khả năng đọc được kết quả này với điều kiện thiết bị do họ cung cấp. Ngoài ra, nhiều nhân viên làm việc ở các phòng chụp X-quang vẫn chủ quan, không sử dụng các trang thiết bị phòng hộ cá nhân khi thao tác, nhất là việc mặc áo chì, đeo găng tay...
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm về an toàn bức xạ trên địa bàn tỉnh hiện nay là do nhận thức và kiến thức chuyên môn cũng như sự hiểu biết pháp luật về an toàn bức xạ của cả người quản lý và nhân viên còn nhiều hạn chế. Do vậy cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định về an toàn bức xạ hạt nhân rộng rãi trong toàn xã hội. Đặc biệt, các cơ quan có hoạt động bức xạ, cơ quan quản lý Nhà nước về lao động ở địa phương, công đoàn các cấp cần quan tâm tuyên truyền, giáo dục và thực hiện đúng các quy định, chế độ chính sách bảo hộ lao động, an toàn sức khỏe cho người lao động làm việc ở lĩnh vực này./.
Bài và ảnh: Vân Anh