Báo chí có vai trò quan trọng làm giảm tai nạn giao thông

04:04, 12/04/2012

Tai nạn giao thông trong quý  I năm nay giảm trên dưới 20% so với cùng kỳ năm ngoái cả về số vụ, số người chết và bị thương. Đây là nỗ lực của tất cả các ngành, các cấp và của mọi người trong quyết tâm giảm thiểu thiệt hại từ tai nạn giao thông. Và với những gì diễn ra trong 3 tháng qua có thể thấy vai trò quan trọng của truyền thông trong việc thực hiện mục tiêu này.

Thông tin về tai nạn giao thông giảm trong quý I được đưa ra tại phiên họp thường kỳ tháng 3 của Chính phủ. Sau phiên họp này, Bộ trưởng Bộ GTVT khẳng định chưa thu phí lưu hành phương tiện cá nhân trong năm nay, để tiếp tục điều chỉnh và lấy ý kiến rộng rãi của các bộ, ngành, địa phương và của nhân dân. Cũng trong thời gian qua, việc đổi giờ làm, giờ học ở các thành phố lớn chưa cho thấy hiệu quả rõ rệt. Việc phân làn, phân tuyến cũng không phải là giải pháp hữu hiệu làm giảm ùn tắc và tai nạn giao thông. Hạ tầng giao thông tại các đô thị và liên tỉnh chưa có cải thiện đáng kể. Trong khi đó, số lượng ô-tô, xe máy được tiêu thụ và đăng ký mới trong quý I vẫn tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái. Thỉnh thoảng lại xảy ra tai nạn đáng tiếc xuất phát từ ý thức chủ quan của người điều khiển phương tiện và tình trạng bất chấp luật giao thông, coi thường tính mạng của chính mình và những người xung quanh,... Đặt tất cả những thông tin vừa rồi bên cạnh nhau để phân tích, thấy rõ nguyên nhân cơ bản làm giảm tai nạn giao thông trong quý I, từ đó phát huy kết quả và thực hiện đồng bộ, quyết liệt trong Năm An toàn giao thông này. Có nhiều cách nhìn nhận, đánh giá khác nhau, nhưng theo chúng tôi, đóng góp đáng kể vào kết quả giảm tai nạn giao thông trong 3 tháng qua có vai trò quan trọng của báo chí, truyền thông.

Chưa bao giờ báo chí, các phương tiện truyền thông đại chúng lại có liều lượng tuyên truyền về an toàn giao thông dày đặc như trong 3 tháng qua. Ngay từ đầu năm là 1 tuần cao điểm, liền tiếp sau đó đến hết tháng 1 là đợt cao điểm đảm bảo an toàn giao thông dịp Tết Nguyên Đán, rồi sau Tết đến bây giờ cũng không giảm liều lượng. Nhiều cơ quan báo chí có kế hoạch dài hạn, mở thêm chuyên mục, chương trình, kênh chuyên đề tuyên truyền về các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, các biện pháp chỉ đạo điều hành của Chính phủ, của các bộ, ngành, địa phương về an toàn giao thông. Nhiều vụ việc, sự kiện, vấn đề được phân tích sâu với nhiều góc nhìn, sự đánh giá khác nhau, qua đó cổ vũ động viên, khuyến khích những giải pháp tích cực, đem lại hiệu quả thiết thực, tạo sự đồng thuận của nhân dân và toàn xã hội; đồng thời góp phần ngăn chặn kịp thời những biểu hiện tiêu cực, hạn chế trong việc thực thi pháp luật về an toàn giao thông, về xây dựng và vận hành các công trình hạ tầng giao thông, giúp các cơ quan chức năng và đơn vị liên quan kịp thời rút kinh nghiệm khắc phục sai sót. Cùng với báo chí còn có các kênh, các sản phẩm truyền thông đại chúng khác như pa nô, áp phích, tờ rơi, băng rôn, khẩu hiệu, các triển lãm tranh ảnh, các hội thi của các địa phương, cơ quan, đoàn thể, các cuộc vận động sáng tác âm nhạc, phim ảnh, văn học nghệ thuật về an toàn giao thông,...
Các hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú được thực hiện trên nhiều loại hình truyền thông, kênh truyền thông khác nhau là phương thức hữu hiệu nhất để phổ biến kịp thời kiến thức về pháp luật, nâng cao ý thức của từng người và của mọi đối tượng trong việc chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Dễ thấy hiệu quả nhất trong lĩnh vực đường bộ là thông tin về tình trạng thời tiết, mức độ an toàn và mật độ, khả năng ùn tắc trên từng tuyến đường, giao lộ; rồi việc phòng chống uống rượu bia, việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông xe máy. Đối với đường sắt là những quy tắc an toàn khi vượt qua đường sắt. Đối với đường thuỷ nội địa là các quy định về an toàn trong hoạt động chở khách du lịch, chở khách ngang sông, vận động người đi đò mặc áo phao hoặc sử dụng dụng cụ nổi cá nhân,... Nhiều người bây giờ khi tham gia giao thông nếu như không nói với nhau về văn hóa giao thông vì sợ rộng và khó hiểu, thì đã nói với nhau về đạo đức giao thông. Ý thức, đạo đức hay văn hóa giao thông thực ra không phải là điều gì xa lạ mà bắt đầu từ những việc nhỏ như vừa kể mà thôi.

Phân tích như vậy để thấy rõ vai trò quan trọng của truyền thông góp phần làm giảm tai nạn giao thông trong quý I vừa qua. Thực tiễn cho thấy, với khả năng tác động vào ý thức, thái độ của từng người và của mọi đối tượng, thông tin - truyền thông về an toàn giao thông là công việc cần thực hiện thường xuyên, liên tục, không ngưng nghỉ. Thông tin - truyền thông cần đồng hành với tất cả các giải pháp đồng bộ khác nhằm lập lại trật tự an toàn giao thông./.

Theo: daidoanket.vn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com