Năm 2007, tôi vinh dự được cơ quan cử tham gia cùng đoàn báo chí toàn quốc ra tìm hiểu để tuyên truyền về quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa). Đêm đầu tiên nghỉ lại đảo Nam Yết, chúng tôi có dịp làm quen với những công binh và dân sự ra xây dựng những công trình trên đảo. Bất ngờ giữa đảo khơi xa xôi, tôi được gặp đồng hương Nam Định là tốp thợ làng Bỉnh Di, xã Giao Thịnh (Giao Thủy). Các anh tự hào cho biết, dấu chân người làng Bỉnh Di đã in khắp các đảo nổi, đảo chìm của quần đảo Trường Sa. Công trình biển mốc chủ quyền, các nhà công vụ tại đảo Nam Yết có bàn tay của những người thợ Bỉnh Di góp sức.
Làng Bỉnh Di hôm nay đang trên đà phát triển với những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, đường dong, ngõ xóm đều đổ bê tông, cửa hàng, cửa hiệu mọc lên như phố thị. Tìm tới nhà những người tôi gặp năm xưa trên đảo Nam Yết, các anh đều không có nhà. Có người đã ra đảo đợt vừa rồi, một số khác đi làm nghề xây dựng ở khắp nơi. Chúng tôi tìm đến nhà vợ chồng anh Hương chị Cúc ở xóm 6. Cách đây chừng 1 tháng, anh Hương dẫn một tổ xây dựng ra quần đảo Trường Sa. Được biết, bố anh Hương là ông Điểu cũng đã ra đảo nhiều lần. Từ hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhờ thu nhập từ làm việc ngoài đảo nên mấy năm gần đây kinh tế của gia đình anh Hương đã khá hơn. Cứ về nhà vài hôm, nhận được yêu cầu của đơn vị công binh là anh lại lên đường. Cùng với tổ xây dựng của anh Hương, trong dịp cuối năm Tân Mão, đầu năm Nhâm Thìn 2012, làng còn có thêm 2 tổ xây dựng nữa lên đường ra đảo với tổng cộng khoảng 50 người. Có gia đình đi cả 2 anh em, có gia đình cả cha và con lên đường. Ông Nguyễn Ngọc Phóng, xóm trưởng xóm 6 cho biết: Làng Bỉnh Di gồm các xóm 4, 5, 6 của xã Giao Thịnh, có khoảng 500 hộ gia đình với trên 1.700 khẩu. Người dân Bỉnh Di đi xây đảo Trường Sa thì có tới hàng trăm người, chủ yếu đi làm theo tính chất dân sự, lao động phổ thông. Ra đảo, người làm mộc, người làm nề, khai thác đá, bốc vác… Các tổ xây dựng đi dăm ba tháng, xong việc lại về quê làm việc xây dựng quanh xã hoặc đi khắp nơi trong, ngoài tỉnh. Có người đi làm việc ở quần đảo Trường Sa vài lần, thuộc như lòng bàn tay các đảo nổi, đảo chìm. Ở làng Bỉnh Di, đi làm việc trên đảo là sự kiện đặc biệt. Những người thợ đều phải trải qua cuộc kiểm tra sức khỏe, sơ yếu lý lịch, đạo đức mới được các đơn vị tuyển chấp nhận. Trước hôm lên đường, nhà những người thợ chật kín họ hàng, bà con chòm xóm đến chơi, chúc sức khỏe. Không khí hồ hởi, phấn khởi chẳng khác với ngày hội tòng quân lên đường nhập ngũ (!).
Hành trình đến với những công trình tại các đảo trong quần đảo Trường Sa của người Bỉnh Di gắn liền với Thiếu tướng Hoàng Kiền, người con ưu tú của quê hương, ông đã về làng tuyển thợ. Ông Nguyễn Ngọc Phóng nhớ lại:
Những năm 1988-1990, khi cả nước phát động phong trào vì Trường Sa, “tôn nền Tổ quốc”, đồng chí Hoàng Kiền khi đó đang là chỉ huy trưởng một đơn vị công binh Hải quân chuyên nhiệm vụ xây dựng đảo Trường Sa đã về quê tuyển thợ có tay nghề cao. Nghe đồng chí Kiền kể chuyện cuộc sống của cán bộ, chiến sỹ Hải quân ngoài đảo khơi khó khăn, thiếu thốn, vất vả, nguy hiểm ra sao, rồi việc xây đảo có ý nghĩa quan trọng như thế nào... khiến dân làng cảm động. Rất nhiều người sau đó đã đăng ký xin đi Trường Sa. Nhưng chỉ có 7 người ra quần đảo đợt ấy, trong đó có ông Biền, ông Diện ở xóm 6, ông Hoàn ở xóm 5 đều là những người thợ giỏi nhất làng. Vốn quen cuộc sống trên cạn, nay phải trải qua hành trình vào Nam, từ đó đi tàu ra đảo, các ông phải trải qua quãng hành trình đầy vất vả, gian lao, trải qua những trận say sóng nôn ra “mật xanh, mật vàng” mới đến đảo Nam Yết. Tại đây, các ông và những người thợ công binh đã xây dựng các công trình như khu nhà 2 tầng, cột mốc chủ quyền đảo… Sự vất vả của những người thợ xây đảo, trong hồi ký của Thiếu tướng Hoàng Kiền có ghi: “Thi công các công trình trọng yếu trên các tuyến đảo Trường Sa trong điều kiện khó khăn của những năm 80, 90 của thế kỷ XX thật chẳng dễ dàng gì. Nước biển mặn, lại luôn có sóng to, gió lớn gây nguy hại tính mạng của bộ đội, người thợ, độ bền của các công trình… Có những công trình đã in đậm dấu ấn bàn tay, khối óc của người xây đảo. Đó là công trình mở luồng đá lớn, công trình chống xói lở, quy hoạch đảo nổi…”. Bên cạnh đó còn là sự khó khăn do thiếu nước ngọt, rau xanh. Vượt lên khó khăn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng, bằng tình cảm, lòng tự hào dân tộc, sự đoàn kết trong gian khó, những người thợ Bỉnh Di cùng với lực lượng công binh đã hoàn thành nhiệm vụ. Sau 3 tháng ăn, ở, làm việc trên đảo, nhóm thợ trở về quê trong ba lô đầy vỏ trai, con ốc và đôi vỏ đạn 12,7 ly làm kỷ niệm.
Bây giờ có tổ chức một cuộc thi tìm hiểu về quần đảo Trường Sa, chắc người làng Bỉnh Di chiếm nhiều giải cao, nhiều người trong làng đã nói vui như vậy. Điều đó không sai! Bởi với hàng trăm người từng đi lại nhiều lần trên đảo thân yêu của Tổ quốc, lớp nọ nối tiếp lớp kia lên đường ra đảo khi các đơn vị quân sự có yêu cầu. Và không biết từ bao giờ, quần đảo Trường Sa đã trở thành mảnh đất thứ 2 của dân làng Bỉnh Di. Cứ có tin biển động, có tin các tàu nước ngoài vi phạm chủ quyền khu vực quần đảo Trường Sa… người dân trong làng lại dấy lên bao tình cảm nhớ thương./.
Đức Thiện