Lực lượng Cảnh sát PCCC (Công an tỉnh) phối hợp với Cty Điện lực Nam Định tổ chức diễn tập chữa cháy tại trạm 110kV Mỹ Lộc. Ảnh: Xuân Thu |
Chợ Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) được xây dựng từ đầu thập kỷ 90, đến nay đã khai thác sử dụng gần 20 năm. Những năm qua, quy mô chợ ngày càng mở rộng với hoạt động kinh doanh sôi động. Cùng với việc quản lý chặt chẽ về kinh doanh, đảm bảo ANTT, UBND thị trấn và ban quản lý chợ đã quan tâm đến công tác bảo đảm an toàn về PCCC như: thường xuyên kiểm tra việc thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn về PCCC, nhắc nhở các hộ kinh doanh không thắp hương thờ cúng, đun nấu, sinh hoạt trong các ki-ốt, ngắt toàn bộ hệ thống điện khi ra về. Hệ thống điện cung cấp cho các hộ kinh doanh trong chợ đã được cải tạo, giao cho một người quản lý chung, có cầu giao, át-tô-mát bảo vệ tổng thể và từng hộ kinh doanh, không cho các hộ tự ý đấu nối kéo điện từ ngoài vào, không sử dụng các thiết bị điện có công suất lớn. Ban quản lý chợ đã lập hồ sơ quản lý theo dõi công tác PCCC; kiện toàn và tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng PCCC cơ sở. Duy trì thường xuyên công tác tuần tra canh gác bảo vệ chợ vào ban đêm và các ngày nghỉ. Tuy nhiên công tác bảo đảm an toàn PCCC tại chợ Thị trấn Cổ Lễ vẫn còn tồn tại nhiều nguy cơ mất an toàn. Đến nay, ban quản lý chợ chưa thành lập ban chỉ đạo PCCC, chưa ban hành nội quy an toàn PCCC và các quy định đối với các hộ kinh doanh. Hồ sơ quản lý công tác an toàn PCCC tuy đã được thiết lập nhưng sơ sài, không đầy đủ theo quy định của Thông tư số 04/2004/TT-BCA ngày 31-3-2004 của Bộ Công an. Đặc biệt việc bố trí, sắp xếp các gian hàng trong chợ thiếu khoa học, các gian hàng sát nhau không có tường ngăn giữa các khu vực và các quầy bán hàng; các hộ kinh doanh bày hàng hóa tràn lan lấn chiếm hết lối đi, lối thoát nạn. Trên các mái ki-ốt các hộ sử dụng bạt, nilon, phên nứa che chắn lẫn lộn tạo điều kiện gây cháy lan khi phát sinh cháy. Đáng lo ngại nhất là trong trung tâm chợ lại có 16 gia đình được cấp đất làm nhà ở kiên cố, sinh hoạt, buôn bán tại chỗ, tiềm ẩn các yếu tố gây cháy. Chợ nằm liền kề khu dân cư nên hầu hết hộ dân ở đây đều cơi nới mở hàng quán với các vật liệu tạm bợ dễ cháy. Ở nhiều ki-ốt bán quần áo, các bảng điện, ổ điện đều không được che chắn cách ly với các chất dễ cháy, thậm chí quần áo, hàng hóa bày che lấp bảng điện. Hệ thống dây dẫn không có ống gen bảo vệ dễ phát sinh va chạm, chập điện khi bị tác động ngoại cảnh như đứt, hở lõi dây, chuột cắn, dây ải mục do dùng lâu ngày... Khu vực chợ không có nguồn nước phục vụ chữa cháy; xung quanh chợ tuy có ao hồ nhưng xe chữa cháy lại không thể tiếp cận để lấy nước, các đường giao thông quanh chợ phục vụ chữa cháy hẹp lại bị các hộ kinh doanh lấn chiếm cản trở hoạt động của phương tiện trong tình huống khẩn cấp. Chợ tuy đã trang bị bình chữa cháy tại chỗ nhưng thiếu cả về số lượng và chủng loại.
Từ năm 2010 đến nay, cơ quan cảnh sát PCCC đã 7 lần tiến hành kiểm tra công tác bảo đảm an toàn PCCC của chợ Thị trấn Cổ Lễ và kiến nghị UBND huyện Trực Ninh, Thị trấn Cổ Lễ và Ban quản lý chợ khẩn trương thực hiện các biện pháp khắc phục ngay nhưng đến nay vẫn chưa có chuyển biến. Những vụ cháy các chợ lớn được xây dựng kiên cố, hiện đại ở nhiều địa phương trên cả nước xảy ra liên tiếp trong thời gian qua gây thiệt hại nghiêm trọng cho các hộ kinh doanh, tiểu thương càng cho thấy vấn đề bảo đảm an toàn PCCC đối với các chợ là rất cấp bách. UBND huyện Trực Ninh, Thị trấn Cổ Lễ và Ban quản lý chợ cần khẩn trương triển khai các biện pháp khắc phục ngay các nguy cơ mất an toàn cháy nổ trong khu vực chợ Cổ Lễ, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân và các hộ kinh doanh, nhất là khi mùa nắng nóng sắp đến./.
Vân Anh