Vấn đề nộp lệ phí nói chung và lệ phí trong giao thông xưa nay cũng là chuyện bình thường. Thế nhưng, chưa bao giờ vấn đề lệ phí giao thông lại “nóng sốt” như hiện nay. Bởi chưa bao giờ người dân phải gánh và tương lai sẽ phải gánh nhiều các loại lệ phí, nhất là lệ phí giao thông như hiện nay. Còn nhớ vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi con đường cao cấp Thăng Long - Nội Bài đưa vào sử dụng, ngày 15-3-1994, Bộ GTVT có Quyết định 384 thành lập Trạm lâm quản và thu phí cầu đường Thăng Long - Nội Bài.
Ba tháng sau, ngày 8-7-1994, Liên Bộ GTVT - Tài chính mới có Thông tư liên tịch 59 hướng dẫn quy định chế độ thu, quản lý và sử dụng tiền thu phí sử dụng đường Thăng Long - Nội Bài. Dù mới chỉ phải chịu một loại phí đi đường “cao tốc” này, cũng đã lắm ý kiến và nhiều người dân đã không lấy gì làm vui. Không hẳn người dân đã quá quen với một thời bao cấp, đi đường Nhà nước, mua gạo Nhà nước, đi xe đều của Nhà nước, có chăng chỉ bỏ chút “phí” như mua vé đi xe tàu, qua cầu, phà... mà có người “lý” rằng tất cả hạ tầng xã hội đều đã “gói” vào thuế của dân. Tuy nhiên, với việc đổi mới cách làm, xoá bỏ cơ chế bao cấp, người dân rồi cũng hiểu và cũng vui vẻ móc hầu bao nộp “phí” để đi đường “loại sang” này.
Thế nhưng, sau gần 20 năm, cùng với những thành quả của đổi mới, sự phát triển của xã hội thì đây đó cũng còn nhiều những bất cập, cần xem xét lại. Cũng như nhiều quyết sách đưa ra cần được thảo luận, bàn bạc cho kỹ để đảm bảo hơn tính công bằng xã hội, quyền lợi hợp pháp của người dân.
Chuyện rằng, nếu những năm 90 thế kỷ trước, một người dân có xe máy, ô tô, ngoài các khoản nộp thuế khi mua, khi ra đường chỉ phải chịu phí khi đi qua cầu, đi đường hạng sang, thì tới đây, người ta đã và sẽ phải chịu rất nhiều loại phí. Nếu từ 1-6-2012, ô tô, xe máy phải đóng phí bảo trì đường bộ, hay phí lưu hành phương tiện thì như ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam thống kê, ô tô, xe máy phải chịu tới 9 loại phí: phí trước bạ, phí đăng ký cấp biển số, phí xăng dầu 1.000 đồng/lít, phí bình ổn giá xăng dầu 500 đồng/lít, đăng kiểm, bảo hiểm, phí bảo trì đường bộ, phí lưu hành phương tiện, phí đi vào trung tâm trong giờ cao điểm. Một người có ô tô, mỗi năm có thể phải nộp từ 50-70 triệu đồng tiền phí. Một lượng tiền quá sức và với nhiều người cho rằng “rất vô lý”.
Trong những loại phí gây xôn xao dư luận nhất đang được Bộ GTVT trình Chính phủ thông qua là phí bảo trì đường bộ, lưu hành xe, phí đi vào trung tâm... Theo Dự thảo nghị định Quỹ bảo trì đường bộ, thì mỗi đầu xe con sẽ phải nộp khoảng 100USD/năm (tương đương 100 đồng/km, 180.000 đồng/tháng); xe tải từ 18 tấn khoảng 1,4 triệu/tháng; mỗi năm một xe gắn máy phải chịu 80.000 đồng, xe dung tích 70-100cm3 là 100.000 đồng, trên 150cm3 là 150.000 đồng. Mức thu dự kiến đối với xe ô tô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm (miễn xe buýt và xe công) dự kiến xe đến 7 chỗ trở xuống là 30.000 đồng/xe; các xe còn lại 50.000 đồng/xe. Với phí lưu hành xe ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống (kể cả ô tô vừa chở người, chở hàng), dung tích xi lanh 2.000cm3 trở xuống mức phí cũng phải 20 triệu đồng/năm; dung tích trên 2.000-3.000cm3 phí 30 triệu đồng/năm; dung tích trên 3.000cm3 phí 50 triệu đồng/năm. Tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ xe máy dung tích dưới 175cm3 nộp phí 500.000 đồng; xe máy trên 175cm3 nộp phí 1 triệu đồng/năm...
Mặc dù Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ, và như dự kiến tháng 6 tới ban hành. Thế nhưng như ý kiến của Bộ Tài chính, cơ quan chủ trì soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật ban hành về các loại “phí” này thì lại cho rằng chưa nhận được đề án. Trong khi ý kiến người dân cũng còn lắm băn khoăn. Đành rằng, thu phí của dân cho Quỹ bảo trì đường bộ là cần thiết và có được số tiền khoảng 6.000 tỷ đồng mỗi năm. Nhưng trong thời điểm khó khăn hiện nay, khi người dân đang phải gánh đủ loại phí, giá cả lạm phát, kinh tế khó khăn thì không nên đưa thêm gánh nặng cho dân, chưa nói đến chuyện khi thực hiện liệu có công bằng.
Mục tiêu của các nhà quản lý, có lẽ trước hết là giảm tải phương tiện giao thông cá nhân, nhất là ô tô, để giảm ùn tắc giao thông. Như việc thu phí vào trung tâm thành phố, có thể gọi là thu phí kẹt xe nhiều nước ngoài đã làm từ lâu. William Vickrey (Giáo sư Đại học Columbia; được giải Nobel Kinh tế năm 1996) là người đầu tiên đề xuất ý tưởng này cho New York vào năm 1952. Và từ năm 1975, Singapore là thành phố đầu tiên trên thế giới áp dụng. Thành phố Stockholm (Thụy Điển) bắt đầu thử nghiệm từ ngày 3-1-2006 đến 31-7-2006 và chính thức áp dụng thu phí xe vào trung tâm từ 1-8-2007. Thu phí kiểu này cũng được áp dụng tại London (Anh) từ năm 2003 và được áp dụng mức phí khá nặng. Theo khảo sát thì trong những thời kỳ đầu tiên, việc thu phí cũng đã làm giảm mật độ xe vào trung tâm, tăng số khách đi xe công cộng... Tuy nhiên cũng lại những khảo sát tại các quốc gia này cho thấy, hiệu quả không như mong đợi, việc thu phí làm ảnh hưởng lớn đến những người dân lao động nghèo, không hiệu quả về mặt kinh tế... Nếu việc áp dụng trong điều kiện Việt Nam, rất cần thiết phải nhanh chóng đầu tư vào hệ thống giao thông công cộng, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Việc đề ra các loại phí, mức phí cũng rất cần được cân nhắc kỹ lưỡng, từ thời điểm cho đến chủng loại. Đặc biệt cần phải mang lại hiệu quả, phục vụ cho lợi ích của số đông trong xã hội. Bên cạnh đó, nếu như buộc người dân phải nộp phí như phí lưu hành xe hằng năm thì rõ ràng đây đã lại thêm một loại thuế mới. Trong khi đó, các phương tiện giao thông công cộng hiện chưa thể đáp ứng nhu cầu cũng như yêu cầu của người dân. Người dân chưa thể trông cậy vào các phương tiện giao thông công cộng. Người có xe ô tô riêng sẵn sàng bỏ tiền để đi vào trung tâm. Và như vậy, việc tăng nhiều loại phí, như thu phí lưu hành xe, nhất là xe máy cuối cùng chỉ tăng thêm gánh nặng cho dân, nhất là dân nghèo./.
Theo: daidoanket.vn