Kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) năm 2012, Bộ GD và ĐT dự kiến điều chỉnh một số nội dung cùng với việc các trường ĐH, CĐ sớm công bố kế hoạch, chỉ tiêu tuyển sinh đang là mối quan tâm của hàng triệu học sinh, phụ huynh cả nước chuẩn bị cho kỳ thi năm nay. Nhất là việc thí sinh làm sao để lựa chọn thi tuyển đúng ngành, đúng nghề, đúng khả năng học tập, sở trường nhằm tăng cơ hội trúng tuyển, học tập và cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.
Tham dự các ngày hội tư vấn tuyển sinh để định hướng nghề nghiệp. Ảnh: PV |
Thực tế công tác thi, tuyển sinh những năm gần đây cho thấy việc lựa chọn ngành, nghề của thí sinh có nhiều biến động, hạn chế. Đáng chú ý, thí sinh đăng ký dự thi vào các ngành, nghề chưa theo định hướng phát triển nhân lực đất nước, chưa phù hợp với đòi hỏi nhân lực của các lĩnh vực, ngành, nghề, vùng miền. Một số khối như: khoa học xã hội, nông - lâm - ngư nghiệp có nhu cầu nhân lực lớn nhưng liên tục trong tình trạng "khát" hồ sơ; trong khi khối ngành kinh tế, tài chính... lại rơi vào "quá tải". Điều đó dẫn đến tình trạng nhiều thí sinh dự thi đạt từ điểm sàn trở lên có nhu cầu nhưng không thể đi học, trong khi nhiều ngành, nghề lại tuyển không đủ chỉ tiêu, ảnh hưởng không nhỏ đến việc cung ứng nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Vấn đề mất cân đối trong lựa chọn ngành, nghề thi, tuyển sinh những năm gần đây do nhiều nguyên nhân, trong đó, một số ngành, thậm chí cả một số trường không tuyển được sinh viên là do chất lượng đào tạo kém. Mặt khác, tình trạng thí sinh chạy theo phong trào đăng ký các ngành, nghề được gọi là "thời thượng" mà không tính đến yếu tố trình độ, năng lực học tập của mình cũng như cơ hội việc làm sau khi ra trường còn diễn ra phổ biến.
Vì vậy, để bảo đảm nguồn nhân lực cho các ngành, nghề cũng như tăng cơ hội trúng tuyển, học tập, việc làm cho các thí sinh, ngành GD và ĐT nói chung, các cơ sở đào tạo nói riêng cần đánh giá đúng nhu cầu xã hội cần gì để định hướng đào tạo; chuyển từ đào tạo những gì mình có sang đào tạo những gì xã hội cần. Không nên mở ngành thiếu định hướng và thiếu tính hệ thống, khảo sát, đánh giá nhu cầu. Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch Phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020, đó là tiền đề quan trọng cho việc đổi mới tuyển sinh và đào tạo nhân lực. Các cơ sở đào tạo từ chỗ chưa xác định được nhu cầu xã hội để đào tạo thì đến nay trên cơ sở quy hoạch sẽ đào tạo theo dự báo cụ thể nhu cầu nhân lực của từng ngành, vùng, miền, địa phương.
Ở khía cạnh khác, ngay từ bậc học phổ thông, ngành GD và ĐT cần có định hướng và thực hiện tốt hai nhiệm vụ giảng dạy và hướng nghiệp. Thí sinh và các bậc phụ huynh không nên chạy đua theo phong trào, đăng ký vào các ngành được coi là "thời thượng". Cần hiểu rõ về nghề mà mình định chọn; tìm một phương pháp học phù hợp, tự tin vào sự lựa chọn tương lai của mình. Khi đăng ký dự thi, cùng với việc xem kỹ chỉ tiêu của từng trường, ngành và điểm chuẩn năm trước, thí sinh nên chọn thi theo đúng năng lực của mình thì khả năng trúng tuyển sẽ cao hơn. Cần hiểu, mỗi ngành, nghề đào tạo đều có vị trí, vai trò nhất định trong xã hội. Cơ hội việc làm phụ thuộc rất nhiều vào chính người học chứ không phụ thuộc hoàn toàn vào các trường đào tạo ngành, nghề đó. Nếu thí sinh đã thi đỗ rồi mà học chểnh mảng, không chịu khó, năng động thì sẽ không nắm vững kiến thức chuyên môn dẫn đến kết quả học tập thấp và cơ hội được tuyển dụng cũng sẽ thấp hơn so với những sinh viên tích cực học tập... Điều đó mới là điều kiện quan trọng đáp ứng nhu cầu học tập cho các thí sinh, đồng thời bảo đảm phát triển cân đối, bố trí nguồn nhân lực hài hòa giữa các nhóm ngành, nghề và giữa các vùng, miền./.
Theo: nhandan.com.vn