Chọn năm đẹp để sinh con: Áp lực cho xã hội 

02:03, 01/03/2012

Hiện nay, nhiều cặp vợ chồng trẻ tính toán rất kỹ lưỡng với mong muốn ngày sinh, tháng đẻ của con là năm đẹp, giờ tốt. Vào những năm được coi là đẹp gần đây như năm Canh Thìn 2000, năm Quý Mùi 2003, năm Đinh Hợi 2007… số trẻ sơ sinh ra đời tăng đột biến. Theo số liệu thống kê, năm Quý Mùi 2003, số trẻ sơ sinh tăng tới 10%, năm 2007 con số này tăng trên 5%. Và năm “Rồng vàng” 2012 này được dự báo là năm nhiều cặp vợ chồng trẻ lựa chọn để sinh con. Chỉ trong tháng đầu tiên của năm 2012, cả nước đã có trên 14 nghìn trẻ sơ sinh ra đời, tăng trên 7% so với cùng kỳ năm trước.

Niềm hạnh phúc trẻ thơ.
Niềm hạnh phúc trẻ thơ.

Tại Bệnh viện Phụ sản tỉnh, từ đầu giờ sáng hằng ngày, ở các Khoa sản I, Khoa sản II, khu điều trị tự nguyện đều chật kín bệnh nhân dù đầu năm chưa phải là thời gian cao điểm. Có ngày, bệnh viện đón tới 30 trẻ sơ sinh chào đời, các y bác sỹ khoa đỡ đẻ phải làm việc hết công suất. Có nhiều lý do để các cặp vợ chồng lựa chọn để sinh con vào năm Nhâm Thìn như điều kiện kinh tế, sức khoẻ, tuổi tác nhưng có một nguyên nhân sâu xa ai cũng ngầm hiểu, đó là muốn sinh con vào năm “đẹp” cho “giàu sang phú quý!”. Chị Nguyễn Thị Mai, 34 tuổi ở huyện Nam Trực đang ngồi chờ khám thai cho biết: Chị đã có một con gái năm nay 10 tuổi, năm ngoái định sinh thêm một bé nữa nhưng nghe nói năm nay đẹp hơn nên vợ chồng quyết định để đến năm nay mới sinh. Nếu được thằng cu thì càng tốt vì “trai Đinh, Nhâm, Quý thì tài” mà (!). Với nhiều cặp vợ chồng trẻ mới cưới, có con là niềm hạnh phúc, là sự mong chờ của cả gia đình nhưng do kén chọn ngày sinh, tháng đẻ nên cố “nhịn” đến năm đẹp mới sinh con. Chị Thanh, giáo viên một trường đại học ở Thành phố Nam Định cho biết, vợ chồng chị lấy nhau năm 2009, dự định sinh con vào năm Canh Dần 2010 nhưng các cụ 2 bên phản đối vì sợ tuổi Dần cao số nếu sinh con gái nên đến năm “Rồng vàng” mới sinh con. Vợ chồng chị đã phải mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc để theo đuổi sự hướng dẫn của một bác sỹ sản có “tiếng” của thành phố với mong muốn sinh được “quý tử”. Không chỉ chọn năm đẹp, nhiều sản phụ còn tình nguyện chọn giải pháp mổ đẻ để cho con ra đời vào đúng ngày đẹp, giờ đẹp với mong ước “giàu sang, phú quý” khiến phòng mổ lại trở nên quá tải vào những thời điểm được coi là “ngày đẹp, giờ đẹp”.

Có một thực tế, sự thay đổi đột biến về dân số và những năm được coi là đẹp đã và đang tạo ra rất nhiều áp lực về y tế, giáo dục và các vấn đề an sinh xã hội. Vô tình, các bậc cha mẹ đã đặt con mình vào cuộc cạnh tranh khó khăn trong cuộc sống mà phải những người trong cuộc mới thấu hiểu. Cô giáo hiệu trưởng một trường tiểu học của Thành phố Nam Định cho biết, vào những năm đón các em sinh năm 2000, 2003 và sắp tới là 2007, nhà trường luôn phải chuẩn bị tinh thần để tăng thêm lớp, tăng thêm giáo viên và tăng thêm sỹ số học sinh mỗi lớp để đáp ứng nhu cầu học tập của các em. Bình thường, theo quy định của Bộ GD và ĐT, mỗi lớp học cấp tiểu học là 30-35 học sinh nhưng hầu hết các trường tiểu học trên địa bàn Thành phố Nam Định, khối lớp 3 của năm học này đều quá tải với sỹ số bình quân 45-50 học sinh. Một bàn học dành cho 2 học sinh, 3 em phải ngồi chung khiến các em rất vất vả, gò bó khi ngồi học. Không những thế, càng lớn lên, các em càng chịu nhiều áp lực khi phải cạnh tranh để vào THCS, THPT và vào đại học, chịu nhiều áp lực về nhà ở, việc làm và các vấn đề xã hội khác… Xu thế chọn năm đẹp để sinh con không chỉ là lựa chọn của các cặp vợ chồng ở thành phố mà lan cả về các vùng quê, nhiều gia đình đã có 2 con nhưng vẫn thích có thêm con cho nhiều “lộc”, nhất là những gia đình sinh con 1 bề khiến cho tỷ lệ sinh con thứ 3 vào những năm đó tăng đột biến, công tác dân số - KHHGĐ gặp nhiều khó khăn, quy mô dân số có nguy cơ bị phá vỡ…

Một câu hỏi đặt ra là liệu những đứa trẻ sinh ra vào năm đẹp, ngày đẹp có thực sự trở thành “nhân tài” như kỳ vọng của các bậc cha mẹ? Cô giáo Trần Mai, giáo viên Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái (TP Nam Định) cho biết, hơn 30 năm làm công tác chủ nhiệm, năm nào trong lớp cô cũng có những em học khá, có em học yếu, có em chăm chỉ nhưng lại có những em rất lười học. Vấn đề không phải cứ sinh năm đẹp là sẽ thành người tài, quan trọng là sự phối hợp giáo dục của gia đình, nhà trường để các em trở thành con ngoan, trò giỏi, người công dân có ích cho xã hội. Không nên quá tin vào những điều không có căn cứ như vậy để đẩy con em mình phải gánh chịu những áp lực không đáng có. Còn theo nghiên cứu của Tiến sỹ Nguyễn Phúc Giác Hải, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người về ngày sinh, tháng đẻ của 240 danh nhân thế giới cho thấy, can chi nào cũng có người tài và ông đúc kết: Hãy để trẻ sinh ra theo quy luật của tự nhiên và làm những gì phù hợp nhất với mình. “Hào kiệt đời nào cũng có”, điều quan trọng là dù tuổi nào thì cũng phải làm việc hết mình mới mong đạt được thành công!

Bài và ảnh: Hoài Phương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com