Bao giờ hướng nghiệp hết lệch?

03:03, 22/03/2012

Việc lựa chọn ngành nghề phù hợp, đúng đắn đối với mỗi thí sinh trước ngưỡng cửa ĐH làm tăng cơ hội đầu vào và còn hứa hẹn tương lai sáng lạn. Gần đây, hoạt động tư vấn mùa thi luôn mở ra những định hướng ngành nghề, cập nhật cho thí sinh nhiều thông tin quan trọng. Nhưng, trên thực tế một số thí sinh khi làm hồ sơ lựa chọn ngành nghề vẫn chỉ dựa vào cảm tính, xu hướng ngành học "hot”, có thu nhập cao khi ra trường.

Thẳng thắn nhìn vào công tác tư vấn tuyển sinh thì hầu như sinh viên chỉ được tiếp nhận kỹ thuật làm hồ sơ, kỹ năng làm bài, thông tin ngành nghề nào ra trường lương cao, dễ xin việc… Nhưng hầu hết những thông tin này không có tính dự báo lâu dài, chỉ đơn thuần phản ánh thực trạng các trường, các địa phương. Còn nếu, sau 4-5 năm học, xã hội đã quá nhiều thay đổi, liệu người học cứ đổ xô vào các ngành nghề "hot” như kinh tế, ngân hàng, tài chính, kế toán và tạo nên sự bão hoà, dư thừa thì có còn dễ xin việc? Chừng 15 năm trước, những ngành trọng điểm như "Nhất y, nhì dược...” luôn thu hút thí sinh, thì hiện đã trở nên khó xin việc, nhiều bác sĩ được đào tạo nhiều năm vẫn phải chấp nhận là bác sĩ thôn bản tại vùng sâu, vùng xa. Hơn mười năm trước, ngành sư phạm thu hút đông đảo thí sinh bởi được miễn học phí, được bố trí công việc khi tốt nghiệp, thì nay đã tụt dốc thảm hại với đồng lương còm cõi và khó xin việc.

Tại cuộc giao lưu trực tuyến đối thoại với nhân dân vừa qua của Bộ trưởng Bộ GD và ĐT Phạm Vũ Luận, có độc giả đã nêu câu hỏi "phải chăng công tác hướng nghiệp, định hướng ngành nghề của Việt Nam rất kém”. Tuy không nhận được câu trả lời rõ ràng từ người đứng đầu ngành giáo dục, nhưng có thể thấy, công tác định hướng này khá mờ nhạt, không có căn cứ cụ thể vào điều tra xã hội học nào để tìm ra nhu cầu các địa phương cần gì, xã hội cần gì, nguyên nhân và giải pháp lệch lạc ngành nghề.

Thông tin từ Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD và ĐT ) cho thấy, năm học này cả nước có 248/416 trường, đạt tỉ lệ 59,62% các trường tuyển sinh một trong bốn ngành gồm kinh tế, quản trị kinh doanh, tài chính-ngân hàng, kế toán. Trong 3 năm qua, tỉ lệ thí sinh đăng ký các ngành trên chiếm 41%. Nếu con số này (hiện đang tăng) vượt quá 50%, thì chắc chắn sau 4 năm nữa, cử nhân ra trường sẽ rất khó xin việc. Điều này buộc Bộ GD và ĐT đưa biện pháp khống chế chỉ tiêu đầu vào ngành kinh tế - tài chính - ngân hàng của các trường ĐH năm 2012 xuống 184.300 chỉ tiêu (trong tổng số 576.000 chỉ tiêu ĐH-CĐ). Mục đích hạ sự quá tải ngành học này xuống 32%.

Đó là sự cảnh báo đầu tiên của xu hướng thoái trào các ngành học mũi nhọn có nguy cơ dư thừa gây lệch lạc nguồn nhân lực. Một trong những nguyên nhân khiến người học đi trái ngành nghề cũng do hình thức xét tuyển các nguyện vọng (NV). Không ít thí sinh trượt NV1, đã chấp nhận "canh bạc” may rủi lao đơn NV2, NV3 vào các ngành, các trường khác nhau mà không hiểu rõ khi học ra sẽ làm gì! Kỳ tuyển sinh năm nay, Bộ GD và ĐT đã bỏ hình thức xét NV này vì lỗi thời. Hy vọng, Bộ GD và ĐT sẽ phải đưa ra nhiều giải pháp căn cơ hơn trong hướng nghiệp, đặc biệt có điều tra xã hội cụ thể. Không thể cứ áp dụng thí điểm hết giải pháp này đến giải pháp khác, khi lỗi thời thì mới bỏ. Hệ luỵ của cách làm trên sẽ là gánh nặng xã hội rất lớn bởi hàng loạt sinh viên, cử nhân làm trái ngành nghề, thất nghiệp, khó xin việc cũng chỉ vì quy trình đào tạo ra rồi để đấy!

Theo: daidoanket.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com