An toàn vệ sinh lao động làng nghề - Vấn đề cần quan tâm

07:02, 23/02/2012

Tỉnh ta hiện có gần một trăm làng nghề. Những năm qua, làng nghề nông thôn đã được quan tâm phát triển và ngày càng đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, để làng nghề phát triển bền vững, vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), môi trường làng nghề, nhất là ở các làng nghề sản xuất công nghiệp - thủ công nghiệp, chế biến lương thực, thực phẩm cần được các cấp, các ngành quan tâm giải quyết.

Cty CP Mỹ nghệ Nam Hà trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ lao động cho công nhân.
Cty CP Mỹ nghệ Nam Hà trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ lao động cho công nhân.

Đến làng nghề Vân Chàng (Nam Trực) vào ngày thời tiết ẩm ướt mọi người đều thấy ngột ngạt vì bầu không khí bị nhiễm khói bụi từ các lò rèn đúc, trong đó có cả các thành phần hóa chất nguy hiểm độc hại dùng trong tái chế kim loại. Trước đây làng nghề Vân Chàng đã được triển khai dự án môi trường do Chính phủ Hà Lan tài trợ nhưng trước sự phát triển nhanh chóng của làng nghề, các CCN mở ra vẫn không đáp ứng đủ, việc sản xuất ngay trong khu dân cư vẫn khá nhiều nên vẫn ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân. Mặt khác, người lao động ở làng nghề thường chỉ có những trang bị khá thô sơ như khẩu trang, găng tay, thậm chí không sử dụng khẩu trang nên dễ bị nhiễm khói bụi trong môi trường lao động có nhiều độc hại. Ở làng đúc Tống Xá (Ý Yên) cũng vậy, bầu không khí thường xuyên bị bao vây bởi khói bụi của các lò đúc. Nhà xưởng sản xuất được tận dụng mọi diện tích đất của gia đình vì đặc thù nguyên liệu và sản phẩm của quá trình sản xuất đều có kích thước lớn. Ở các xưởng làm nghề mây tre đan nứa ghép ở Cát Đằng, xã Yên Tiến; làng nghề mộc La Xuyên, xã Yên Ninh (Ý Yên), bụi mài tre nứa và đánh nhẵn gỗ bay lơ lửng, mù mịt. Điều nguy hiểm là các bụi này không chỉ là bụi gỗ hay tre nứa mà kèm theo cả cốn sơn gắn dán tre nứa… Vì thể tích rất nhỏ nên bụi có thể xâm nhập vào cơ thể người lao động dễ dàng qua mũi, tai, hốc mắt... Còn ở các làng nghề hoa cây cảnh thì yếu tố an toàn lao động cũng cần được quan tâm trong khi nhiều người lao động lại coi nhẹ, đó là việc bảo đảm an toàn khi sử dụng các loại hóa chất bảo vệ thực vật, hóa chất kích thích tăng trưởng cho cây…

Tại tỉnh ta chưa có nhiều đề tài, chương trình nghiên cứu cụ thể về nguy cơ, tác động của mất ATVSLĐ ở các làng nghề nông thôn. Tuy nhiên kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Khoa học kỹ thuật bảo hộ lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) về sức khỏe dân cư tại các làng nghề trên cả nước cho thấy do môi trường không khí, nước ngầm và nước mặt, đất... đều bị ô nhiễm nên số người tại các làng nghề bị mắc các bệnh đường hô hấp, đau mắt, bệnh ngoài da, tiêu hóa... và một số bệnh nghề nghiệp như: bụi phổi, ung thư, đau cột sống rất cao. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu về làng nghề mới chỉ dừng lại ở việc đánh giá hiện trạng môi trường và tình hình bệnh tật mà chưa có những nghiên cứu dịch tễ đánh giá được mối liên quan của bệnh tật với các yếu tố ô nhiễm nên chưa cảnh báo hết những tác động tiêu cực của mất ATVSLĐ làng nghề đến đời sống, sức khỏe nhân dân. Ngoài các doanh nghiệp làng nghề quy mô lớn, đầu tư mới còn chú trọng việc đầu tư thiết bị, máy móc, cải thiện môi trường làm việc, còn đa phần các mô hình sản xuất hộ gia đình, máy móc sử dụng phần lớn không bảo đảm an toàn, nhiều thiết bị cũ kỹ, lạc hậu, thiếu an toàn... Điều đáng nói là nhận thức về công tác ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ của cả chủ cơ sở sản xuất lẫn người lao động đều đơn giản; việc trang thiết bị bảo hộ lao động rất sơ sài, thiếu thốn... Nguyên nhân của tình trạng trên trước hết là do công tác quản lý nhà nước về công tác ATVSLĐ đối với khu vực làng nghề còn bị buông lỏng. Các hoạt động thanh kiểm tra hay xử lý vi phạm ở các cơ sở, doanh nghiệp làng nghề còn thiếu nghiêm minh, chủ yếu giao cho chính quyền cơ sở, trong khi các địa phương, phần lớn thiếu cán bộ có kiến thức về ATVSLĐ, phần do nể nang, ngại va chạm nên việc quản lý chủ yếu dừng ở nhắc nhở nên chủ doanh nghiệp và người lao động đều thờ ơ, chủ quan với vấn đề ATVSLĐ cho chính bản thân và doanh nghiệp.

Trước thực trạng đáng lo ngại về ATVSLĐ làng nghề, trong Chương trình quốc gia an toàn lao động, vệ sinh lao động giai đoạn 2011-2015 của Chính phủ đã đặt mục tiêu “Đến năm 2015 có trên 1.000 làng nghề, 5.000 hợp tác xã, 30.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ được phổ biến thông tin phù hợp về ATVSLĐ”. Tuần lễ Quốc gia về ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ hằng năm cần phải tập trung quan tâm đến khu vực làng nghề. Ngoài ra việc tăng cường khuyến khích lao động làng nghề được đào tạo nghề đầy đủ và được trang bị kiến thức cũng như có ý thức về bảo đảm ATVSLĐ là vấn đề cấp bách hiện nay để khắc phục tình trạng mất ATVSLĐ, bảo đảm các làng nghề phát triển bền vững vì cộng đồng. Ngay trong kế hoạch tổ chức Tuần lễ Quốc gia ATVSLĐ - PCCN của tỉnh năm 2012, Ban chỉ đạo của tỉnh cũng đã yêu cầu quan tâm kiểm tra, tuyên truyền tại khu vực làng nghề, HTX, doanh nghiệp tư nhân./.

Bài và ảnh: Vân Thi



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com