Thời điểm này, học sinh khối lớp 12 đang cân nhắc, chọn trường, chọn ngành trước khi hoàn thiện hồ sơ đăng ký thi đại học, cao đẳng năm 2012. Với nhiều em, do biết lượng sức học cũng như sự định hướng của gia đình, thầy cô nên đã rất tự tin khi lựa chọn một nghề phù hợp trong tương lai, nhưng cũng không ít em còn lúng túng trong việc chọn trường, chọn nghề để lập thân, lập nghiệp. Nhiều em chọn trường dự thi căn cứ theo trào lưu, cảm tính mà không căn cứ vào các yếu tố quan trọng như năng lực, tính cách, sở trường… của bản thân. Trong khi đó, sự hiểu biết về các nghề trong xã hội của các em còn hạn chế. Điều đó sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến năng lực dự thi...
Sinh viên khoa Tự nhiên Trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định trong giờ thực hành Sinh học. Ảnh: Vân Anh |
Về vấn đề này, gần đây công tác hướng nghiệp cho học sinh đã được các trường THPT triển khai nhưng kết quả còn rất thấp. Bởi, nhận thức của học sinh về nghề nghiệp, nhất là học sinh ở khu vực nông thôn và cả phụ huynh còn hạn chế, trong khi giáo viên được giao nhiệm vụ này không coi trọng hoặc không có nhiều kiến thức về hướng nghiệp. Mặt khác, giáo dục hướng nghiệp ở các trường THPT chưa có nội dung, chương trình mang tính thực tiễn. Nhiều trường THPT mới chỉ quan tâm đến phần hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ tuyển sinh mà ít chú trọng đến tư vấn tuyển sinh. Giáo viên làm công tác này phần lớn chỉ kiêm nhiệm, chưa có kỹ năng về hướng nghiệp, ít hiểu biết về hệ thống các trường cao đẳng, đại học, nhất là những ngành học mới và những dự báo ngành nghề nào phù hợp với nhu cầu xã hội trong tương lai… Bên cạnh đó, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị hỗ trợ giảng dạy hướng nghiệp ở các trường còn thiếu, học sinh không được đi tìm hiểu thực tế, tìm hiểu ngành nghề ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp,... nên khi chọn ngành nghề phần nhiều đều do cảm tính. Trước đây, nội dung chương trình hướng nghiệp có 27 tiết thì nay chỉ còn 9 tiết/năm học nên khó đạt hiệu quả cao. Được sự chỉ đạo của ngành GD và ĐT, trong thời gian qua, hầu hết các trường THPT trong tỉnh đều tích cực tiến hành các hoạt động tư vấn hướng nghiệp, đưa chương trình giáo dục hướng nghiệp vào giảng dạy. Trước thời điểm chuẩn bị làm hồ sơ tuyển sinh, một số trường còn thành lập Ban tư vấn tuyển sinh, phối hợp với giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn học sinh chọn ngành nghề, trường học và chuẩn bị làm hồ sơ tuyển sinh nhằm hạn chế sai sót. Đến thời điểm này, Trường THPT Lê Quý Đôn (Trực Ninh) đang hoàn tất các khâu hướng nghiệp. Nhà trường đã chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm lớp 12 hướng dẫn các em hoàn thiện các điều kiện trước khi chính thức đăng ký vào hồ sơ tuyển sinh theo từng lớp. Để đạt được kết quả này, nhà trường triển khai công tác hướng nghiệp từ rất sớm. Cùng với việc duy trì các tiết giáo dục hướng nghiệp trên lớp theo chương trình của Bộ GD và ĐT, từ năm lớp 10, trên cơ sở lựa chọn ban học và khả năng của từng em, các thầy cô giáo tư vấn hướng nghiệp cho học sinh nên thi vào đại học hay chọn trường nghề. Nhà trường cố gắng cung cấp sớm nhất một số tài liệu có liên quan như cuốn "Những điều cần biết về tuyển sinh cao đẳng, đại học” ngay sau khi Bộ GD và ĐT phát hành cũng như các tờ rơi có thông tin tuyển sinh, giới thiệu ngành nghề, quy mô của các trường chuyên nghiệp... để học sinh lựa chọn. Với cách làm này, những năm gần đây, nhà trường đã vươn lên đứng trong tốp 200 trường THPT trong toàn quốc có tỷ lệ học sinh thi đỗ vào đại học cao.
Hiện tại, toàn tỉnh có trên 22 nghìn học sinh lớp 12, trong đó nhiều em khát khao được bước chân vào giảng đường đại học, nhưng cũng có những em căn cứ vào điều kiện, năng lực muốn được học nghề hoặc đang chơi vơi khi lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai. Các em đang rất cần sự quan tâm, định hướng của nhà trường, gia đình và xã hội. Để tháo gỡ những khó khăn trên, trước hết cần có sự quan tâm từ phía Ban giám hiệu của từng trường đối với môn học "đặc thù" như giáo dục hướng nghiệp; các thầy cô giáo đảm nhận công tác giáo dục hướng nghiệp cần được bồi dưỡng kiến thức về các ngành học hiện nay, nhu cầu lao động của xã hội, thường xuyên cập nhật thông tin về các ngành học mới… Cùng với nhà trường, các bậc phụ huynh cũng cần chủ động tìm kiếm thông tin để phân tích, định hướng cho con em lựa chọn ngành nghề thích hợp. Một quá trình hướng nghiệp lâu dài xuyên suốt những năm học, cấp học sẽ định hướng chắc chắn cho các em về ngành nghề sẽ chọn, để mỗi học sinh khi bước chân vào trường đại học, cao đẳng hay các trường dạy nghề đều có thể yên tâm với một công việc đúng nghề đúng nghiệp trong tương lai./.
Thảo Linh