Trạm y tế Thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng) hiện có 2 bác sỹ, 1 y sỹ, 1 dược sỹ và 9 cán bộ làm công tác dân số, y tế tại thôn, xóm. Được sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư của Đảng uỷ, UBND thị trấn, những năm qua, Trạm y tế Quỹ Nhất đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh, đồng thời thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh, thực hiện các chương trình y tế quốc gia, giảm tỷ lệ mắc các bệnh của bà mẹ, trẻ em và các bệnh xã hội. Trạm y tế thường xuyên phối hợp với các ngành, đoàn thể của thị trấn tổ chức hiệu quả các đợt truyền thông về VSATTP, phòng chống suy dinh dưỡng, lao, HIV/AIDS, chăm sóc sức khoẻ sinh sản đến từng cụm dân cư. Năm 2011, Trạm y tế Thị trấn Quỹ Nhất đã khám, điều trị cho trên 10 nghìn lượt người, trong đó khám dự phòng cho trên 6 nghìn lượt người, khám bệnh điều trị gần 6 nghìn người. Trong khám, chữa bệnh, trạm y tế đã kết hợp giữa y học hiện đại và y học cổ truyền. Trạm y tế cũng đã phối hợp với các ban, ngành trong thị trấn theo dõi, quản lý và điều trị kịp thời đối với các bệnh xã hội như: lao, tâm thần…, đồng thời phối hợp với Hội Phụ nữ tuyên truyền, vận động hội viên và các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện tốt công tác sinh đẻ kế hoạch... Trạm y tế Thị trấn Quỹ Nhất đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia, là điểm sáng của huyện Nghĩa Hưng trong việc triển khai chương trình xây dựng chuẩn quốc gia về y tế xã, chăm sóc sức khỏe nhân dân và gần đây tiếp tục được đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới về y tế.
Khám bệnh tại Trạm Y tế xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng). |
Những năm qua, thực hiện chiến lược chăm sóc sức khoẻ nhân dân, dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp, các đơn vị y tế trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch; phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền các xã, thị trấn để kiểm soát, ngăn chặn có hiệu quả các loại dịch bệnh như dịch cúm A (H5N1), cúm A (H1N1), tiêu chảy cấp, sốt phát ban... Năng lực của hệ thống y tế cơ sở cũng từng bước được nâng lên, đáp ứng nhu cầu được tiếp cận với các dịch vụ y tế gần nhất, có chất lượng, chi phí phù hợp với khả năng thu nhập của nhân dân. Bệnh nhân có thẻ BHYT được tiếp nhận ở trạm y tế các xã, thị trấn, được chăm sóc, khám chữa bệnh kịp thời, công tác đào tạo, đào tạo lại, phát triển nguồn nhân lực y tế, triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật y tế chuyên sâu thường xuyên được ngành y tế huyện quan tâm. Hằng năm, huyện thường xuyên cử cán bộ y tế cơ sở tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Do đó, trình độ chuyên môn của đội ngũ y, bác sỹ được nâng lên. Các trạm y tế đạt chuẩn cơ bản bảo đảm công tác khám, chữa bệnh ban đầu cho nhân dân và từng bước đáp ứng nhu cầu công tác khám chữa bệnh BHYT, hoàn thành tốt các chỉ tiêu khám bệnh và khám dự phòng; trong đó tỷ lệ khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền đạt 30%. Công tác tuyên truyền, giáo dục sức khỏe được các trạm y tế triển khai thường xuyên; công tác vệ sinh môi trường, nước sạch được quan tâm chỉ đạo, các chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện đạt và vượt mức chỉ tiêu, công tác phòng, chống dịch bệnh được tăng cường. Năm 2011, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi được tiêm chủng đạt 100%. Duy trì kết quả thanh toán bệnh phong, bệnh bại liệt theo tiêu chuẩn Việt Nam; 98% số hộ dân sử dụng muối i-ốt...
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác y tế của huyện vẫn còn một số bất cập. Sự phối hợp giữa các đơn vị y tế trên địa bàn huyện trong công tác xây dựng và duy trì xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, về thực hiện Chỉ thị 06 của Ban Bí thư Trung ương về củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở; Quyết định 370 của Bộ Y tế về thực hiện chuẩn quốc gia về y tế xã chưa cao nên hệ thống y tế đang có xu hướng giảm về quy mô, chất lượng. Ở một số địa phương, nhận thức và sự phối hợp của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng thực hiện xã chuẩn quốc gia về y tế chưa sâu sát; còn thụ động, trông chờ vào nguồn đầu tư từ các dự án Nhà nước, chưa phát huy hết nội lực địa phương và huy động sức mạnh cộng đồng, khuyến khích nhân dân tham gia thực hiện xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị để nâng cao chất lượng hoạt động cho trạm y tế xã, thị trấn. Công tác xã hội hoá y tế chưa được quan tâm, chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân không đồng đều. Công tác DS-KHHGĐ còn khó khăn, tỷ lệ sinh, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn cao, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả.
Để nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống y tế cơ sở theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới, thời gian tới, huyện Nghĩa Hưng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chương trình xây dựng xã chuẩn quốc gia về y tế. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa y tế để huy động mọi nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn. Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại các trạm y tế cơ sở theo tiêu chí về y tế trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Đẩy mạnh công tác đào tạo và đào tạo lại cho đội ngũ cán bộ quản lý; bồi dưỡng nghiệp vụ và cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ y tế cơ sở. Triển khai có hiệu quả Chương trình quốc gia phát triển y dược cổ truyền giai đoạn 2011-2020, tăng tỷ lệ khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền, tỷ lệ dùng thuốc y dược cổ truyền cả tuyến huyện và trạm y tế xã; đẩy mạnh phong trào trồng và chế biến thuốc nam; củng cố vườn thuốc nam tại trạm y tế các xã, thị trấn./.
Bài và ảnh: Lê Việt Thắng