Giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về giao thông: Cần tăng cường tuyên truyền trực quan

05:02, 11/02/2012

Trong những năm qua tình hình tai nạn giao thông xảy ra ngày càng nghiêm trọng. Bình quân mỗi ngày cả nước có khoảng 30 đến 35 người chết, mỗi năm có trên 10.000 người chết vì tai nạn giao thông, chủ yếu là tai nạn giao thông đường bộ... Theo các cơ quan chức năng thì nguyên nhân chủ yếu gây ra tai nạn giao thông là do nhận thức (hiểu biết pháp luật) và ý thức chấp hành pháp luật, văn hóa giao thông của người dân còn hạn chế.

Sinh viên tình nguyện Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định nghiên cứu các văn bản mới nhằm tham gia tuyên truyền về an toàn giao thông. Ảnh: Xuân Thu
Sinh viên tình nguyện Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định nghiên cứu các văn bản mới nhằm tham gia tuyên truyền về an toàn giao thông. Ảnh: Xuân Thu

Các hành vi vi phạm gây tai nạn như: điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ cho phép; tránh, vượt sai quy định; đi sai phần đường, chuyển hướng không phát tín hiệu xin đường, ngang qua đường không quan sát; say rượu, bia... đang là những nguyên nhân phổ biến thuộc về yếu tố chủ quan của người tham gia giao thông. Thực tế cho thấy, ở những địa bàn và các nhóm, tầng lớp người có nhận thức và ý thức cao ít khi gây ra tai nạn. Do đó, việc phổ biến và giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông là giải pháp quan trọng để hạn chế tai nạn giao thông. Tuy nhiên, việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông trong thời gian qua vẫn chưa đạt hiệu quả cao, chưa tạo được bước chuyển biến đáng kể trong nhận thức, đặc biệt là ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông. Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật của ta hiện nay chủ yếu thực hiện bằng các hình thức "truyền thống” như: Ra quân mít tinh, diễu hành trên các tuyến đường, tổ chức hội nghị phổ biến pháp luật, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, phát hành tờ gấp, tờ rơi... Thực tế cho thấy việc tham gia mít tinh, diễu hành khó tổ chức được thường xuyên và chỉ mang tính phong trào... Các hội nghị phổ biến pháp luật chủ yếu là các đảng viên, cán bộ, công chức. Còn phần lớn người dân, nhất là những người làm nghề lái xe - đối tượng thường xuyên tham gia giao thông lại không có nhiều cơ hội tiếp cận cũng như ít khi tự giác tham gia. Đặc biệt những người ý thức chấp hành pháp luật còn hạn chế càng ít khi tự giác tham gia các hội nghị, hội thi, ít quan tâm tìm đọc các tài liệu, tờ rơi, xem các chương trình tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông... Mặc dù còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật, văn hóa giao thông cho một bộ phận dân cư nhưng tại nhiều địa phương lãnh đạo cũng chưa quan tâm đến việc khuyến khích sự sáng tạo, sáng kiến của các cá nhân, tổ chức trong việc đề xuất các giải pháp, hình thức mới trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân, nhất là nhóm đối tượng thường hay vi phạm.

Từ thực tế hiện nay, cùng với việc thực hiện các hình thức tuyên truyền như đã nêu trên thì việc tăng cường tuyên truyền bằng hình ảnh trực quan trên các tuyến đường sẽ là giải pháp đem lại hiệu quả. Việc xây dựng các cụm panô áp phích, các biển báo trên các tuyến đường, tại các điểm dân cư ghi cụ thể nội dung các quy tắc khi tham gia giao thông, các hành vi vi phạm và mức xử phạt sẽ tiếp cận, chuyển tải luật đến với mọi tầng lớp nhân dân khi tham gia giao thông. Điều này không chỉ vừa có tác dụng phổ biến pháp luật mà còn có tác dụng răn đe, cảnh báo tác động trực tiếp đến ý thức chấp hành pháp luật của mọi người khi đang tham gia giao thông. Chẳng hạn như, tại những nơi đường giao nhau có đèn tín hiệu giao thông cần lắp đặt biển báo "Vượt đèn đỏ có thể bị xử phạt đến 800.000 đồng”, tại các tuyến đường có nhiều người không đội mũ bảo hiểm xây dựng các biển báo "Người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe máy không đội mũ bảo hiểm, không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông có thể bị xử phạt đến 200.000 đồng”. Như vậy, với những cảnh báo này sẽ tác động trực tiếp đến ý thức của những người đang tham gia giao thông để quyết định hành vi xử sự đúng pháp luật, nếu không sẽ bị xử phạt khi bị lực lượng chức năng phát hiện.

Có thể nói tuyên truyền bằng hình ảnh trực quan là hình thức tuyên truyền có hiệu quả cao vì nó tác động trực tiếp đến với mọi người khi đang tham gia giao thông và có tác dụng lâu dài, thường xuyên.

Tuy vậy, hiện nay ở nhiều tỉnh, thành việc xây dựng các cụm panô áp phích, các biển báo để tuyên truyền trực quan còn quá ít. Nội dung các biển báo chỉ là những câu khẩu hiệu hô hào chung chung như "Nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về an toàn giao thông”, do vậy trong nhiều trường hợp người dân không biết chấp hành như thế nào, nếu không chấp hành thì hậu quả ra sao.

Để góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật giao thông, thiết nghĩ các cấp, các ngành cần quan tâm đầu tư kinh phí và thực hiện xã hội hóa huy động nguồn lực của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp vào việc xây dựng các cụm panô áp phích, biển báo để tuyên truyền pháp luật giao thông bằng hình ảnh trực quan./.

Theo: daidoanket.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com