Hoạt động thu gom rác thải ở phường Trần Tế Xương (TP Nam Định). |
Những năm gần đây, Thành phố Nam Định đã quy hoạch và thực hiện di chuyển các doanh nghiệp nằm xen kẽ trong khu dân cư vào CCN An Xá. Nhờ đó, các doanh nghiệp có điều kiện thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường (BVMT). Hầu hết các doanh nghiệp trong CCN An Xá đã nỗ lực nâng cấp thiết bị máy móc sản xuất theo hướng hiện đại, giảm thiểu mức độ xả thải (khí thải, tiếng ồn…) ra môi trường; đầu tư các hệ thống xử lý nước thải, khí thải, rác thải. CCN An Xá còn được đầu tư ngân sách, với tổng vốn 26 tỷ đồng xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung, công suất 3.000m3/ngày, đáp ứng đủ nhu cầu xử lý nước thải của các doanh nghiệp trong CCN. Trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, cả 5 xã ngoại thành đều tích cực vận động nông dân không vứt bừa bãi bao bì, chai lọ đựng phân bón, thuốc trừ sâu sau sử dụng; quá trình phòng, trừ sâu bệnh cho cây trồng, vật nuôi phải sử dụng đúng liều lượng, không để tồn dư các loại hoá chất ra môi trường. Các xã Lộc An, Nam Phong… đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh chuồng trại, không để con nuôi bị nhiễm bệnh từ môi trường. Một số mô hình như: chăn nuôi gà an toàn sinh học, trồng hoa lyly, hoa lan, nuôi cá lóc bông… không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao mà còn tích cực góp phần trong việc BVMT. Rác thải sinh hoạt trong nhân dân đã được Cty TNHH một thành viên Môi trường Nam Định tổ chức thu gom với số lượng khoảng 200 tấn/ngày, đạt tỷ lệ thu gom gần 100% trên toàn thành phố. Từ năm 2003, Thành phố Nam Định đã đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động khu xử lý chất thải rắn với dây chuyền hiện đại, hoàn chỉnh theo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng và Bộ KH và CN tại cánh đồng làng Man, xã Lộc Hoà, góp phần xử lý được 156 tấn rác thải/ngày. Khu xử lý rác thải có diện tích 23ha, hiện đã sử dụng 14ha và vẫn còn đủ dung tích phục vụ đến hết năm 2015. Để xử lý chất thải y tế, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã được trang bị lò đốt HOVAL, công suất 80kg/lần đốt. Riêng chất thải công nghiệp nguy hại, khối lượng phát sinh không nhiều, thành phố chưa có khu xử lý nhưng các cơ sở chủ nguồn thải đã ký hợp đồng với Cty 10 URENCO - Hà Nội, là đơn vị đầy đủ chức năng về thu gom, vận chuyển để xử lý tập trung. Thành phố còn chủ động tiếp cận và tích cực triển khai dự án nâng cấp đô thị bằng nguồn vốn ODA vay của Ngân hàng Thế giới (WB) đã triển khai xây dựng dự án thoát nước đô thị, đồng bộ từ hệ thống mạng thu gom nước đến các trạm bơm… Những kết quả đã đạt được trong công tác BVMT của Thành phố Nam Định là sự quyết tâm của cấp uỷ, chính quyền thành phố trong công tác chỉ đạo, đầu tư và tiếp cận các nguồn đầu tư, hỗ trợ kinh phí để huy động, sử dụng hiệu quả nhiều nguồn vốn trong đầu tư xây dựng các công trình BVMT. Các ngành chức năng đã tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, đôn đốc, nhắc nhở các tổ chức, đơn vị doanh nghiệp thực hiện công tác BVMT theo quy định pháp luật.
Thời gian tới, theo quy mô đô thị loại I trực thuộc tỉnh, Thành phố Nam Định sẽ xây dựng hệ thống quản lý môi trường vùng, gắn với việc quản lý, phòng tránh ô nhiễm và tích cực chống suy thoái môi trường… Tập trung xây dựng các khu trung tâm phát triển kinh tế, thương mại, văn hoá, giáo dục, thể thao, các khu chợ đầu mối phát triển nhà ở và hạ tầng đô thị… theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường. Trong sản xuất công nghiệp, từ nay đến năm 2015 tiếp tục lập kế hoạch, ra quyết định di chuyển và có cơ chế hỗ trợ di dời toàn bộ các cơ sở sản xuất nhựa, mộc, hoá chất, cơ khí… có nguy cơ ô nhiễm môi trường trong nội thành ra KCN. Giai đoạn 2015-2020, tiến hành di chuyển tất cả các nhà máy, cơ sở sản xuất ô nhiễm ra KCN. Trong sản xuất nông nghiệp, 5 xã ngoại thành sẽ tập trung chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất nông sản hàng hoá, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái sạch. Trong thu gom, xử lý chất thải rắn hiện đang thực hiện mở rộng quy mô đáp ứng đến năm 2025. Dự kiến từ nay đến năm 2015 sẽ xây dựng thêm khu xử lý chất thải rắn từ 15-20ha; xây dựng lò xử lý chất thải nguy hại công nghiệp và y tế đạt tiêu chuẩn tại khu xử lý rác thải của thành phố. Đến năm 2025 xây dựng khu xử lý chất thải rắn cấp vùng, có nhà máy chế biến phân hữu cơ. Riêng chất thải rắn công nghiệp được phân loại tại nguồn để xử lý và tái chế. Chất thải công nghiệp nguy hại được đưa về xử lý tại khu xử lý cấp vùng. Về xử lý nước thải, thành phố phối hợp với đội ngũ chuyên gia Đức tổ chức đánh giá và đưa ra phương án giải quyết tốt nhất lượng nước thải. Xúc tiến đầu tư các dự án: trạm xử lý nước thải Thành phố Nam Định và 2 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt khu vực nội thành, bảo đảm nước thải sinh hoạt sau khi xử lý sơ bộ được thu gom và xử lý tập trung. Nước thải công nghiệp của các nhà máy thuộc KCN, CCN và nước thải y tế tại các bệnh viện phải được thu gom xử lý riêng, đạt tiêu chuẩn B trước khi xả vào hệ thống thoát nước chung. Trước mắt, thành phố phấn đấu kiểm soát 58% nước thải sinh hoạt trước khi xả ra sông, trên 92% các cơ sở sản xuất xây dựng mới có trạm xử lý nước. Bên cạnh đó, thành phố quan tâm đẩy mạnh việc tu sửa, nâng cấp hệ thống công viên bảo đảm phân tán đều khắp trong nội đô theo hướng bảo vệ, giữ gìn và phát triển những lá phổi xanh, giảm thiểu tối đa mức độ ô nhiễm môi trường. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân cùng tham gia BVMT./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy