Dòng họ khuyến học vào Xuân

09:01, 24/01/2012

Chúng tôi về thăm dòng họ Vũ Đông ở làng Bái Dương, xã Nam Dương (Nam Trực) trong không khí rộn ràng của một ngày giáp tết. Thông thường vào những ngày này mọi người đều bận rộn thu xếp công việc để dành thời gian quét dọn cửa nhà, sắm sửa đồ đạc chuẩn bị đón một mùa xuân mới nhưng những thành viên trong chi Hội Khuyến học dòng họ Vũ Đông lại dành thời gian cho việc họp tổng kết phong trào khuyến học khuyến tài năm 2011. Bên ấm trà nghi ngút khói, ông trưởng họ cẩn thận lật giở từng trang sổ ghi chép những việc làm cụ thể của ban khuyến học cũng như những kết quả đạt được trong việc duy trì và phát triển phong trào. Với số dư 15 triệu đồng trong quỹ khuyến học, làm sao để đồng tiền ấy phát huy được tác dụng trong việc động viên con cháu học hành ngày càng tiến bộ, để các cháu học giỏi được động viên, khen thưởng kịp thời, các cháu có hoàn cảnh khó khăn được giúp đỡ để tiếp tục đến trường (!). Bởi, những đồng tiền khuyến học này được chắt chiu từ con cháu xa gần trong dòng tộc để đóng góp cho phong trào. Và cũng nhờ có quỹ mà từ năm 1996 đến nay, dòng họ đã động viên, khen thưởng cho 1.500 lượt học sinh, là đòn bẩy để con em trong dòng họ thi đua trong học tập. Nhớ lại quãng thời gian 15 năm trước, khi cuộc sống quanh năm chỉ trông chờ vào ruộng đồng, chưa có ngành nghề phụ nên kinh tế của các gia đình trong dòng họ còn gặp nhiều khó khăn. Những người đứng đầu trong dòng họ đã suy nghĩ tìm hướng giải quyết để con em không phải bươn chải kiếm sống, vất vả cùng với cái cuốc, đường cày bằng con đường đầu tư cho học tập. Khi thành lập chi Hội Khuyến học dòng họ vào năm 1996, dòng họ đã họp bàn tìm ra phương cách phát triển phong trào học tập trong mỗi gia đình và quy định mỗi gia đình đều phải có người trở thành thành viên của chi Hội Khuyến học; những giáo viên về hưu và đương chức của dòng họ có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ bảo cho con cháu học hành, đồng thời trích quỹ họ ra để mua sách vở, giấy bút trao tặng cho học sinh có kết quả học tập cao. Khi phong trào đã thấm sâu vào mỗi gia đình, trong ngày giỗ tổ, giữa không khí trang nghiêm nghi ngút khói hương trên từ đường của dòng họ, ông trưởng họ đã thành kính đọc tên, báo công thành tích đạt được trong năm học vừa qua của con em trong họ. Việc làm này đã góp phần thúc đẩy phong trào thi đua giữa các gia đình trong dòng họ động viên con em mình phấn đấu vươn lên để báo công với tiên tổ và xác định học để xây dựng cuộc sống mới ấm no hơn. Năm học 1996-1997, sau khi thành lập chi Hội Khuyến học, dòng họ đã có bước tiến vượt bậc với gần 50 học sinh được khen thưởng, trong đó có 5 học sinh giỏi các cấp. Năm học 2010-2011, đã có 141 lượt học sinh giỏi các cấp được khen thưởng, trong đó có 12 học sinh giỏi cấp tỉnh, 20 học sinh thi đỗ vào cao đẳng, đại học. 100% học sinh của dòng họ đều được lên lớp, đỗ tốt nghiệp THCS, THPT, không có học sinh phải bỏ học giữa chừng. Hầu hết con cháu trong họ đều thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, chăm chỉ học hành để đền đáp công ơn của tiên tổ, dòng tộc. Với tổng số 1.200 khẩu, đến nay, dòng họ đã có 4 học sinh giỏi quốc gia, 7 tiến sỹ, 6 thạc sỹ và trên 100 cử nhân, trở thành dòng họ tiêu biểu của xã Nam Dương, nhiều lần được đi báo cáo điển hình trong phong trào khuyến học, khuyến tài, được Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam 2 lần khen thưởng.

Dòng họ Đỗ Hai (làng Tuân Lục, xã Liêm Hải) dâng hương tại nhà thờ tổ trước khi trao phần thưởng khuyến học cho con cháu trong họ.
Dòng họ Đỗ Hai (làng Tuân Lục, xã Liêm Hải) dâng hương tại nhà thờ tổ
trước khi trao phần thưởng khuyến học cho con cháu trong họ.

Dòng họ Đỗ Hai ở làng Tuân Lục, xã Liêm Hải (Trực Ninh) chỉ có 132 hộ với 476 nhân khẩu sinh sống ở khắp mọi miền đất nước, nhưng phong trào khuyến học, khuyến tài ở đây cũng không kém phần phát triển. Năm 2012 này, dòng họ đã có tròn 12 mùa xuân khuyến học với những kết quả rất đáng tự hào với nhiều cử nhân, nhiều học sinh giỏi các cấp. Ông Đỗ Cao Đài, trưởng ban khuyến học của dòng họ tâm sự: “Sau Cách mạng Tháng Tám, cả làng Tuân Lục chỉ có một lớp tiểu học do một thầy giáo dạy tổng hợp từ lớp 1 đến lớp 3 nên việc học của con em trong họ gặp rất nhiều khó khăn. Hơn nữa, ở vùng "chiêm khê, mùa úng" cái đói nghèo bủa vây khiến con cháu không có suy nghĩ đến việc phải học hành, làm giàu cho bản thân và gia đình. Khi bước vào thời kỳ đổi mới, sự nghiệp giáo dục và đào tạo được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, cũng như nhiều dòng họ khác trong tỉnh, dòng họ Đỗ Hai đã tập trung động viên con cháu vượt khó để học hành thành đạt nhằm xây dựng dòng họ, quê hương ngày càng phát triển”. Năm 1999, trên cơ sở hướng dẫn của các cấp khuyến học, dòng họ Đỗ Hai đã thành lập chi Hội Khuyến học với 11 thành viên, phân bổ đều ở các chi phái, cụm dân cư để theo dõi và xây dựng phong trào, đồng thời đều đặn mỗi tháng họp bàn một lần để tìm cách đưa công tác khuyến học, khuyến tài dòng họ phát triển. Để có kinh phí hoạt động, ban khuyến học đã tổ chức họp trong toàn họ để phát động những cá nhân, gia đình có điều kiện kinh tế ủng hộ vào quỹ khuyến học. Các gia đình cụ Khổn, cụ Khuyến, ông Cang đã ủng hộ ban đầu hàng triệu đồng, trong đó gia đình cụ Khổn còn cho chi hội vay 2 chỉ vàng để hội làm công tác khen thưởng trong năm đầu tiên thành lập. Từ đó đã huy động được sự ủng hộ xây dựng quỹ của các gia đình, của những người con trong dòng họ đang sinh sống và làm việc trên khắp mọi miền đất nước đóng góp xây dựng quỹ. Hàng năm, với số tiền quỹ có được, cùng sự tài trợ của các gia đình thành đạt, chi Hội Khuyến học đã dành để phát thưởng và tổ chức cho các cụ từ 60 tuổi trở lên cùng các cháu có thành tích học tập cao đi tham quan Văn Miếu Quốc Tử Giám, Lăng Bác, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, thăm quê hương cố Tổng Bí thư Trường Chinh, đi nghỉ mát, thăm Đền Trần để khơi dậy cho con em tình yêu quê hương, đất nước và tinh thần học tập để ngày mai lập thân, lập nghiệp. Kể từ khi thành lập chi Hội Khuyến học đến nay, việc học của con em trong họ ngày càng khởi sắc, với khoảng 650 lượt học sinh giỏi được khen thưởng. Những học sinh giỏi đều được ghi tên trong sổ vàng của dòng họ và dâng hương báo công với tổ tiên, học sinh con nhà nghèo được dòng họ cho vay tiền từ quỹ khuyến học để cho con ăn học… nên đã thúc đẩy phong trào thi đua học tập giữa các gia đình. Tiêu biểu như gia đình cụ Huyền, cụ Huyến có 9 người có trình độ đại học, 12 người có trình độ cao đẳng, 15 cháu đang học phổ thông, 9 người là đảng viên. Gia đình cụ Khổn có 11 con cháu có trình độ đại học, 7 người có trình độ cao đẳng, 1 tiến sỹ, 2 thạc sỹ, 15 cháu đang học phổ thông và có tới 11 người là đảng viên. Gia đình ông Cang có 8 người có trình độ đại học, 7 người có trình độ cao đẳng, 10 cháu đang học phổ thông và 7 người là đảng viên. Các gia đình đều có quỹ trên dưới 10 triệu đồng để hàng năm động viên, phát thưởng cho con cháu. Dòng họ cũng có nhiều gia đình thuần nông, kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng vẫn quyết chí nuôi con ăn học như gia đình ông Tương, ông Khanh, ông Huấn, ông Nhuệ, ông Khiêm, ông Kiêm, ông Xuân, ông Tiến, ông Toàn, ông Thắng… đều có từ 2-3 con có trình độ cao đẳng, đại học. Đến nay dòng họ có trên 80 người có trình độ cao đẳng, 66 người có trình độ đại học, 30 người đang học cao đẳng, đại học, 5 người đang học ở nước ngoài... Những kết quả đó đã khẳng định tầm nhìn đúng đắn của dòng họ vào lợi ích của việc học hành, kịp thời động viên những học sinh giỏi và giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập.

Mùa xuân đang đến gần với sắc đỏ thắm của hoa đào, thắp lên niềm tin khuyến học, khuyến tài năm nay sẽ lại tưng bừng đón những bức trướng, bằng khen về với xóm làng, dòng họ, gia đình vào đầu năm mới, góp phần đưa sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh nhà ngày càng phát triển bền vững./.

Thảo Linh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com