Lấy năm 2012 làm Năm ATGT, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo việc thiết lập trật tự, kỷ cương giao thông trong phạm vi cả nước, với kỳ vọng giảm TNGT từ 5 đến 10% và giảm ùn tắc giao thông theo nghị quyết của Quốc hội đã đề ra.
Trong những năm qua, tình hình TTATGT đã có nhiều chuyển biến, TNGT đã giảm theo cả 3 tiêu chí qua từng năm, tuy nhiên số vụ, số người chết và bị thương vẫn ở mức cao, kết quả chưa bền vững còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra TNGT và TNGT đặc biệt nghiêm trọng trên cả đường bộ, đường sắt và đường thủy vẫn còn xảy ra. Những tồn tại trên là do sự lơi lỏng trong công tác quản lý Nhà nước, chỉ đạo, điều hành thực hiện các giải pháp bảo đảm TTATGT chưa thường xuyên, liên tục và mạnh mẽ; ý thức tự giác chấp hành pháp luật TTATGT của một bộ phận người tham gia giao thông còn rất yếu kém. Các hành vi vi phạm như: Đi không đúng phần đường, làn đường; điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ quá tốc độ cho phép; lái ôtô sử dụng rượu, bia; người điều khiển môtô, xe gắn máy có nồng độ cồn vượt quá quy định; người tham gia giao thông bằng môtô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm; học sinh, sinh viên chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe vẫn điều khiển môtô, xe gắn máy; lấn chiếm hành lang ATGT, đường bộ, đường sắt, mở đường ngang trái phép… còn xảy ra thường xuyên, phổ biến. Những vi phạm này là nguyên nhân chính gây TNGT và là nguy cơ làm gia tăng TNGT.
Nghị quyết 88/NQ-CP của Chính phủ ra đời về tăng cường các giải pháp trọng tâm, đảm bảo TTATGT được đánh giá là một trong những nghị quyết mang tính tổng thể, toàn diện trong công tác bảo đảm TTATGT. Việc Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ đạo tổ chức tổng kết 8 năm thực hiện Chỉ thị 22 về tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong công tác bảo đảm TTATGT và Bộ Chính trị sẽ ban hành một nghị quyết về công tác đảm bảo TTATGT phù hợp với tình hình mới; Ủy ban ATGT Quốc gia, Ban ATGT các tỉnh, thành phố được kiện toàn bổ sung các thành viên; Chính phủ chọn năm 2012 là Năm ATGT, năm bản lề và lấy việc thiết lập trật tự, kỷ cương giao thông trong phạm vi cả nước, chống ùn tắc giao thông ở Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, điều đó chứng tỏ quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong việc giải quyết "quốc nạn" TNGT.
Để thực hiện mục tiêu theo kỳ vọng của Quốc hội giảm từ 5 đến 10% số vụ tai nạn, số người chết, bị thương do TNGT và từng bước cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, các bộ, ngành, chính quyền các cấp đang khẩn trương chuẩn bị để đồng loạt triển khai thực hiện "Năm ATGT" từ 1-3-2012 với tiêu chí tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách và lâu dài mà Chính phủ đã đề ra với quyết tâm cao nhất. Trong thông điệp cuối năm được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát đi trên VOV giao thông TNGT và ùn tắc giao thông đang là một vấn đề bức xúc của xã hội. Từ nhiều năm nay, chúng ta đã triển khai nhiều giải pháp bảo đảm TTATGT, giảm thiểu ùn tắc giao thông và cũng đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, tình hình TNGT vẫn còn nghiêm trọng, trung bình mỗi ngày cướp đi sinh mạng của hơn 30 người và làm bị thương chục người khác. Tổn thất này đã trở thành gánh nặng cho nhiều gia đình, người thân và xã hội Việt Nam. Chính vì vậy, Chính phủ đã lấy năm 2012 là "Năm An toàn giao thông", đề ra đồng bộ các biện pháp để tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt nhằm thiết lập kỷ cương, TTATGT trong phạm vi cả nước và giảm thiểu ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi tới đồng chí, đồng bào, những người tham gia giao thông thông điệp: "Giảm TNGT và ùn tắc giao thông là trách nhiệm của mỗi người trong chúng ta. Chúng ta cùng nhau có trách nhiệm với chính mình, với gia đình, người thân, bạn bè và với toàn xã hội. Mà hành động mỗi người trong chúng ta có thể làm ngay, đó là chấp hành nghiêm pháp luật về đảm bảo TTATGT".
Đột phá thay đổi cách nghĩ, cách làm trong công tác bảo đảm TTATGT, tất cả chúng ta đều kỳ vọng năm 2012 sẽ thực sự là Năm ATGT, năm bản lề để giảm vững chắc TNGT với quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân./.
Theo: giaothongvantai.com.vn