Từ Thành phố Nam Định đến các xã ven biển như Giao An, Giao Thiện (Giao Thủy); Hải Triều, Hải Chính (Hải Hậu); Nghĩa Hải, Nghĩa Phúc (Nghĩa Hưng) đều thấy hệ thống điện dưới mỗi lũy tre xanh đang được cải tạo, nâng cấp, góp phần chỉnh trang bộ mặt làng quê trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Từ chỗ quản lý, bán lẻ trực tiếp cho 98.975 khách hàng ở Thành phố Nam Định và một số thị trấn trong tỉnh; sau khi tiếp nhận xong lưới điện nông thôn toàn tỉnh, số hộ gia đình mua điện trực tiếp của Cty Điện lực Nam Định đã tăng thêm 5 lần so với trước, đạt 616.749 khách hàng; trong đó có 580.523 khách hàng mua điện sinh hoạt và 36.226 khách hàng mua điện ngoài sinh hoạt. Trên lưới điện hiện có 622.729 công tơ đang vận hành với 599.122 công tơ một pha và 23.607 công tơ ba pha các loại, hàng năm chuyển tải hơn 921 triệu kWh điện thương phẩm phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh...
Trạm điện 110KV Mỹ Lộc cấp điện cho huyện Mỹ Lộc và Thành phố Nam Định. |
Tỉnh ta không những đạt thành tích cao về tốc độ tiếp nhận lưới điện nông thôn nhanh chóng nhằm bảo đảm an toàn điện, giảm thiểu mức đóng góp của người dân nông thôn mà còn là địa phương duy nhất sớm nhận được các nguồn đầu tư của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng Cty Điện lực Miền Bắc để chỉnh trang lưới điện ở các xã, thị trấn từng bước hiện đại. Tính đến cuối năm 2011, Cty Điện lực Nam Định đã đầu tư hơn 700 tỷ đồng theo 6 nhóm dự án để tập trung cải tạo, nâng cấp lưới điện nông thôn. Dự án cải tạo tối thiểu lưới điện hạ áp nông thôn bắt đầu triển khai từ cuối năm 2009 kết thúc vào cuối năm 2010 bao gồm thay mới 100% công tơ khu vực lưới điện hạ thế nông thôn, gồm 491.851 công tơ một pha và 14.701 công tơ ba pha; tháo dỡ cột tre, cột sắt; loại bỏ hầu hết hộp tôn, hộp gỗ, hộp nhựa đựng công tơ... với tổng kinh phí đầu tư 410 tỷ đồng. Ngay sau khi có sự tham gia quản lý của ngành Điện kết hợp với quá trình hoàn thành cải tạo tối thiểu, chất lượng điện áp ở lưới điện nông thôn đã được cải thiện rõ rệt, an toàn điện trong dân được nâng cao. Trong hai năm gần đây, toàn tỉnh không để xảy ra tai nạn chết người về điện. Tổn thất điện năng ở khu vực nông thôn đã giảm từ 32% khi mới tiếp nhận xuống 15,5% hiện nay. Mỗi tháng, toàn tỉnh tiết kiệm được gần 8 triệu kWh điện thương phẩm do giảm tổn thất điện năng, tương đương với sản lượng điện ở một huyện có tốc độ phát triển kinh tế trung bình của tỉnh. Việc vận hành lưới điện nông thôn do công nhân ngành Điện quản lý kết hợp với 1.009 thợ dịch vụ điện nông thôn đều được đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ định kỳ nên công tác an toàn điện đã tăng lên đáng kể. Đồng chí Ngô Công Tác, Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Sơn, đơn vị đầu tiên của huyện Nghĩa Hưng bàn giao toàn bộ lưới điện về ngành Điện quản lý tâm sự: Nhờ có dự án đầu tư của Cty Điện lực Nam Định nên hạn mức xây dựng hạ tầng nông thôn mới ở đây đã giảm đi 3 tỷ đồng chỉ còn hơn 260 tỷ đồng; tốc độ thực hiện các tiêu chí cũng được đẩy nhanh tiến độ. Tại xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc) địa phương cuối cùng của tỉnh bàn giao lưới điện về ngành Điện quản lý, thương binh nặng Trần Sỹ Long thổ lộ, nhờ có Cty Điện lực Nam Định đầu tư, thay thế dây dẫn và trạm biến áp nên nguồn điện không còn bị yếu như trước, cơ sở sản xuất hàng may mặc của gia đình ông hoạt động hiệu quả, tạo việc làm, thu nhập cho 20 lao động. Cùng với dự án cải tạo tối thiểu, Cty Điện lực Nam Định đang đầu tư hơn 50 tỷ đồng nhằm từng bước nâng cấp toàn bộ lưới điện 6KV, 10KV lên 22KV tập trung ở các huyện: Xuân Trường, Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Trực Ninh, Ý Yên nhằm nâng chất lượng điện đầu nguồn khi nhân dân có nhu cầu sử dụng điện cao. Chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, các trạm trung gian: Cổ Lễ (Trực Ninh), Yên Định (Hải Hậu), Giao Thanh (Giao Thủy), Cổ Giả (Nam Trực), Trực Nội (Trực Ninh) dự kiến vượt công suất đến 35% sẽ được thực hiện chống quá tải để bảo đảm cấp điện an toàn, liên tục trong những ngày xuân. Đối với các trạm 110KV Nam Trực, Hải Hậu, Giao Thủy trước đây chỉ có một máy 25.000KVA, nay công suất được nâng lên gấp đôi để phục vụ phụ tải có xu hướng phát triển mạnh. Trạm 110KV Ý Yên đã khởi công xây dựng với công suất 40.000KVA, dự kiến đưa vào sử dụng cuối quý I năm 2012 nhằm bổ sung lượng điện năng lớn cho các làng nghề truyền thống như đúc gang ở Yên Xá, đúc đồng ở Thị trấn Lâm, sơn mài ở Yên Tiến, gỗ mỹ nghệ ở Yên Ninh... Cty Điện lực Nam Định đã đầu tư gần 45 tỷ đồng lắp đặt 30 trạm biến áp và sửa chữa lưới điện trung thế, hạ thế phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp vụ xuân 2012 như cải tạo nâng cấp đường dây dẫn điện ra các trạm bơm lớn, trạm bơm dã chiến ở các HTX trong tỉnh. Trước thềm năm mới Nhâm Thìn 2012, tin vui lại đến với những người dùng điện ở khắp các địa bàn nông thôn của tỉnh: Đó là ngành Điện vừa hoàn thành dự án năng lượng nông thôn bằng nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới có giá trị đầu tư hơn 90 tỷ đồng bao gồm lắp đặt, đưa vào sử dụng thêm 149 trạm biến áp có công suất từ 180 đến 320KVA và cải tạo toàn bộ lưới điện 6KV lên 22KV xuất tuyến từ trạm biến áp 110KV Trình Xuyên đi các xã Liên Bảo, Hợp Hưng, Đại An (Vụ Bản) và một phần xã Mỹ Xá (ngoại thành Nam Định). Hoàn thành dự án này có ý nghĩa lớn đối với hệ thống điện nông thôn bởi đã kéo gần khoảng cách giữa các trạm cấp điện và hộ sử dụng điện nhằm nâng cao chất lượng điện năng, giảm thiểu tổn thất điện năng, tạo nguồn điện ổn định, bảo đảm an toàn cấp điện vào giờ cao điểm. Như vậy đến nay, hệ thống lưới điện tỉnh ta đã có 1 trạm 220KV, 10 trạm 110KV tổng công suất 390.000KVA, 22 trạm trung gian với 1.638km đường dây, 2.130 trạm biến áp phân phối có công suất 634.242KVA cung ứng điện đến 100% gia đình thuộc 229 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Lắp đặt công tơ điện tại xã Hoành Sơn, huyện Giao Thủy. |
Theo đồng chí Trần Quốc Đạt, TUV, Giám đốc Cty Điện lực Nam Định, bước sang năm mới 2012, công việc đầu tư vào lưới điện nông thôn tiếp tục được tăng cường với mục tiêu cấy thêm trạm biến áp vào các KCN, CCN; cải tạo một số đường dây 10KV lên 22KV; tập trung vốn sửa chữa lớn để thay thế, nâng cấp lưới trung thế, hạ thế nhằm nâng chất lượng cung ứng điện. Với nỗ lực của Điện lực Nam Định, trong hai năm 2012 và 2013 ngành Điện sẽ thực hiện vay vốn của Ngân hàng thế giới và Ngân hàng tái thiết Đức với kinh phí 550 tỷ đồng để đầu tư hoàn thiện cơ bản hệ thống điện nông thôn. Các hạng mục công trình dự kiến được triển khai xây dựng bao gồm quy hoạch lại hệ thống điện, tổ chức nắn tuyến đường dây phù hợp quy hoạch chung của từng địa phương, thay toàn bộ dây dẫn điện trong các xóm, thôn bằng dây bọc..., đáp ứng yêu cầu điện đi trước một bước trong thời kỳ CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn./.
Bài và ảnh: Xuân Thu