Đến nay, hệ thống và quy mô trường, lớp học của tỉnh đã được mở rộng, đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân. Các xã, thị trấn trong tỉnh đều có các trường mầm non, tiểu học và THCS. Tỉnh ta cũng là đơn vị đầu tiên trong toàn quốc thực hiện phổ cập tiểu học và THCS đúng độ tuổi và đang tích cực thực hiện phổ cập giáo dục bậc trung học. Hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học được mở rộng, nâng cấp, từng bước đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và một số tỉnh trong khu vực. Chất lượng giáo dục được ổn định, giữ vững và nâng cao. Năm học 2011-2012, toàn tỉnh đã huy động được gần 100% trẻ trong độ tuổi vào lớp 1; xét tuyển 28.741 học sinh vào lớp 6, đạt gần 100% học sinh đã hoàn thành chương trình tiểu học. Sở GD và ĐT đã tổ chức thi tuyển được 21.471 học sinh vào lớp 10 THPT, chiếm 72,1% số học sinh tốt nghiệp THCS và xét tuyển được 2.267 học viên vào lớp 10 bổ túc THPT. Hằng năm, Sở GD và ĐT đều chỉ đạo các phòng GD và ĐT, các trường THPT tăng cường kiểm tra, phân loại học sinh và có giải pháp nâng cao chất lượng học sinh yếu, kém. Vì vậy, những năm gần đây, tỷ lệ học sinh có học lực yếu, kém đã giảm đáng kể. Năm học 2010-2011, ở khối THPT chỉ còn 13,1% học sinh có học lực yếu, 0,91% học sinh có học lực kém. Ở khối THCS có 5,1% học sinh có học lực yếu và 0,44% học sinh có học lực kém. Bên cạnh việc quan tâm, bồi dưỡng cho những học sinh có học lực khá, giỏi và phụ đạo cho học sinh có học lực yếu, kém, các phòng GD và ĐT, các nhà trường còn phối hợp với chính quyền địa phương làm tốt công tác điều tra, tìm hiểu nguyên nhân của những học sinh bỏ học và những học sinh có hoàn cảnh khó khăn để có kế hoạch vận động, giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần nhằm tạo điều kiện cho các em có cơ hội đến trường. Các đơn vị phối hợp với các Hội Khuyến học, kêu gọi sự tài trợ của các cá nhân, doanh nghiệp để tạo nguồn kinh phí nhằm miễn giảm học phí, tặng học bổng cho học sinh để các em yên tâm tiếp tục theo học. Do đó, số học sinh bỏ học đã giảm theo từng năm. So với cuối năm học 2010-2011, số học sinh bỏ học trong hè trước khi bước vào năm học mới 2011-2012 ở cấp THCS chiếm 0,17%, ở cấp THPT chiếm 0,47%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ chung của toàn quốc. Hiện tại, với tổng số 12.669 phòng học kiên cố và 1.793 phòng học bán kiên cố ở các cấp học, cùng với thiết bị dạy học được Bộ GD và ĐT và ngân sách của tỉnh trang bị đồng bộ cho tất cả các trường theo chương trình đổi mới giáo dục đã đáp ứng tốt về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác dạy và học ở các nhà trường. Ở các huyện, thành phố đều có trường đạt chuẩn quốc gia với tỷ lệ tương đối đồng đều. Học sinh ở các cấp học trong tỉnh được các nhà trường giáo dục theo nội dung chương trình bảo đảm đúng quy định, nắm được các kiến thức cơ bản theo chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình cấp học. Chất lượng giáo dục đại trà như: Tỷ lệ xếp loại hạnh kiểm, tỷ lệ học sinh xếp loại văn hóa trung bình trở lên, học sinh được công nhận hoàn thành chương trình tiểu học, tốt nghiệp THCS, THPT trong toàn tỉnh đạt cao.
Giờ lên lớp của cô và trò Trường Tiểu học Yên Phú (Ý Yên). |
Tuy nhiên, GD và ĐT tỉnh ta vẫn gặp phải một số khó khăn, hạn chế do chất lượng giáo dục giữa các trường ở thành phố và nông thôn, giữa các vùng, miền chưa đồng đều. Kết quả thi học sinh giỏi và thi vào đại học của một số trường chưa thật vững chắc. Trong các bộ môn văn hóa, chất lượng dạy - học môn ngoại ngữ còn thấp. Những trường ở khu vực thị trấn và trung tâm thành phố có số học sinh theo học đông, trong khi đó, nhiều trường khác có số học sinh theo học ít hơn. Chất lượng đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất giữa các trường của một huyện, giữa các vùng miền, giữa các loại hình trường (công lập, dân lập, tư thục) có sự chênh lệch nên học sinh cũng chưa thật đồng đều trong cơ hội tiếp cận các điều kiện giáo dục chất lượng tốt. Trong năm học vừa qua, chỉ tính riêng ở cấp THCS, số học sinh có học lực giỏi của Thành phố Nam Định đạt 39,48%, của huyện Nghĩa Hưng là 14,90%, huyện Mỹ Lộc là 15,18%, huyện Vụ Bản là 22,20%... Tỷ lệ học sinh có học lực yếu, kém cũng có sự chênh lệch rõ rệt, tiêu biểu như ở Thành phố Nam Định, học sinh có học lực yếu là 2,94%, huyện Giao Thủy là 11%, huyện Mỹ Lộc là 7,39%, huyện Hải Hậu là 5,83%, huyện Nghĩa Hưng là 3,50%... Trong kỳ thi học sinh giỏi toàn tỉnh cấp THPT, các Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Hải Hậu A, Giao Thủy, Nguyễn Khuyến, Nghĩa Hưng B, Trần Hưng Đạo có từ 39 đến 43 học sinh đoạt giải, 27 trường khác có từ 19 đến 35 em đoạt giải, 8 trường có từ 2 đến 14 em đoạt giải. Bên cạnh đó, chất lượng thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT cũng có sự chênh lệch lớn với số điểm chuẩn vào trường hơn kém đến trên 10 điểm… Nguyên nhân của sự không đồng đều do điều kiện kinh tế, cũng như nhận thức và tâm lý của phụ huynh học sinh đối với việc học của con em khác nhau. Ở nhiều nơi, nhiều gia đình, việc học tập của con em được chú trọng, gia đình đầu tư thời gian, ngân sách cần thiết cho con em học tập, nhưng có nhiều phụ huynh không quan tâm đến việc học, tu dưỡng của con em, nên chất lượng giáo dục còn hạn chế. Đội ngũ giáo viên mầm non còn thiếu, giáo viên các bộ môn ở nhiều trường THCS chưa bảo đảm đúng môn được đào tạo, giáo viên phải dạy chéo môn, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Công tác bồi dưỡng, tự bồi dưỡng của một số nhà giáo còn hạn chế. Một bộ phận giáo viên giảm sút ý chí phấn đấu vươn lên, thiếu tâm huyết, say mê nghề nghiệp... Bên cạnh đó, ngân sách đầu tư cho giáo dục, nhất là giáo dục mầm non còn chưa tương xứng với yêu cầu và nhiệm vụ được giao (mới đạt 8% trong tổng ngân sách giáo dục). Chế độ, chính sách ưu đãi cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý còn nhiều bất cập…
Để khắc phục những hạn chế trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Nghị quyết về nâng cao chất lượng đồng đều trong GD và ĐT với những mục tiêu và giải pháp cụ thể, trong đó phấn đấu đến năm 2013 có 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Phấn đấu đến năm 2015 giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng xuống dưới 7,5%; có 100% cán bộ quản lý đạt chuẩn trình độ đào tạo, 98% giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo; có 60% trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. Tăng cường đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Xóa phòng học tạm, học nhờ. Đối với giáo dục tiểu học, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đủ về số lượng, chủng loại và chất lượng. Tập trung các nguồn lực, đầu tư cơ sở vật chất theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của cấp học, trong đó phấn đấu có đủ phòng học, phòng bộ môn… cho kế hoạch dạy - học 2 buổi/ngày, dạy - học môn ngoại ngữ. Đối với giáo dục trung học, tập trung củng cố mạng lưới trường, lớp theo nội dung và tinh thần Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển cơ sở giáo dục đào tạo chất lượng cao. Hoàn thành chuyển đổi loại hình trường THPT dân lập sang tư thục. Củng cố, nâng cao chất lượng các trường công lập ở những vùng còn khó khăn và các trường THPT ngoài công lập. Phấn đấu đến năm 2015, có 70% số trường THPT và 60% số trường THCS đạt chuẩn quốc gia. Tiếp tục củng cố mô hình hoạt động của các trung tâm GDTX hiện có; nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng. Củng cố và hoàn thiện hệ thống các trường chuyên nghiệp trong tỉnh, tăng cường chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, đổi mới mục tiêu, nội dung và chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội.
Với những mục tiêu và giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng đồng đều trong GD và ĐT, cùng sự quyết tâm của các cấp, các ngành, GD và ĐT tỉnh nhà sẽ có bước phát triển toàn diện và vững chắc./.
Bài và ảnh: Hồng Minh