Ngày 20-1-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 08/SL về đo lường, là điểm mốc đánh dấu cho hoạt động đo lường của nước ta. Ngày 11-10-2001, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 155/2001/TTg, lấy ngày 20-1 hằng năm là “Ngày Đo lường Việt Nam”. Trải qua 62 năm xây dựng và trưởng thành, hoạt động đo lường đã góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và của tỉnh nói riêng.
Trong xu thế mở cửa hội nhập hiện nay, hoạt động đo lường đang ngày càng khẳng định được vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Hoạt động đo lường không chỉ dừng lại ở việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh mà còn tác động tích cực đến an sinh xã hội, đảm bảo sự công bằng trong thanh toán giao nhận ở trong nước và quốc tế. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh có trên 900.000 phương tiện đo các loại thuộc diện phải kiểm định và hàng trăm ngàn phương tiện đo cần hiệu chuẩn… Với chức năng là cơ quan trực tiếp giúp Sở KH và CN thực hiện các nhiệm vụ quản lý Nhà nước về Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TĐC), Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Nam Định đã bám sát sự chỉ đạo của các cơ quan cấp trên và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện các nhiệm vụ quản lý Nhà nước về đo lường. Chi cục đã tham mưu với Sở KH và CN trình UBND tỉnh ban hành quy định quản lý đo lường trên địa bàn tỉnh và xây dựng đề án phát triển TĐC giai đoạn 2007-2015. Tổ chức thực hiện và bảo vệ thành công đề tài “Điều tra tiềm lực các phòng thử nghiệm hiệu chuẩn. Đề xuất các giải pháp hợp tác và sử dụng hệ thống thử nghiệm hiệu chuẩn trên địa bàn tỉnh Nam Định”, là cơ sở để phát triển và khai thác hệ thống thử nghiệm hiệu chuẩn phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chi cục đã tiến hành điều tra và quản lý chặt chẽ việc sử dụng các phương tiện đo lường trên địa bàn toàn tỉnh; tổ chức thông tin tuyên truyền pháp luật về đo lường với nhiều hình thức như tổ chức hội nghị hướng dẫn, phổ biến văn bản; thực hiện chuyên mục trên truyền hình; tổ chức cuộc thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về đo lường… để các tổ chức cá nhân có liên quan và cộng đồng hiểu, tự giác chấp hành. Hằng năm, Chi cục cử hàng chục lượt cán bộ, kiểm định viên đi học các khóa đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ do Tổng cục Đo lường Chất lượng tổ chức; tổ chức các đoàn công tác đi học tập kinh nghiệm các đơn vị bạn; tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho các cán bộ làm công tác quản lý KHCN cấp huyện, cán bộ vận hành trạm cân đối chứng; tập huấn chống gian lận trong sử dụng cột đo xăng dầu cho cán bộ nhân viên Chi cục Quản lý thị trường tỉnh. Để đẩy mạnh quản lý phép đo trong thương mại bán lẻ nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thời gian qua, Chi cục đã thiết lập và duy trì hoạt động của 13 điểm cân đối chứng phủ đều khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, để đảm bảo đo lường trong mua bán xăng dầu và tạo điều kiện cho người mua hàng có thể kiểm tra được lượng xăng dầu trong giao nhận, Chi cục đã tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh xăng dầu trang bị bình đong đối chứng; đến nay đã có gần 80% cơ sở tự giác chấp hành. Ngoài việc kiểm tra phép đo tại các chợ theo định kỳ, Chi cục phối hợp với Phòng Công thương các huyện kiểm định cân thông dụng tại các chợ trên địa bàn không thu phí, đồng thời phối hợp với Chi cục QLTT và chính quyền các địa phương kiểm soát, xử lý những vi phạm về đo lường. Từ năm 2010 đến nay, Chi cục đã kiểm định được trên 1.300 cân thông dụng, loại bỏ trên 200 cân không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật tại 16 chợ, đem lại sự công bằng cho người tiêu dùng.
Hoạt động thanh tra, kiểm tra Nhà nước về đo lường trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh. Hằng năm, Chi cục đã tổ chức hàng trăm lượt kiểm tra đo lường tập trung vào các cơ sở sử dụng phương tiện đo lớn và quan trọng như công tơ điện, công tơ nước, cột đo nhiên liệu, taximet... và các cơ sở sản xuất kinh doanh hàng đóng gói sẵn trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra, đã phát hiện, đôn đốc nhắc nhở và đề nghị xử lý nhiều cơ sở vi phạm các quy định của Nhà nước về đo lường. Bên cạnh đó, Chi cục từng bước đầu tư, thiết lập và duy trì các chuẩn đo lường quốc gia thuộc các lĩnh vực khối lượng, dung tích, áp suất, điện, độ dài đảm bảo đo lường thống nhất, chính xác, phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
Nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đo lường, thời gian qua, Chi cục đã đầu tư phát triển hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo. Chi cục được đầu tư xây dựng 2 trạm đo lường khu vực đáp ứng nhu cầu kiểm định các phương tiện đo như công tơ điện, đồng hồ nước lạnh, cân thông dụng, xitéc ô tô ở hai khu vực phía tây và phía nam của tỉnh. Đầu tư thiết bị mở rộng khả năng kiểm định các phương tiện đo mới như taximet, quả cân chuẩn M1, phương tiện đo điện tim, điện não… phục vụ nhu cầu kiểm định của các tổ chức cá nhân trong và ngoài tỉnh. Hiện nay, Chi cục được công nhận KNKĐ 19 loại PTĐ thuộc diện phải kiểm định. Trung bình mỗi năm, Chi cục thực hiện kiểm định trên 30.000 phương tiện đo các loại, góp phần tích cực vào việc đảm bảo đo lường. Ngoài hoạt động kiểm định, hoạt động thử nghiệm cũng không ngừng phát triển: phòng thử nghiệm cơ lý của Chi cục được công nhận VILAS thực hiện gần 40 chỉ tiêu về cơ lý, đáp ứng nhu cầu thử nghiệm về vật liệu xây dựng trên địa bàn toàn tỉnh và các vùng phụ cận. Đặc biệt, với năng lực hiện có, Chi cục có khả năng hiệu chuẩn được máy kéo nén đến 2.000kN. Hiện nay, được sự quan tâm của tỉnh, Chi cục được đầu tư xây dựng Trung tâm thử nghiệm hiệu chuẩn với giá trị xây lắp trên 14 tỷ đồng.
Để hoạt động quản lý đo lường hướng vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thời gian tới, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tham mưu với các cấp quy hoạch các tổ chức kiểm định, các phòng thử nghiệm, hiệu chuẩn trên địa bàn tỉnh để khai thác có hiệu quả, khuyến khích đầu tư phù hợp với yêu cầu về QLNN và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Kiện toàn cơ cấu tổ chức của bộ phận sự nghiệp dịch vụ, duy trì và phát huy trang thiết bị được trang bị; mở rộng khả năng kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo; xây dựng phòng thử nghiệm được công nhận các lĩnh vực thử nghiệm điện, nhiệt, khối lượng, dung tích, áp suất. Đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên đạt trình độ kiểm định và hiệu chuẩn. Tăng cường năng lực kiểm định, thử nghiệm cho tổ chức kiểm định, thử nghiệm thuộc Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng. Duy trì các điểm cân đối chứng, có cơ chế khuyến khích các tổ chức, cá nhân thực hiện kiểm định cân thông dụng tại địa bàn và chỉ đạo UBND cấp xã, ban quản lý các chợ, các trung tâm thương mại tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về đo lường./.
Nguyễn Thị Kim Dung
Chi cục trưởng Chi cục
Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng
( Sở KH và CN)